Từ kết quả thu thập được qua các thông tin điều tra về tình hình sở hữu sử dụng các di tích nhà ở, nhà thờ tộc trong khu phố cổ Hội An của Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm trong việc giữ gìn “Hồn phố xưa”, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới – đô thị cổ Hội An. Đôi chút hoài niệm về “Hồn phố” nhân dịp đầu xuân
Do là khu di sản sống, người dân đang ở, buôn bán trong từng công trình, di tích nên việc thờ tự thuộc các tôn giáo, lĩnh vực tín ngưỡng vẫn được duy trì phổ biến. Qua khảo sát cho thấy có 8 đối tượng thờ tự chính gồm: thờ Phật, thờ Chúa, thờ Thánh – Thần, thờ Ngũ tự gia đường, thờ ông bà, thờ Thần tài, Thần bếp, Thần giếng, thờ các vong hồn vô danh. Trong đó, phổ biến nhất là thờ Thần tài. Kết quả điều tra từ 604 căn nhà trong khu vực 1 phố cổ có đến 372 nhà thờ Thần tài (chiếm 61,5%). Điều này cũng dễ hiểu bởi các nhà trong khu phố cổ đều có kinh doanh nên phải thờ tự, cầu mua mau, bán đắt, may mắn phát tài. Cùng với đó, vào ngày sóc vọng hàng tháng việc cúng rằm diễn ra cũng nhiều hơn và đồng bộ hơn so với vài chục năm trước. Đó là một nét đẹp tín ngưỡng thu hút nhiều du khách tìm hiểu, khám phá nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ nếu không dự lường sự cố và chủ động phương án phòng chống trong từng hộ gia đình và cả cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, trong 784 di tích thuộc các tuyến đường chính trong khu phố cổ, số lượng di tích sử dụng một phần hoặc toàn bộ không gian di tích để kinh doanh tăng lên hằng năm. Trước năm 1999 có 377 di tích sử dụng để kinh doanh, từ năm 1999 tăng lên 492 di tích, đến năm 2014 có 753 di tích và đến nay là 780 di tích có sử dụng để kinh doanh (kể cả các trường hợp người từ nơi khác đến thuê buôn bán). Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An nói: “Hiện nay, thách thức lớn là sự thay đổi chu sở hữu. Từ năm 1999 số di tích để người ở rất là lớn nhưng từ các năm sau thì giảm dần mà tăng dần số di tích để sử dụng kinh doanh. Đây là vấn đề đáng báo động trong tình hình hiện nay!”.
Điều này cho thấy mật độ sinh hoạt của người dân trong khu phố cổ giảm đi khá nhiều. Kéo theo đó là không gian sinh hoạt thường ngày của người dân hiện sống trong khu phố cổ đang bị thu hẹp hơn vì các hạng mục nhà cầu, sân trời, phòng khách… hiện đã ưu tiên tối đa cho việc trưng bày hàng hóa, kinh doanh. Nhiều người dân tự cảm thấy không còn thoải mái khi tiếp khách trong nhà hoặc thư giãn ở sân trời, hiên nhà… như ngày xưa. Trong tổng số 604 di tích được tiến hành điều tra thì chỉ có 149 nhà còn giữ được không gian tiếp khách tại phòng khách (chiếm 24,6%), 245 nhà còn giữ được không gian sinh hoạt ở sân trời (khoảng 40%). Khi không gian sinh hoạt của ngôi nhà bị thu hẹp thì những tập tục tốt đẹp xưa cũ như thú cùng nhau uống trà, hàn huyên trò chuyện, đọc sách, ngắm cảnh… của cư dân bản địa trước đây cũng bị giảm đi rõ nét. Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tich UBND thành phố cho biết, do nhiều lý do khác nhau, nhiều người đã bán di tích. Chủ mới là những người ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, ở Đà Nẵng và các nơi khác. “Người ta không ở đó, buổi sáng người ta chỉ tới mở cửa kinh doanh, buổi tối đóng lại, khoảng 30% ngôi nhà trong khu phố cổ không còn chủ truyền thống. Cho nên “hồn phố” bị ảnh hưởng rất nhiều, mai một nếp sống, vốn sống của người dân bản địa”, ông Sơn nói.
Qua điều tra, trong 604 di tích hiện chỉ còn 312 di tích là có không gian thờ tổ tiên, số còn lại không còn nữa. Thay vì trước đây, đa số các ngôi nhà, các di tích trong phố cổ vừa sinh hoạt vừa kinh doanh buôn bán thì có không gian này nhưng hiện nay chỉ còn 312/604. Cũng như các không gian bếp truyền thống trong nhà cũng không còn nhiều, chỉ còn 462/604.
Việc cho thuê nguyên căn và mua bán chuyển nhượng một số ngôi nhà có giá trị loại đặc biệt trong khu phố cổ chỉ với mục đích phục vụ kinh doanh không chỉ làm thay đổi đối tượng thờ tự mà cả không gian thờ tự. Có trường hợp, chủ mới đã tháo dỡ các vách ngăn gian thờ, tháo bỏ án thờ, dỡ bỏ các cặp liễn đối có nội dung tôn vinh tín ngưỡng mà thay vào đó các kiểu thức trang trí theo phong cách hiện đại để phục vụ kinh doanh như các chi tiết trang trí hiện đại, giá đỡ hàng hóa bằng kim loại, sử dụng các loại vật liệu hiện đại, dễ gây cháy để trang trí, trưng bày bên trong di tích…
Không chỉ làm giảm giá trị văn hóa tâm linh và giá trị kiến trúc của ngôi nhà mà sự chuyển nhượng chủ sở hữu các di tích nhà ở trong khu phố cổ cũng đã kéo theo những thay đổi về cung cách ứng xử, nếp sống của cư dân bản địa trong buôn bán giao tiếp. Ông Nguyễn Dè ở xã Cẩm Hà, đại diện tộc Nguyễn Viết (Hội An) cho biết rất quan tâm đến phần văn hóa phi vật thể của phố cổ. “Tôi thấy đối xử của một số người từ các nơi đến có gì đó không giống truyền thống của người Hội An, có gì đó không phù hợp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa của con người Hội An. Con người Hội An đối xử rất là thân ái, người lạ ở đâu đến cũng được chia sẻ niềm nở. Dù họ có mua được hay không được thì mình cũng lịch sự thân ái, không lời ra tiếng vào hay nói nặng nói nhẹ”, ông Dè nói.
Thực tế hiện tại ở khu phố cổ Hội An đang có những biến đổi đáng quan ngại về nếp sinh hoạt của cư dân, cần nhận diện và tìm giải pháp khắc phục. Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng: “Trong tương lai, tôi nghĩ làm thế nào đó chúng ta phải quý, quý từng cái đời sống phi vật thể, từng cái ứng xử, giao tiếp rất truyền thống, thuần hậu của người Hội An. Nếu biết trân trọng những giá trị di sản đó và biến thành tài sản thì chúng ta sẽ phát huy và sẽ làm kinh tế tốt hơn nữa”.
Cần kịp thời tìm ra những giải pháp thích hợp, hiệu quả để hạn chế những tác động tiêu cực của sự biến đổi về nếp sinh hoạt trong khu phố cổ để giữ “Hồn phố xưa”, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa thế giới – đô thị cổ Hội An.
ĐỖ HUẤN