Hội An nhân rộng mô hình măng tây xanh

Từ kết quả mô hình cây măng tây xanh do Hội Nông dân thành phố phối hợp cùng cùng các ngành chuyên môn triển khai thực hiện thành công tại khối Bàu Súng (Thanh Hà) và thôn Trà Quế (Cẩm Hà) với diện tích  hơn 6.000m2, Trạm khuyến nông – khuyến lâm Hội An đã tranh thủ nguồn vốn của cấp trên được 85 triệu đồng để tiếp tục đầu tư giống, phân vi sinh nhân rộng mô hình cây măng tây xanh cho 10 hộ nông dân thôn Trà Quế (Cẩm Hà) với diện tích thêm 5000 m2 trong vụ tới.

Sản phẩm bà con làm ra đạt chất lượng cao và có thị trường tiêu thu ổn định, giá bán từ  70 ngàn đến 110 ngàn đồng/kg.

Hoàng Ngân

Cẩm Thanh nâng cao giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, xã Cẩm Thanh đã nâng cao được giá trị sản xuất của ngành tiểu thủ công nghiệp. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 32 tỷ đồng/năm.

Phơi dừa lợp tranh- Ảnh: Đỗ Huấn

Giữ vị trí chủ đạo là nghề tre, dừa nước truyền thống vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo được thương hiệu làng nghề. Sản phẩm đã được công nhận sở hữu tập thể. Đồng thời, từ chỗ mang tính sản xuất nhỏ lẻ, theo hộ gia đình đến nay toàn xã đã có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung, giải quyết việc làm và ổn định thu nhập cho hàng trăm lao động. Không chỉ sản xuất tại chỗ, các cơ sở này còn mở rộng thị trường, đảm nhận thi công xây dựng nhiều công trình biệt thự nghỉ dưỡng, khu resort… trên các vùng miền của cả nước. Một số ngành nghề khác như mộc, nề, làm sản phẩm lưu niệm… cũng thu hút nhiều lao động.

Đỗ Huấn

Hàng TTCN Cù Lao Chàm: Tìm hướng đa dạng

Thực tế, những năm qua trên địa bàn xã đảo có hơn 40 hộ trực tiếp làm các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp với hơn 70 lao động và doanh thu đạt từ 3,5 tỷ đến gần 4 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó các sản phẩm có khả năng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách là: võng cây ngô đồng, vỏ sò, vỏ ốc, bánh ít lá gai, các loại hải sản tươi và khô, rượu trứng yến… Nhưng rõ ràng, so với tiềm năng sẵn có ở Cù Lao Chàm thì đây là con số khá khiêm tốn về chủng loại lẫn giá trị thu được.

Đã từ lâu, UBND thành phố đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm tiểu thủ công nghiệp nói chung và hàng mỹ nghệ nói riêng nhưng thực trạng đó vẫn tồn tại là do nhiều nguyên nhân. Bằng nguồn kinh phí khuyến công của Tỉnh, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Cù Lao Chàm như: nghiên cứu duy trì và phát triển nghề đan võng cây ngô đồng, mở lớp đào tạo đan cói nhằm đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm nhưng chưa thực hiện được do điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn, trong khi đó mức hỗ trợ có hạn. Phòng cũng đã tổ chức đưa đoàn cán bộ, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh hàng lưu niệm xã Tân Hiệp đi tham quan học tập kinh nghiệm làm sản phẩm từ vỏ sò, vỏ ốc tại Nha Trang, Vũng Tàu. Tuy nhiên việc ứng dụng còn nhiều hạn chế do một thời gian dài trên đảo không có điện, thiếu nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất cao so với giá bán trên thị trường.

Du khách dạo mua hàng lưu niệm trên đảo Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn

Theo ý kiến của một số chuyên gia và quản lý, Cù Lao Chàm hiện đang phát triển mạnh về du lịch và là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.  Vì vậy, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là các mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch cũng có cơ hội phát triển. Điện lưới quốc gia cũng vừa được cấp ra đảo nên việc hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc trong một số khâu lao động thủ công cho năng suất quá thấp như: dập vỏ, se sợi cây ngô đồng, làm sạch, làm bóng vỏ sò, vỏ ốc… sẽ thuận lợi hơn và góp phần nâng cao được năng suất lao động, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với nhóm sản phẩm thực phẩm, khi có nguồn điện ổn định thì việc đưa phương tiện thiết bị phục vụ sản xuất ở một số công đoạn để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm cũng được tăng cường như: máy sấy khô, máy xay bột, trộn nguyên liệu…

UBND thành phố đã chỉ đạo chính quyền xã đảo phối hợp với ngành chức năng chủ động tìm hướng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm lưu niệm hiện có để phục vụ du khách. Trước mắt tập trung những mặt hàng độc đáo, có triển vọng phát triển; đồng thời tổ chức khảo sát, từng bước nghiên cứu thị trường, du nhập và phát triển một số sản phẩm khác nhằm đa dạng chủng loại sản phẩm lưu niệm tại Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đúng mức công tác quảng bá, giới thiệu; đào tạo bồi dưỡng nghề cho lớp trẻ, bảo đảm vệ sinh, cảnh quan môi trường và liên kết hợp tác sản xuất, trình nghề, tổ chức phục vụ cho du khách… Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết, từ sau khi tổ chức thử nghiệm sự kiện “Đêm Cù lao” tại xã đảo Tân Hiệp, vài năm gần đây đơn vị tiếp tục triển khai sản xuất thử một số sản phẩm từ nguyên liệu riêng có ở Cù Lao Chàm. Tập trung chủ yếu là các sản phẩm ẩm thực và hàng tiểu thủ công nghiệp như: bánh in ngô đồng, tương ngô đồng, hạt ngô đồng rang, nước yến tinh, rong biển tẩm, mứt rong biển, tranh ngô đồng và một số mặt hàng lưu niệm từ sợi vỏ cây ngô đồng, vỏ sò, vỏ ốc, rượu trứng yến, các loại hải sản tươi, khô…Bước đầu, những sản phẩm này được đánh giá cao về chất lượng, tính đặc trưng, mẫu mã bao bì, tạo được ấn tượng tốt đối với du khách.

Bán hàng hải sản tươi sống ở Bãi Hương (Cù Lao Chàm)- Ảnh: Đỗ Huấn

Gần đây, thực hiện “Dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch Di sản tại các làng nông, ngư nghiệp vùng sâu vùng xa” thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA tại Việt Nam, chính quyền thành phố phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước triển khai chương trình phát triển sản phẩm lá Lao (hay còn gọi là Trà lá rừng) Cù Lao Chàm. Bước đầu, chương trình hỗ trợ cho 36 hộ làm nghề khai thác, kinh doanh trà lá Lao, mỗi hộ một máy dập miệng túi (thay cho việc dùng đèn cầy hoặc đinh bấm như cách bà con đang làm), 50 bao bì bằng giấy kraft đóng gói kèm theo nhãn dán, đồng thời hướng dẫn bà con cách thức sử dụng máy, đóng gói sản phẩm. Trên nhãn dán có logo thương hiệu, thông tin về thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm bằng song ngữ Việt – Anh. Việc đóng gói sản phẩm bằng túi giấy góp phần giảm thiểu rác thải khó phân hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện “Nói không với túi nilon” ở xã đảo. Không chỉ hỗ trợ phương tiện, chính quyền thành phố và xã đảo còn gặp mặt, trao đổi với bà con về việc khai thác bền vững nguồn lá Lao, các lưu ý về an toàn vệ sinh, nâng tầm sản phẩm trà lá Lao thông qua việc nâng cấp hình thức bao bì đóng gói.

Cù Lao Chàm đang là điểm đến yêu thích của du khách gần xa. Nhưng hàng lưu niệm dành cho du khách khi đến tham quan tại đây hiện vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là hàng tươi sống. Chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đang tích cực tìm hướng khắc phục để góp phần đa dạng hóa các dịch vụ du lịch trên đảo, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện thu nhập, đời sống của một bộ phận nhân dân.

Đỗ Huấn

Nâng cao giá trị của lá, rau từ rừng Cù Lao Chàm

Khi đến tham quan đảo xanh, xinh đẹp Cù Lao Chàm, ngoài những món ngon mang nhiều hải vị như: bào ngư, cua đá, cá tươi…, du khách còn được thưởng thức những món ăn, thức uống mang đậm hương vị dân dã, mộc mạc đó là rau rừng, ly nước lá thơm lừng.

Rau, nước lá từ rừng Cù Lao Chàm từ lâu đã mang trên mình tiếng thơm nức lòng, mang đến cho khách phương xa một hương vị thanh thoát, đằm thắm. Nét đẹp giản dị trong nhánh lá, mớ rau rừng Cù Lao Chàm vào lòng thực khách một cách an toàn.

Ông Lê Đình Tường – Phó trưởng Phòng kinh tế thành phố khẳng định về chất lượng an toàn thực phẩm cùng giá trị của rau, lá rừng mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân nơi đây. Các hộ sản xuất kinh doanh chế biến đảm bảo vệ sinh, không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào xảy ra từ hai sản phẩm này.  

Có thể tìm thấy rau, lá rừng ở các chân núi, phiến đá, bờ khe- Ảnh: Hoàng Ngân

Rau, lá rừng Cù Lao Chàm mọc hoang dã, có thể tìm thấy ở các chân núi, phiến đá, bờ khe. Đa dạng về chủng loại, rau rừng mang đến những mùi vị khác nhau, chinh phục những vị khách từ nơi khác đến. Rau rừng thơm ngon và đúng mùa nhất là vào mùa hè.

Người dân nơi đây có thể tìm thấy loài rau đặc biệt này trên những thân cổ thụ cao chót vót hay những vách đá cheo leo. Có khi người đảo Cù Lao phải len lỏi vào bụi rậm để có thể tìm được nó. Theo nhiều  hộ chuyên làm ngành nghề nói trên ở đảo cho rằng để có một hỗn hợp lá cho nước uống ngon thì phải có ít nhất 17 loại lá, còn nhiều thì 23-24 loại. Số lượng cho một suất rau cũng tương tự như vậy. Trước đây, khi thời tiết thuận lợi, bà con tìm hái lá bán cho khách, thu nhập bình quân mỗi ngày trên dưới 100 ngàn đồng. 8 năm trở lại đây, khi Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu dự trữ sinh quyển Thế giới, du khách ra tham quan thưởng ngoạn trên đảo Cù Lao Chàm ngày càng đông, nhiều người mua rau, lá về ăn, uống nên nghề hái lá rau rừng phát triển ổn định, nhờ đó  cuộc sống của bà con làm nghề này cũng khá dần lên.

Đĩa rau rừng tươi ngon trong những ngày hè oi bức- Ảnh sưu tầm

Năm 2016 Phó chủ tịch UBNDTP ông Nguyễn Văn Sơn đã tích cực chỉ đạo xã đảo Tân Hiệp phối hợp Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn cùng tổ chức Jica (Nhật Bản) xây dựng dự án phát huy giá trị đặc sản “nước lá Lao” đạt chất lượng, làm quà lưu niệm cho du khách.  Nhằm hỗ trợ cho bà con có dụng cụ khai thác lá rừng có hiệu quả vừa bảo vệ bền vững rừng cây quý ở đảo, mới đây, tổ chức Jica (Nhật Bản) cũng đã tài trợ các gia đình  máy cắt cành, vừa an toàn trong hái lá vừa tạo dáng bền vững, đẹp mắt cho rừng cây.

Chế biến rau, lá rừng có nhiều cách. Tuy nhiên người dân nơi đảo Cù Lao luôn lựa chọn những cách đơn giản nhất, không phải qua nhiều khâu chế biến để có thể giữ được hương vị đặc trưng của loại rau này. Khi chế biến người dân địa phương chỉ sử dụng nước trong, sạch, đun ở nhiệt độ cao. Chính vì thế khi nhìn những đĩa rau luộc với nhiều chủng loại, nhiều màu sắc nhưng hương vị của nó vẫn hội tụ đầy đủ hương thơm, vị đắng đắng, cay cay của  rau, lá.

Trong những ngày hè oi bức, được thưởng thức một bát canh cua đá nấu với rau rừng, được uống ly nước lá, du khách sẽ khó quên vị thanh ngọt của bát canh, hương thơm của nước lá Lao khi rời đảo xanh quyến rũ này.

Hiện toàn xã có 34 hộ gia đình chuyên sản xuất, chế biến bằng nghề hái rau, lá rừng phục vụ cho nhân dân và du khách. Để bà con có kiến thức tự nâng cao chất lượng sản phẩm của chính mình làm ra từ nguyên liệu thiên nhiên, Hội An đã tổ chức tập huấn và trao giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho bà con. Ông Lê Đình Tường – Phó trưởng Phòng kinh tế thành phố, đơn vị chủ quản sản phẩm này cho biết thêm: “Hiện nay ở Cù Lao Chàm có tổ hợp tác kinh doanh rau và lá rừng. Để nâng cao giá trị sản phẩm này, mới đây phòng kinh tế phối hợp với UBND xã Tân Hiệp tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà con”.

Hoàng Ngân

Cẩm Thanh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã Cẩm Thanh có hướng điều chỉnh sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gắn kết với du lịch làng quê sinh thái.

Du khách mua rau hữu cơ sản xuất tại Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Theo đó, chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp từng chân ruộng, đất vườn, phù hợp với từng thời điểm, mùa vụ, nhân rộng mô hình rau hữu cơ an toàn tại thôn Thanh Đông kết hợp khai thác phục vụ du lịch – dịch vụ theo tour. Đồng thời, lãnh đạo xã sẽ rà soát, tiến hành quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi, tuân thủ quy trình kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó cần vận động nhân dân coi trọng việc phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát triển diện tích rừng dừa nước vùng ngập mặn.

Đỗ Huấn

Làng rau Trà Quế: Lượng khách tăng bình quân hơn 30%/năm

Với 2 khu sinh thái phục vụ ăn uống, vui chơi, nghĩ dưỡng cho du khách đạt chuẩn, 24 cơ sở lưu trú (gồm 05 biệt thự du lịch, 8 homestay, 11 nhà cho người nước ngoài thuê) và 2 nhà hàng phục vụ ăn uống cho du khách…, mỗi năm Làng rau Trà Quế có khả năng đón tiếp từ 35 ngàn đến 45 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch.

Du khách trải nghiệm lao động trồng rau ở Trà Quế (xã Cẩm Hà)- Ảnh: Đỗ Huấn

Riêng giai đoạn 2012 – 2016, tốc độ tăng lượng khách đến bình quân đạt hơn 30%, từ gần 13 ngàn (vào năm 2012) lên 35 ngàn lượt khách (cuối năm vừa qua).

Đỗ Huấn

Hội An sơ kết vụ sản xuất Đông Xuân & triển khai kế hoạch vụ Hè Thu

Phòng Kinh tế Hội An vừa tổ chức sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2017.

Vụ Đông Xuân 2016-2017 bà con nông dân Hội An sạ cấy được hơn 374 ha lúa, đạt 97% diện tích kế hoạch với các giống lúa trung ngày như Thiên ưu 8, OM9400 cùng một số giống bổ sung khác, đã thu hoạch đạt năng suất cao 64,5 tạ/ha.

Lúa ở các địa phương đều cho năng suất cao- Ảnh: Hoàng Ngân

Phòng Kinh tế cùng Trạm kỹ thuật nông nghiệp và các xã phường đã triển khai chuẩn bị tốt điều kiện sản xuất, tập huấn kỹ lưỡng cho bà con nông dân lịch thời vụ, giống thích hợp với điều kiện thời tiết thay đổi và các biện pháp phòng trừ các đối tượng gây hại, hạn chế thấp nhất nạn chuột phá hại nên lúa ở các địa phương đều cho năng suất cao. Các loại rau màu cũng phát triển tốt, đạt năng suất cao, tuy nhiên giá bán thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Thu hoạch xong lúa Đông Xuân, bà con tiến hành ngay việc vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi ruộng, nhằm cải tạo đất, đồng thời hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển vụ.

Vụ Hè thu 2017, Phòng khuyến cáo bà con chỉ sử dụng giống trung và ngắn ngày để gieo sạ đạt diện tích trên 380ha; thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống đồng thời phòng chống hạn và nhiễm mặn để bảo vệ lúa vụ tới được an toàn, đạt năng suất cao.

Hoàng Ngân

Cẩm Hà nỗ lực nâng cao chất lượng xã Nông thôn mới

Cẩm Hà có diện tích tự nhiên hơn 613 ha, với 222,43 ha đất sản xuất nông nghiệp, có một làng rau Trà Quế chuyên canh nổi tiếng từ lâu đời đã trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Toàn xã có có 1723 hộ gia đình sinh sống ở 7 thôn với 35 tổ dân cư, trong đó có thôn Bến Trễ là khu giãn dân của Thành phố. Năm 2011 Cẩm Hà là một trong 2 xã của thành phố được chọn xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn giai đoạn 2011 – 2015.

“5 năm trở lại đây Cẩm Hà quê tôi phát triển nhiều, đường sá được mở rộng, bà con tích cực buôn bán, làm quật có thu nhập cao, sắm mới nhiều phương tiện như xe máy ti vi…, nhìn chung ai cũng khá hết” – đó là cảm nhận sự đổi thay của ông Trang Tính ở Thôn Cửa Suối.

Còn bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Trảng Kèo, sinh sống, tham gia sản xuất lâu năm trên mảnh đất này bày tỏ niềm vui sướng khi nhìn cảnh quê mình đổi thay phát triển. Bà nói: “riêng thôn của bà từ khi được giải tỏa, dự án khu dân cư được làm, các gia đình nằm trong vùng được nhận đền bù, đường được mở rộng, ai cũng khá lên.”

Góc thanh bình, hiện đại ở thôn Trảng Kèo- Ảnh: Hoàng Ngân

Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cẩm Hà lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 với nhiều thời cơ, vận hội mới, toàn xã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung mọi nguồn lực nâng cao và xây dựng bền vững các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Với sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, phong trào Nông thôn mới năm qua tại đây tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới, Cẩm Hà chú trọng hơn chất lượng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức thực hiện của nhân dân thông qua các hoạt động lồng ghép của hệ thống chính trị ở địa phương. Nhờ vậy bà con nhân dân trên địa bàn xã đã hiểu và tự giác tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cuộc vận động “Toàn dân  xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” cũng đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, có 5/7 thôn đạt thôn văn hóa 3 năm liên tục, xã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới. Nhiều mô hình sản xuất mới để hỗ trợ nhân dân nâng cao thu nhập như mô hình trồng cây măng tây, đề án hỗ trợ chăn nuôi gà cho hộ cận nghèo, tập huấn triển khai mô hình rau hữu cơ tại làng rau Trà Quế được triển khai thực hiện. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 90,94% năm 2015 thành 96,57% năm 2016. Cơ cấu lao động phân bố chủ yếu nông nghiệp- dịch vụ du lịch thương mại – công nghiệp.

Sớm mai ở làng rau Trà Quế- Ảnh: Hoàng Ngân

Từ nhiều nguồn vốn, trong năm 2016, xã đã được đầu tư  trên 11 tỷ đồng xây mới 3 công trình, đó là chợ Bàu Ốc Hạ, dãy phòng học trường Lê Độ và nâng cấp đường ĐX32 (đoạn từ thôn Trảng Kèo đến Đồng Nà).

Xã cũng đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác giáo dục được chú trọng: Trường Mẫu giáo được công nhận chuẩn Quốc gia; Trường tiểu học Lê Độ duy trì đạt chuẩn quốc gia mức độ I và đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3, không có học sinh bỏ học. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi động gắn với các sự kiện chính trị xã hội, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước như: Đại Hội TDTT xã Cẩm Hà lần thứ VIII, Hội diễn nghệ thuật quần chúng, Ngày hội cây quật cảnh xã Cẩm Hà, Lễ hội Cầu Bông làng rau Trà Quế. Địa phương đã duy trì tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, qua bình xét 1747/1886 hộ gia đình văn hóa, đạt 92,7%, 7/7 tộc đạt Tộc văn hóa, 05 thôn công nhận Thôn văn hóa , xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Ông Mai Kim Phương (Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo XDNTM) của xã chia sẻ những tiêu chí được nâng cao, đó là: Tiêu chí 2 (giao thông), tỉ lệ đường giao thông ngõ xóm đạt chuẩn từ 94% vào năm 2015 đã nâng lên là 100% vào năm 2016. Tiêu chí 7 (chợ nông thôn ): đã đầu tư xây dựng chợ Bàu Ốc Hạ và đưa vào sử dụng đầu năm nay. Tiêu chí 9 (nhà ở dân cư ): Tỷ lệ nhà đạt chuẩn tăng lên đến 99,68%. Tiêu chí 10 (thu nhập ): bình quân thu nhập của xã tăng từ 26,96 triệu/người/năm vào năm 2015 thành 29,28 triệu/người/năm. Tiêu chí 11 (hộ nghèo) xuống 0% vào năm 2016.

Những gì Cẩm Hà đạt được năm 2016 là đáng biểu dương và phần thưởng công trình trị giá 200 triệu đồng mà Thành phố trao tặng vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước khá là xứng đáng, tiếp thêm động lực để Nhân dân và cán bộ Cẩm Hà quyết tâm cao hơn trong thi đua lao động sản xuất, nâng chất lượng các tiêu chí xây dựng nông mới, nhất là tiêu chí về môi trường trong năm nay và những năm tiếp theo.

Hoàng Ngân

Hỗ trợ phương tiện hành nghề phát triển sản phẩm lá Lao ở Cù Lao Chàm

Triển khai chương trình phát triển sản phẩm lá Lao (hay còn gọi là Trà lá rừng) Cù Lao Chàm nằm trong “Dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch Di sản tại các làng nông, ngư nghiệp vùng sâu vùng xa” thuộc khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA tại Việt Nam, chính quyền và các ngành chức năng thành phố vừa hỗ trợ phương tiện hành nghề cho 36 hộ làm nghề khai thác, kinh doanh trà lá Lao tại xã đảo Tân Hiệp.

Cù Lao Chàm có hệ sinh thái rừng đa dạng- Ảnh: Đỗ Huấn

Bước đầu, chương trình hỗ trợ mỗi hộ một máy dập miệng túi (thay cho việc dùng đèn cầy hoặc đinh bấm như cách bà con đang làm), 50 bao bì bằng giấy kraft đóng gói kèm theo nhãn dán, đồng thời hướng dẫn bà con cách thức sử dụng máy, đóng gói sản phẩm. Trên nhãn dán có logo thương hiệu, thông tin về thành phần, ngày sản xuất và hạn sử dụng của sản phẩm bằng song ngữ Việt – Anh. Việc đóng gói sản phẩm bằng túi giấy góp phần giảm thiểu rác thải khó phân hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường, thực hiện “Nói không với túi nilon” ở xã đảo. Ngoài ra, chương trình còn tiến hành phát các mẫu phiếu khảo sát để du khách góp ý về chất lượng, hình thức mẫu mã bao bì sản phẩm trà lá Lao, từ đó điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả hơn. Đoàn công tác của thành phố cũng đã gặp mặt, trao đổi với bà con về việc khai thác bền vững nguồn lá Lao, các lưu ý về an toàn vệ sinh, nâng tầm sản phẩm trà lá Lao thông qua việc nâng cấp hình thức bao bì đóng gói.

Đỗ Huấn

Nâng tầm giá trị đồng lúa Hội An

Theo thống kê của ngành chủ quản, hiện Hội An có trên 50 ha đồng ruộng không sản xuất. Nguyên nhân thì nhiều, đã được các cơ quan chức năng gặp gỡ trao đổi cùng bà con để cùng nhau sớm phục hồi giữa “tình người- cây và đất“. 

Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam, trở thành tên gọi cho một nền văn minh lúa nước. Cây lúa tại Hội An không chỉ mang lại sự no đủ của bà con trồng lúa mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần vùng nông thôn, mảng màu không thể thiếu trong bức tranh của du lịch sinh thái.

Cây lúa gần gũi với người nông dân cũng như bờ tre, khóm chuối, thấm đẫm tình người và hồn quê, trải qua nắng mưa càng nồng nàn hòa quyện thân thương.

Nông nghiệp Hội An chiếm tỷ trọng không nhiều trong kinh tế của toàn thành phố nhưng nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khẳng định về điều này bà Nguyễn Thị Vân (Trưởng phòng kinh tế Hội An) cho chúng tôi biết, diện tích lúa của Hội An là không nhiều, không mang ý nghĩa lớn về lương thực đối với Hội An nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nó tạo cảnh quan, là lá phổi xanh cho thành phố. Nhưng trực trạng hiện nay đồng lúa Hội An thu hẹp dần do nông dân không sản xuất. Năm 2017 thành phố đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho bà nông dân khắc phục tình trạng bỏ ruộng và giảm chi phí sản xuất, giữ ruộng sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Một góc không gian ruộng lúa ở Cẩm Kim- Ảnh: Hoàng Ngân

Ngày nay du khách đến Hội An, ngoài chiêm ngưỡng nét cổ kính rêu phong của phố, nhiều người còn dành thời gian tham thú ruộng đồng làng quê.

Thực tế ngoại thành Hội An thu hút du khách ngày càng nhiều chính nhờ những đồng ruộng xanh tươi ấy.

Hơn mười năm qua , Trần Văn Khoa xuất thân từ con nông dân làm biển, sớm bước chân vào làm kinh tế du lịch, hiểu được thị hiếu du khách phương Tây, muốn khám phá trải nghiệm nét dân dã yên bình nơi đồng quê, Khoa đã “bắt cầu”  kết nối bà con nông dân với khách Tây ngay trên đồng ruộng sinh thái cùng thao tác các phương thức sản xuất của nông dân Cẩm Thanh Hội An, góp phần đưa thu nhập của bà con nông dân cao gấp 10 lần so với sản xuất lúa đơn thuần.

Năm 2016, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp tại Cẩm Châu cũng đồng hành cùng bà con làng An mỹ mở tour du lịch một ngày làm nông dân cũng đang khởi sắc. Hay mới đây từ không gian đồng quê thanh bình, phông nền chính là thảm lúa xanh kết hợp với rơm rạ và những sản phẩm làm ra của bà con nông dân, doanh nghiệp trẻ Trần Xuân Thanh đã tạo ra sản phẩm du lịch chợ đồng quê mới lạ, giá đắt đỏ, nhưng thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều du khách.   

Gìn giữ, phủ xanh ruộng đồng nhằm nâng giá trị từng cảnh quan thiên nhiên vùng quê sinh thái để cuốn hút thêm khách cũng chính là nâng cao thêm chất lượng cuộc sống bà con vùng nông thôn.

Với mục đích ý nghĩa trên Hội Đồng Nhân Dân Thành phố đã ra Nghị quyết giải đúng bài toán “ nâng tầm giá trị đồng lúa Hội An“. Theo đó, những quyết sách đầu tư kinh phí cải tạo ruộng đồng và hỗ trợ cho bà con trực tiếp trồng lúa sẽ thực thi trong năm nay.

Sâu sát thực địa, bí thư thành ủy Hội An Kiều Cư chỉ đạo Chính quyền và ngành chức năng của thành phố tập trung triển khai phương  án cải tạo đồng ruộng kém chất lượng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, tôn tạo không gian xanh yên bình, nhất là trên trục đường cửa ngõ vào Hội An đoạn từ Trà Quế đến đường Hai Bà Trưng.  

Với sự chỉ đạo cụ thể và quyết nghị trên đi cùng chính sách hỗ trợ và cần có hợp lực của chính bà con cho nông dân Hội An, chắc rằng, ruộng đồng Hội An sẽ sớm được phủ đầy mảng xanh tươi, cuốn hút, cảm kích đông đảo du khách đến trải nghiệm nền văn minh lúa nước, “một biểu tượng của các nước ASIAN thu nhỏ tại Hội An”. Và như thế đồng lúa Hội An sẽ được nâng tầm giá trị cao hơn.

Hoàng Ngân

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.