Nghề truyền thống bắp nếp Cẩm Nam

“Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An” diễn ra hằng năm nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần tạo ra nét đặc trưng trong giá trị nghề truyền thống và sản phẩm bắp nếp Cẩm Nam, thu hút du khách đến với địa phương nói riêng, TP.Hội An nói chung.

Người dân Cẩm Nam thực hiện các nghi lễ cổ truyền tại ngày hội bắp nếp hằng năm để cầu mong mùa màng bội thu, mọi nhà, mọi người no ấm

Bắp Cẩm Nam từ lâu đã trở thành đặc sản của phố cổ. Trong những ngày lễ đầu năm mới, khách từ Đà Nẵng, Hoà Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên về Phố Hội viếng chùa, cầu lộc… sau khi thưởng thức các món ăn ngon từ bắp tại phố còn mua thêm vài chục bắp thật tươi, thật đẹp mắt về làm quà. Đây là món quà vừa rẻ vừa ngon vừa hợp khẩu vị cho mọi lứa tuổi. Trong quãng thời gian du lịch Hội An phát triển mạnh với nhiều sự kiện, lễ hội phong phú được tổ chức với mật độ khá dày, khách du lịch trong Nam ngoài Bắc và quốc tế đều biết tiếng về bắp Cẩm Nam. Không những thế, vào mùa rộ bắp Cẩm Nam còn vượt hàng chục cây số đến với khách tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh bằng các loại dịch vụ vận chuyển…

Nhớ lại, khó mà diễn tả được “cái ngon” làm nên đặc sản nổi tiếng của bắp Cẩm Nam nhưng có thể nói rằng dù ăn tại chỗ hay mang đi xa, bắp Cẩm Nam vẫn giữ nguyên độ dẻo và vị ngọt đậm riêng có. Bắp ở đây là loại bắp nếp trắng có thể luộc tươi, nướng than hồng hoặc xắt mỏng vụn nấu chè đặc để ăn… Nhưng dù cách gì thì cũng dễ nhận ra những đặc điểm riêng biệt ấy.

Bắp được trồng thẳng hàng theo luống, khoảng cách đều đặn, vừa phải…

Bắp Cẩm Nam được trồng chủ yếu trên các bãi cát bồi ven sông. Sông Thu Bồn… trước khi đổ ra biển hằng năm đều mang phù sa bồi đắp các bãi cát này. Với một không gian đầy ắp nắng và gió, người dân ở vùng cát cồn bãi nơi đây đã biết khai thác thế mạnh này để trồng bắp. Vốn là một loại cây ưa nắng, nước và không gian thoáng đãng, cây bắp trở thành loại cây chủ lực trên đất bãi ven sông. Nhiều lần tìm gặp các cụ cao niên, các lão nông tri điền để hỏi về nghề trồng bắp quê mình, không ai nhớ đích xác được cây bắp Cẩm Nam có tự bao giờ? Chỉ biết rằng nghề trồng bắp ở đây có từ những năm 40 – 50 của thế kỷ XX. Một số cụ bảo rằng: trước đó người dân chỉ trồng được bắp đá – loại bắp hạt to và cứng chứ không dẻo, thơm như bây giờ. Sau đó từ nguồn giống tìm được (chắc là do tình cờ) ở vùng núi của đồng bào dân tộc thiểu số và sau vài lần chọn lọc, thuần chủng mới hình thành được loại bắp nếp ngon, ngọt như hiện tại. Rồi theo thời gian, loại bắp này đã quen với đồng đất và điều kiện khí hậu nơi đây, khó lòng thay thế được…

Du khách gánh bắp chụp ảnh lưu niệm tại ngày hội bắp nếp

Nghề trồng bắp cũng lắm công phu. Để có được những trái bắp to tròn, mọng sữa, đảm bảo năng suất, sản lượng cao và kịp mùa vụ, người trồng bắp phải tốn rất nhiều mồ hôi, công sức. Ngoài điều kiện về độ mùn, độ phấn của đất còn phải kể đến khâu chọn giống. Giống phải được chọn từ lúc nở trái, không được ôm thân cây, không lỏ cùi, vỏ mỏng, ít lớp, cùi nhỏ, trái nảy và dài…. Kỹ thuật gieo trồng cũng lắm gian lao: làm đất thì phải cuốc cho sâu, xới xáo nhiều lần cho tơi xốp. Đánh luống phải thẳng hàng, vuông vức, khoảng cách vừa phải, đều đặn. Bón lót phân thì phải chu toàn, đúng lịch. Tỉa hạt thì phải khéo tay, cách đều rồi phải theo dõi nhổ bớt cây dày, nếu dày hơn 25cm-30cm thì thiếu nắng bắp sẽ nhỏ trái, lép hạt.

Bắp là loại cây ưa nắng và háo nước vì vậy khi xưa nhà nào trồng bắp cũng phải đào ao để lấy nước tưới cây và phải gánh cả trăm đôi nước tưới mỗi ngày. Còn mấy chục năm qua, điện đã về đến bãi đến đồng, giải phóng những nhọc nhằn của đôi vai người trồng bắp. Song nỗi lo canh cánh của người trồng bắp mỗi khi vào mùa vụ là các loại sâu phá hại. Khi chưa có thuốc trừ sâu, bà con phải dùng lá thầu đâu (sầu đông) trộn với cộng thuốc lá giã nát để rải diệt, lại thường xuyên túc trực trên ruộng bắp để bắt sâu. Rồi đến thời kỳ dùng thuốc trừ sâu tuy đạt hiệu quả hơn, bớt vất vả hơn nhưng lại lo sản phẩm nhiễm hoá chất ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khoảng vài chục năm gần đây, bà con sử dụng các biện pháp diệt trừ theo tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hạn chế dùng hoá chất, đảm bảo “nhất cử lưỡng tiện”…

Cảnh chị em phụ nữ tham gia thi nướng bắp tại ngày hội năm 2024

Nghề trồng bắp những năm qua, gắn với thời du lịch thịnh hành của Hội An đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ làm vườn ở Cẩm Nam và vùng lân cận. Một số hộ thực hiện “chân biển-chân đồng”, “chân thợ-chân đồng” và cả “chân buôn bán-chân đồng” đã khá lên trông thấy. Riêng cây bắp, giá trị sản xuất tăng lên rõ nét, nhất là đối với các đồng đất trồng nhiều vụ và các trà bắp trồng lệch vụ. Đó là chưa kể nguồn thu từ các dịch vụ khác của lực lượng lao động tại các lò nấu bắp về đêm, làm dịch vụ vận chuyển, chở bắp đi khắp nơi, người bán lẻ tại các chợ trong thành phố và đặc biệt là các quán bánh tráng đập kèm bán chè bắp ở Cẩm Nam…

Năm nay, “Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An” được tổ chức trong 2 ngày 15 và 16/3 tới đây với nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa. Đây là dịp người dân Cẩm Nam tề tựu sum vầy để tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên. Với các nghi lễ: tế Thần Nông, nghinh cúng Thổ Thần, người dân Cẩm Nam tiếp tục ngưỡng vọng, tưởng nhớ Tổ nghề, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi nhà có cuộc sống ấm no hạnh phúc… Nhân dịp này, người dân Cẩm Nam nói riêng và nhân dân Hội An nói chung còn hân hoan tổ chức đón nhận nghề bắp nếp Cẩm Nam là nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam, tăng thêm động lực cho người dân gắn bó với nghề truyền thống vang tiếng này.

ĐỖ HUẤN

Hội An có thêm 6 đơn vị đạt chứng nhận du lịch xanh Quảng Nam

Năm 2024 vừa qua, TP.Hội An có thêm 6 đơn vị được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận du lịch xanh theo Bộ Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.

The Saga Hotel Hội An (số 321 đường Cửa Đại, phường Cẩm Châu) đạt chứng nhận 2/3 Lá sâm Ngọc Linh

Ở hạng mục khách sạn, có 2 khách sạn đạt chứng nhận 3/3 Lá sâm Ngọc Linh là Lasenta Boutique Hotel Hội An, (số 57 đường Lý Thường Kiệt, phường Cẩm Châu) và khách sạn Hội An Historic Hotel. Ngoài ra, có 1 khách sạn đạt chứng nhận 2/3 Lá sâm Ngọc Linh là The Saga Hotel Hội An (số 321 đường Cửa Đại, phường Cẩm Châu).

Ở hạng mục Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), có 2 đơn vị đạt chứng nhận 3/3 Lá Sâm Ngọc Linh là Lavini Hoian Boutique Villa (tổ 10, khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu) và Santa Sea Villa Hội An (số 17 đường Nguyễn Phan Vinh, phường Cẩm An).

Ở hạng mục dành cho doanh nghiệp lữ hành, Hoi An Unique Travel (tổ 3, thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh) đạt chứng nhận 2/3 Lá sâm Ngọc Linh.

ĐỖ HUẤN

Hội An giải ngân đạt gần 83% tổng vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hội An cho biết, đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo trên địa bàn thành phố là 20 hộ, chiếm tỷ lệ 0,08%, đã giảm 12 hộ nghèo so với năm 2021 (không còn hộ nghèo thuộc nhóm có thể tác động để giảm nghèo).

Số hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố còn 57 hộ chiếm tỷ lệ 0,24% và giảm 51 hộ cận nghèo so với năm 2021, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Thành ủy, HĐND thành phố đề ra.

Tổng vốn đã giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố đạt gần 83%.

Năm 2025 và các năm tiếp theo, thành phố phấn đấu giải ngân 100% tổng vốn được phân bổ của chương trình theo đúng quy định.

MỸ LỆ

Hội An tập huấn phòng trừ dịch hại cây trồng vụ đông xuân 2024 – 2025

Ngày 27/2, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố Hội An tổ chức 2 lớp tập huấn phòng trừ dịch hại cây trồng vụ đông xuân 2024 – 2025 cho 100 hộ nông dân trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Cẩm Kim và phường Cẩm Châu.

Nông dân Cẩm Kim tham gia tập huấn phòng trừ dịch hại cây trồng vụ đông xuân

Tại buổi tập huấn, nông dân 2 địa phương được nghe Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thành phố thông tin tình hình sinh trưởng và phát triển các loại dịch hại đang phát sinh gây hại trên cây lúa và cây ớt vụ đông xuân. Đồng thời dự báo tình hình sinh vật có thể phát sinh gây hại; hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại trong thời gian sắp đến.

Nông dân Cẩm Kim chăm sóc cây trồng vụ đông xuân

Được biết, vụ đông xuân 2024 – 2025, nông dân trên địa bàn Hội An gieo sạ hơn 370 hecta lúa. Đến nay, cây lúa đại trà đang giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên, hiện tại trên đồng ruộng đang có một số sinh vật gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn…

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố đã hướng dẫn bà con nông dân áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ an toàn sản xuất mùa vụ.

MỸ LỆ

Hội An hướng dẫn phòng trừ dịch hại lúa đông xuân

Vụ đông xuân 2024 – 2025, nông dân trên địa bàn Hội An gieo sạ hơn 370 hecta lúa. Đến nay, cây lúa đại trà đang giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái, làm đòng, đây là thời điểm xung yếu quyết định năng suất cây lúa ở cuối vụ. Nhìn chung, các trà lúa sinh trưởng phát triển tương đối tốt.

Tuy nhiên, hiện tại trên đồng ruộng đang có một số sinh vật gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn…

Theo Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, sáng sớm sương mù, lạnh về đêm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh trên lúa đông xuân trong thời gian đến.

Để bảo vệ an toàn sản xuất, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố hướng dẫn bà con nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp.

Đối với bệnh đạo ôn lá và cổ lá, nhà nông cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những ruộng bón thừa đạm, ruộng gieo sạ giống nhiễm để kịp thời phát hiện bệnh.

Khi có tỷ lệ bệnh từ 3-5% số lá bị bệnh, cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm dừng bón thúc đạm và tiến hành dùng thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole,… (Fuji-One 40 EC, 40WP; Beam 75 WP; Filia 525 SE; Flash 75 WP,…) để phun trừ.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, tăng cường kiểm tra đồng ruộng trong giai đoạn lúa đòng – trổ để kịp thời phát hiện bệnh, nhất là những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá.

Cần chú ý, với các giống như BC15, Thiên ưu 8, Dibarice 13/2, TBR 225, VN121,… trước khi trổ 5 – 7 ngày, dùng các loại thuốc đặc hiệu như đối với bệnh đạo ôn lá đã nêu trên để phòng bệnh. Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ từ 5-7 ngày. Tốt nhất là phun khi lúa bắt đầu trổ lác đác.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, ngành liên quan và chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các “ổ rầy” cục bộ.

Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 – 3con/dảnh lúa (khoảng 1.000 – 2.000 con/m2) thì dùng các loại thuốc có hoạt chất Imidacloprid, Pymetrozine… (Map-Jono 700 WP, Chess 50WG…) để phun trừ. Khi phun trừ rầy cần phải khoanh vùng và phun kỹ các “ổ rầy” để diệt trừ triệt để, tránh lây lan; luôn giữ nước trong ruộng khi phun trừ rầy.

Còn đối với sâu cuốn lá nhỏ, nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1-3). Khi phát hiện sâu với mật độ từ 20 con/m2 trở lên thì tiến hành dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Chlorantraniliprole + Thiamethoxam, Emamectin benzoate…(Virtako 40WG, Angun 5 WG, Dylan 10WG…) để phun trừ ngay. Đối với bệnh khô vằn, nhà nông cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện bệnh chớm phát sinh gây hại cần xử lý một trong các loại thuốc có các hoạt chất Validamycin, Hexaconazole… (Validacin 5SL; Vanicide 5 SL, 5 WP; Validan 3SL, 5SP; Anvil 5SC…).

Khi phun cần rẽ lối đưa vòi phun vào gốc lúa, phun kỹ vào “ổ bệnh” và các dãy lúa gần bờ kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ; nếu ruộng bị bệnh nặng phải xử lý thuốc 2 lần, cách nhau 5-7 ngày. Ngoài ra, còn chú ý các đối tượng như: Bệnh đen lép hạt, bọ xít đen, sâu đục thân…

MỸ LỆ

Nông dân Cẩm Hà làm nông nghiệp du lịch

Năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã Cẩm Hà – xã nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển năng động, bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đạt nhiều kết quả. Trong đó, việc phát triển nông nghiệp, tổ chức sản xuất và kinh doanh dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân dân Trà Quế kết hợp mô hình du lịch cộng đồng để tạo nguồn thu nhập mới, cải thiện đời sống

Điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp

Năm 2024, xã Cẩm Hà duy trì ổn định diện tích sản xuất rau tại làng rau Trà Quế, tổ chức sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nâng cao chuỗi giá trị, hoàn thiện bao bì nhãn hiệu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và tạo lập môi trường sản xuất an toàn. Cẩm Hà tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm Rau VietGap Trà Quế giai đoạn 2023-2024”; hướng dẫn, hỗ trợ HTX sản xuất kinh doanh rau Trà Quế Xanh thực hiện sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng vận động, hỗ trợ 6 hộ dân tham gia sản xuất quật đất theo hướng hữu cơ trên 0,65 ha; tập huấn quy trình trồng quật hữu cơ, hỗ trợ quật giống, hướng dẫn chăm sóc, quản lý dịch hại trên cây quật đất hữu cơ.

Xã cũng đã thực hiện xây dựng hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng cho rau Trà Quế và quật đất Cẩm Hà; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn. Khuyến khích, vận động người dân sản xuất hoa cây cảnh an toàn, sử dụng biện pháp sinh học bảo vệ cây trồng; đa dạng chủng loại hoa cây cảnh. Đặc biệt năm qua, người dân Cẩm Hà nói riêng và nhân dân Hội An nói chung còn hân hoan phấn khởi đón nhận bằng công nhận nghề truyền thống quật cảnh tiếp thêm động lực cho người dân gắn bó với nghề truyền thống tại địa phương.

Cẩm Hà tiếp tục phát huy giá trị thương hiệu làng rau truyền thống Trà Quế và Làng du lịch tốt nhất được Tổ chức Du lịch Thế giới công nhận vào cuối năm 2024

Ông Trang Thanh Hùng – Người dân Cẩm Hà chia sẻ: “Với làng nghề rau Trà Quế truyền thống lâu đời, người dân địa phương đã nhận thức được tiềm năng kinh tế từ làng nghề, ra sức cùng nhau vận động, khuyến khích bà con sản xuất kết hợp mô hình du lịch cộng đồng để tạo nguồn thu nhập mới, cải thiện đời sống, giúp nhau cùng phát triển kinh tế”.

Tại Cẩm Hà, các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới được thành lập và hoạt động hiệu quả; mô hình “Tổ hội nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh”; mô hình “Du lịch cộng đồng trong làng nghề truyền thống trồng quật” đã từng bước tạo dựng được hình ảnh.

Dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp hữu cơ và nghề truyền thống tại xã Cẩm Hà được thành phố phê duyệt với tổng kinh phí gần 404 triệu đồng.

Năm 2024, khách mua vé tham quan Làng rau Trà Quế ước đạt 24.500 lượt khách. Đặc biệt, Làng rau Trà Quế được Tổ chức Du lịch Thế giới vinh danh “Làng du lịch tốt nhất”.

Nâng cao chất lượng Lễ hội cầu bông, Ngày hội quật cảnh nhằm tôn vinh, quảng bá làng nghề và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương

Mục tiêu mới của làng nghề

Năm nay, UBND thành phố giao Cẩm Hà chủ trì, phối hợp các ngành liên quan phát huy giá trị thương hiệu làng rau truyền thống Trà Quế và Làng du lịch tốt nhất được Tổ chức Du lịch Thế giới công nhận vào cuối năm 2024.

Toàn hệ thống chính trị và nhân dân Trà Quế cần giữ gìn, bảo tồn và duy trì ổn định diện tích 18 ha, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình hữu cơ thay thế phương thức canh tác VietGap, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện bao bì, nhãn hiệu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Thực hiện chế biến sâu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có thành các sản phẩm thực phẩm, rau gia vị, trà thảo mộc, tinh dầu, thảo dược,… giá trị cao phục vụ du lịch tại Trà Quế.

Đồng thời xây dựng hồ sơ cấp mã vùng trồng cho rau Trà Quế và quật Cẩm Hà, là 2 sản phẩm chủ lực của địa phương. Xây dựng kế hoạch triển khai Dự án mô hình rau hữu cơ tại làng rau Trà Quế nhằm tạo thêm sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người dân và phục vụ dịch vụ ẩm thực tại địa phương. Hoàn thành và nhân rộng dự án “Trồng cây quật đất theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Cẩm Hà, giai đoạn 2023-2025”.

Du khách thưởng thức sản phẩm chế biến từ quật đất Cẩm Hà

Chị Nguyễn Thị Phúc – Cơ sở Phúc Nguyễn Rose nói: “Bản thân muốn cây quật đất phát triển, giảm tải ô nhiễm môi trường. Cùng với sự nỗ lực của cá nhân, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi cố gắng đưa sản phẩm này ra được nhiều hơn trên thị trường, bao tiêu cho nhiều hộ dân giúp cây quật đất phát triển thương hiệu nhờ giá trị về chăm sóc sức khỏe; sản phẩm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng, tiếp thêm động lực để tôi thỏa đam mê”.

Năm nay, thành phố còn giao Phòng Văn hoá – Thông tin chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và Cẩm Hà tổ chức hoàn thiện, triển khai thực hiện dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp hữu cơ và nghề truyền thống tại xã Cẩm Hà”, kế hoạch phát triển Du lịch nông nghiệp bền vững tại xã Cẩm Hà thuộc Dự án du dịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trung tâm VH-TT và TT-TH chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND xã Cẩm Hà tổ duy trì và nâng cao chất lượng Lễ hội cầu bông, Ngày hội quật cảnh,… nhằm tôn vinh, quảng bá làng nghề và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Qua đó, góp phần đưa xã Cẩm Hà đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

MỸ LỆ

Đầu tư nhà máy sản xuất nước yến và đông trùng hạ thảo tại Cụm công nghiệp Thanh Hà, Hội An

 UBND tỉnh Quảng Nam vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất nước yến và đông trùng hạ thảo tại Cụm công nghiệp Thanh Hà, Hội An.

 Dự án có vốn đầu tư hơn 28,2 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 8.319m² với thời hạn hoạt động 50 năm; công suất thiết kế 7 triệu hũ yến sào/năm và 1,5 triệu lon nước giải khát/năm.

Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thái Huy Bảo, trụ sở chính tại số 222 Nguyễn Phước Lan, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.

Dự kiến đến tháng 12/2026, dự án lắp đặt máy móc, tuyển dụng nhân sự, vận hành thiết bị chạy thử và đưa nhà máy vào hoạt động./.

QUỐC HẢI

Hội An ra mắt mô hình trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ

Hội nông dân xã Cẩm Hà, TP.Hội An vừa ra mắt mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho nông dân.

Hộ bà Nguyễn Thị Mỹ ở thôn Bàu Ốc trồng thử nghiệm 500m2 dưa lưới trong nhà màng, sử dụng giống dưa lưới xám để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và chất lượng sản phẩm thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Cẩm Hà.

Với nguồn cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn, đảm bảo không sâu bệnh, cây khỏe mạnh; áp dụng phương pháp thủy canh hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, dưa được rồng 2 vụ trong năm, sản phẩm được giới thiệu cho các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố.

Tổng kinh phí thực hiện trên 98 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 56 triệu đồng, hộ nông dân đối ứng trên 41,8 triệu đồng./.

QUỐC HẢI

Hướng phát triển kinh tế đêm ở Hội An

Hội An không thể khai thác kinh tế đêm một cách ồ ạt mà phải ưu tiên dành cho du khách sự trải nghiệm không gian tĩnh lặng của đêm Hội An.

Hội An thực hiện thí điểm đề án/mô hình kinh tế ban đêm phù hợp

Tháng 9 năm 2024, UBND phường Cẩm Châu đã khai trương khu ẩm thực đêm tại chợ Cẩm Châu. Khu ẩm thực đêm có 12 gian hàng kinh doanh 8 mặt hàng ăn uống và nước giải khát; hoạt động vào các ngày trong tuần, từ 17h chiều hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau (mùa đông) và từ 18h chiều hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau (mùa hè).

Để tổ chức khu ẩm thực đêm, phường Cẩm Châu đã thành lập tổ quản lý theo dõi việc kinh doanh buôn bán; yêu cầu tất cả các hộ chấp hành khung giờ buôn bán, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng biểu hiệu và các vật dụng thân thiện với môi trường…

Bà Nguyễn Thị Hồng – Chủ tịch UBND phường nói: “Khu ẩm thực đêm tại chợ Cẩm Châu đã được khai trương và đi vào hoạt động từ tháng 9 năm 2024 đến nay, không những khai thác hiệu quả mặt bằng tại chợ mà còn tạo ra sản phẩm mới phục vụ du khách và người dân, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tạo sản phẩm du lịch mới tại địa phương”.

Hội An tiếp tục hoàn thiện sản phẩm Đêm phố cổ

Không chỉ khu ẩm thực đêm tại Chợ Cẩm Châu, năm ngoái, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh với một dự án rất đáng trông đợi, đó là dự án phát triển kinh tế đêm ở phường Cẩm An.

Dự án phát triển kinh tế đêm (chợ) tại phân khu 4, Khu tái định cư Làng Chài, khối Tân Thành, phường Cẩm An có diện tích nghiên cứu trên 3.700 m². UBND tỉnh giao UBND TP.Hội An có trách nhiệm hướng dẫn các nhà đầu tư quan tâm đề xuất giải pháp xử lý chất thải đảm bảo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; đồng thời hướng dẫn, yêu cầu nhà đầu tư chấp hành nghiêm quy định về Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị định số 71 ngày 3/9/2015 của Chính phủ quy định hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Hội An sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn các sản phẩm đã có, đặc biệt là Đêm phố cổ và chọn một số khu vực đẹp để tổ chức.Ví dụ như khu An Hội – Đồng Hiệp phải thay đổi lại theo chủ đề, tránh tình trạng tự phát. Năm nay, Hội An sẽ đầu tư một số khu mua sắm và giải trí tương đối hiện đại, tiện ích ở khu vực biển và các trung tâm thương mại ban đêm. Trên một số tuyến phố, các chương trình không chỉ dừng lại tới khuya như trước để phục vụ nhu cầu của du khách”.

Ưu tiên dành cho du khách cần sự trải nghiệm không gian tĩnh lặng của đêm Hội An

Tháng 7/2023, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trong đó xác định Hội An là một trong 12 địa điểm được quy hoạch thúc đẩy du lịch đêm để trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Tháng 5 năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn giao UBND TP.Hội An cùng các sở, ngành liên quan phối hợp triển khai thí điểm đề án/mô hình kinh tế ban đêm tại địa phương.

UBND tỉnh giao UBND TP.Hội An chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, học hỏi các định hướng, chính sách và kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm hiệu quả từ các mô hình ở trong và ngoài nước để xây dựng, triển khai thực hiện thí điểm đề án/mô hình kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế, điều kiện tại địa phương vào thời gian thích hợp.

Đặc biệt, Nghị quyết số 31 ngày 31/7/2023 của Tỉnh ủy Quảng Nam cũng xác định quan điểm Hội An là địa phương đi đầu trong hội nhập quốc tế và trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có đặt ra yêu cầu “đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm và các dịch vụ thương mại tại TP.Hội An”.

Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hình các mô hình kinh tế đêm tại Hội An như thế nào cho phù hợp với đặc thù của một thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch là vấn đề đáng quan tâm.

“Tiềm năng kinh tế đêm của Hội An nhiều nhưng phải cẩn trọng bởi không thể làm theo mẫu hình của Đà Nẵng hay Nha Trang vì có đặc thù riêng. Có thể học tập ở các thành phố đó cách quản lý, tư duy thoáng mở chứ vận hành mô hình, hình thức hoạt động thì Hội An phải khác. Vấn đề là Hội An không thể khai thác một cách ồ ạt mà phải ưu tiên dành cho du khách cần sự trải nghiệm không gian tĩnh lặng của đêm Hội An chứ không phải là không gian đêm ồn ào, náo nhiệt” – ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói. 

QUỐC HẢI

Phường Thanh Hà phát động ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2025

Sáng ngày 5.2, UBND phường Thanh Hà và các đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân phường phối hợp tổ chức lễ phát động ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2025.

Phường Thanh Hà có truyền thống nghề biển lâu năm, có thế mạnh về khai thác, đánh bắt thủy sản, với đội tàu lớn và ngư dân giàu kinh nghiệm trong khai thác, luôn xác định kinh tế biển là hướng đi đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tại địa phương.

Toàn phường hiện có 71 tàu thuyền, trong đó có 19 tàu tham gia đánh bắt vùng biển xa. Năm 2024, đã khai thác được trên 1.405 tấn, tổng giá trị khai thác là 24,2 tỷ đồng, đạt 102,1% so với NQ HĐND giao. Năm 2025, phường Thanh Hà phấn đấu khai thác đạt 1.440 tấn hải sản, đạt 24,8 tỷ đồng.

Để phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, phường đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn, kêu gọi bà con ngư dân đầu tư nâng cấp tàu cá, ngư lưới cụ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đa dạng loại hình thủy sản đánh bắt, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hoàn thành chỉ tiêu kinh tế đề ra.

Tại lễ phát động, lãnh đạo địa phương kêu gọi bà con ngư dân vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản phát triển kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dịp này, các tổ chức hội đoàn thể cũng đã trao tặng 34 Cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và vật dụng phục vụ việc đánh bắt lâu dài trên biển cho bà con ngư dân.

LÊ HIỀN

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.