Phụ nữ Hội An khởi nghiệp từ móc len

Nghề móc len vốn có từ lâu, đã quá quen thuộc với mọi người, song hiện nay, việc trở lại với công việc này đang là cách làm mới của Hội LHPN Hội An, nhằm tạo ra dòng sản phẩm bằng len, góp phần làm đa dạng thị trường hàng lưu niệm tại địa phương và giải quyết việc làm cho một bộ phận chị em có cùng sở thích…

Người lớn tuổi chuyển nghề…

Sau gần 4 tháng kể từ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố khai giảng lớp học móc len, đến nay, các học viên đã tạo được nhiều sản phẩm mà mình yêu thích.

Bà Trương Thị Hoa, một thành viên của lớp học, năm nay ngoài 60 tuổi nhưng niềm đam mê với len đã tạo động lực để mỗi khi đến lịch, bà lại chạy xe máy từ thôn Bàu Ốc Hạ, xã Cẩm Hà vào thành hội học móc len. Chuyên tâm với công việc, đến nay, tay nghề móc len của bà đã thành thạo, tạo được nhiều sản phẩm đẹp mắt, được nhiều người yêu thích. Trước đây, bà Hoa làm nghề bỏ hàng bánh kẹo cho một số hàng quán nhỏ, thu nhập tương đối ổn định. Hiện nay, khi đã lớn tuổi, bà khó có thể tiếp tục công việc này vì đi lại khó khăn, hàng hóa cồng kềnh, khó chuyên chở. Khi biết Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố mở lớp dạy móc len, bà Hoa cho rằng đây là cơ hội để mình có một công việc mới, có thể tạo ra các sản phẩm lưu niệm ưng ý. Ban đầu, những chiếc túi xách bằng len sang trọng được bà Hoa tạo ra, có giá bán ở mức vừa phải cũng được vài trăm ngàn đồng mỗi chiếc. Bà vui vẻ kể: “Ban đầu cô làm rất là khó nhưng sau khi đã làm được rồi thì thấy rất là đam mê, không có khó gì. Đến bây giờ mình đã có các sản phẩm để bán, có thêm thu nhập, tuy nó chưa nhiều nhưng đã mang lại niềm vui cho mình. Khi mình lớn tuổi cũng có một công việc làm nho nhỏ, từ đó đến chừ mình rất là đam mê, tạo ra nhiều sản phẩm. Mình có thể tìm tòi học hỏi trên mạng hoặc những người làm trước, họ biết làm đó, là mình học thêm, rồi về mình tự sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác. Bây giờ công việc trước đây mình không làm được nữa. Nhàn nhã cả ngày, dành thời gian đó để móc len, có hàng bán, thu nhập đều đều hàng tháng thế là vui rồi. Công việc nhẹ nhàng, chỉ cần chăm chỉ và khéo léo, sáng tạo chút thôi”.

Một buổi học móc len dành cho các hội viên phụ nữ- Ảnh: Lê Hiền

Người trẻ khởi nghiệp….

Cũng đến từ Cẩm Hà nhưng chị Nguyễn Thị Huỳnh Nga, bí thư chi đoàn thôn Bến Trễ là người được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố mời tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ móc len Hội An. Dù không học trong lớp móc len do thành hội tổ chức nhưng với niềm đam mê của mình, hồi còn là học sinh bậc THCS, chị đã học móc len và đến nay, tay nghề của Nga rất vững vàng, tinh tế. Với cách nhìn thẩm mỹ và sáng tạo, Huỳnh Nga đã làm được rất nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng, mang tính sử dụng cao. Bây giờ, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, trong thời gian chưa có việc làm, Nga vừa nhận dạy kèm học sinh tại nhà, vừa khởi nghiệp bằng một tiệm len, chuyên cung cấp len cho khách hàng và bán các sản phẩm lưu niệm bằng len do chị và các cộng tác viên làm ra. Song hiện nay, dù đã được Hội LHPN và xã đoàn Cẩm Hà hỗ trợ tích cực, Nga vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn kinh doanh và thị trường đầu ra cho sản phẩm. Nga chia sẻ, mặc dù với địa bàn Hội An, các mặt hàng lưu niệm luôn có cơ hội tiêu thụ nhưng ban đầu, việc tiếp cận thị trường với mặt hàng len thủ công, giá thành tương đối, quả là chuyện không dễ. Sau thời gian vừa kinh doanh qua mạng internet và thuê một địa điểm bên ngoài để hình thành shop len Handmade, khi thành hội tổ chức lớp học cho hội viên phụ nữ toàn thành phố và thành lập Câu Lạc bộ móc len, với những mục đích cụ thể, có định hướng tốt, Nga cho rằng, sự lựa chọn con đường khởi nghiệp từ len của mình là hoàn toàn đúng đắn, từ đó tiếp thêm động lực để Nga tham gia câu lạc bộ và gắn bó với nghề. Nga nói: “Em mở cửa hàng được hơn 3 tháng, đó cũng là cửa hàng nhỏ thôi. Rất hay là khi em mới mở cửa hàng một thời gian thì Hội LHPN TP mở lớp móc len này. Nói chung là mới bước đầu, cửa hàng bán nguyên vật liệu để làm đồ handmade và bán cả sản phẩm hoàn thiện nữa, chủ yếu là len sợi, còn sản phẩm cũng tương đối. Ban đầu mới có mình em và một vài cộng tác viên. Hiện tại thì đầu ra cũng chưa ổn định nên cũng chưa sản xuất đại trà. Tham gia câu lạc bộ móc len, em nghĩ chắc chắn giúp ích được nhiều trong phát triển công việc của em. Tại vì thứ nhất là em được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi. Thứ hai là sắp tới nguồn nhân lực cũng nhiều hơn và tiếp nữa là sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hội An cũng giúp cho công việc của em sẽ phát triển thuận lợi hơn, nhất là khi Hội tính toán việc tìm đầu ra cho sản phẩm, “đỡ đầu” sản phẩm hàng lưu niệm len sợi của em và các thành viên”.

Sản phẩm len lưu niệm handmade của phụ nữ Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Theo đánh giá của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hội An, hàng lưu niệm từ len, do chính phụ nữ bản địa làm ra là một mặt hàng đầy tiềm năng tại thành phố du lịch Hội An nhưng bấy lâu nay vẫn còn đang bỏ ngõ. Trong khi, một lượng lớn lao động nữ, ở nhiều lứa tuổi, thành phần vẫn có thể tranh thủ thời gian học và làm ra các mặt hàng từ chất liệu này. Việc mở lớp dạy móc len miễn phí và thành lập câu lạc bộ móc len Hội An không chỉ nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập hợp hội viên, phụ nữ; tạo sân chơi cho CB, HVPN trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về len, sợi và nghệ thuật móc len sợi mà còn giúp chị em sáng tạo ra những sản phẩm lưu niệm từ len sợi, góp phần làm phong phú thị trường hàng lưu niệm Hội An, đảm bảo loại hàng Handmade Phụ nữ Hội An”. Cũng từ đó sẽ mở ra nhiều hướng để Hội LHPN TP phối hợp với các ngành các địa phương, vận dụng các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ nghề móc len; tăng thu nhập cho một bộ phận phụ nữ vùng ven, phụ nữ không có sức khỏe để lao động nặng, các bà nội trợ, các em học sinh… Ngoài ra, cũng từ hoạt động này, Hội LHPN các cấp có thể đẩy mạnh một số hoạt động từ thiện như “Áo ấm mùa đông cho trẻ em miền núi”, bán đấu giá sản phẩm gây quỹ hoạt đông “Môi trường xanh”… Bà Trần Thị Thu Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Hội An kỳ vọng: “Chúng tôi mở lớp đào tạo nghề móc len miễn phí cho cán bộ hội viên phụ nữ cũng như việc ra mắt Câu lạc bộ phụ nữ móc len với một mong muốn chị em phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo của mình, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm handmade do chính bàn tay của người phụ nữ Hội An làm ra. Bởi một thực tế là trên thị trường lưu niệm của Hội An, chúng tôi nhận thấy những sản phẩm mà các chợ đêm trưng bày và bán đó thì chưa có sản phẩm nào đặc trưng của người phụ nữ Hội An làm ra. Và để hỗ trợ cho phụ nữ Hội An có điều kiện phát triển thì chúng tôi hiện nay đã thành lập quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế. Từ quỹ ban đầu là 676.000.000 đồng này, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi xã hội hóa các mạnh thường quân, các doanh nghiệp để tiếp tục đồng hành với hội, với mong muốn là hỗ trợ cho các thành viên trong câu lạc bộ móc len cũng như những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện kinh doanh buôn bán và bắt đầu thực hiện những ước muốn của mình từ cái khởi nghiệp này. Bởi vì hiện nay như chúng tôi được biết vẫn còn một bố phận phụ nữ thuộc diện khó khăn (không phải hộ nghèo và cận nghèo) có nhu cầu về vốn làm ăn, trong khi nhiều chương trình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách lại chỉ khu trú ở đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Vì vậy quỹ khởi nghiệp sẽ hỗ trợ các chị vay vốn làm ăn, trong đó có việc làm ra các sản phẩm móc len lưu niệm”.

Như vậy có thể thấy từ các hoạt động hỗ trợ liên quan đến len sợi, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hội An sẽ tạo động lực và cơ hội để hội viên lập nghiệp, khởi nghiệp, vừa tăng thu nhập và làm, phong phú thị trường hàng lưu niệm tại địa phương, nhất là khi các mặt hàng lưu niệm bản địa đang còn khá ít ỏi như thời gian trước đây.

Lê Hiền