Nông dân vùng lũ ở Hội An lo tết

Hai trận lũ vừa qua, nông dân ở vùng thấp lụt của Hội An bị thiệt hại nặng về kinh tế. Thành phố đang chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với các xã phường động viên, hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của bà con để động viên nông dân khi tết Nguyên đán đang đến gần.

Những ngày gần đây, ông Huỳnh Tấn Sang, ở thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim đang tận dụng các công trình phụ của gia đình để đặt các vỉ ớt mới cấy. Từng mầm giống nhỏ li ti, yếu ớt bắt đầu bung ra khỏi hạt. Số ớt này vừa được ông cấy vào vỉa để trồng trong thời gian tới. Đây là lần thứ 3 ông Sang phải cấy lại ớt, kể từ khi bước vào vụ Đông Xuân. Hai trận lụt trước, hơn 40 vỉ ớt giống non của gia đình ông đã tiêu tan. Cùng với đó là bí đao, khổ qua, đậu đũa… đã được đôn đất, leo giàn để thu hoạch trong dịp tết này cũng đã héo rũ, thối lủn hoàn toàn. Trước đó, ông đã bỏ ra cả chục triệu đồng để mua phân, giống và thuê nhân công làm gần 1 mẫu đất màu ông thuê của UBND xã để gieo tỉa, làm giàn. Ông nhẫm tính nếu không lụt, chắc chắn tết này, thu nhập từ các loại rau màu lần đầu tiên ông trồng đại trà này sẽ đạt hơn một trăm triệu đồng. Thế mà giờ đây, ông phải tự mua giống ớt về làm lại và phải chờ khoảng một tháng nữa, khi cây giống cứng cáp, ông mới có thể trồng đại trà. Còn các loại cây ăn quả, leo giàn khác, tạm thời chưa thể trồng trở lại. Ông Sang cho biết: “Hai đợt lũ vừa qua nói chung là nó hư hại rất là nhiều. Trong đó tổng cộng ớt mua công ty và ớt mình tự ươm là 43 vỉ, đặt hai lần, đến bây giờ là nó hư toàn bộ hết. Rồi cây bắp, khổ qua, bí đao… cũng bị hư hại hết, tất cả các loại rau, gần cả mẫu rau đều bị hư, trong đó có hai sào ớt phục vụ cho tết, đang ra hóa kết trái. Bây giờ công ty bán giống, mình mua lại tự ươm, khoảng cỡ 25 đến 30 ngày sau mình trồng. Chứ nếu không thì bỏ đất không thì quá uổng, cho nên nó tốn công rất là nhiều. Tính ra cái thiệt hại cả phân cả công, giống thì khoảng hơn 40 triệu đồng. Thời điểm này là vụ chính của nông dân. Bởi qua tháng 10 âm lịch là người ta xuống giống hết rồi. Từ nay tới Tết tất nhiên chưa có gì cả rồi. Nếu ớt này trồng thì qua tháng 3 âm lịch mới có thu, còn rau quả thì tất cả không làm kịp. Quay ngược lại đời sống của nông dân chúng tôi trong cái tết này hết sức là khó”.

Ông Sang tận dụng công trình phụ để ươm ớt giống- Ảnh: Lê Hiền

Tới bãi bồi Bà Mau – nơi sản xuất, chăn nuôi của 6 hộ dân ở hai thôn Trung Châu và Phước Thắng, phóng viên tận mặt chứng kiến một bãi bồi rộng lớn mênh mông nhưng không còn sót lại bất cứ một loại rau màu nào. Tại đây chỉ còn những ruộng cỏ của các hộ trồng chăn nuôi trâu bò, bạc phếch bùn non bám vào thân cỏ. Toàn bộ rau màu, giàn bí đao, khổ qua, đậu đũa.. đã trôi theo con nước. Ông Huỳnh Minh Huy, một nông dân sản xuất tại đây bảy tỏ: “Gặp trận lũ thì gia đình thiệt hại tương đối lớn, giống bắp thì gần 2 ký, khổ qua, bí đao trên 600 mét vuông, ớt hư trên 3 sào. Đấy là cái thiệt hại rất là lớn và hiện nay cái khắc phục lại rất là khó. Còn tết năm nay thì rõ ràng là khó rồi. Bữa nay mà chưa làm được gì thì rõ ràng là tết rất là khó. Bữa nay mà chưa làm thì tết khó có thu hoạch. Khả năng là nông dân chúng tôi không được ăn tết vui như mọi năm. Đó là điều tất yếu rồi.”

Đi sâu vào đồng ruộng ở các thôn Trung Châu, Phước Thắng, Đông Hà, Trung Hà, Đông Vĩnh, xã Cẩm Kim, tất cả các cánh đồng đều sạch trơn, không một loài rau màu nào sống sót sau lũ. Bùn non đóng dày trên mặt ruộng. Nhiều bà con tâm sự, nhìn thấy đồng ruộng như vậy vừa buồn, vừa ngán. Bởi để tái sản xuất, trước hết phải cày xóc lại. Việc này khó nhọc, tốn công sức, khó thuê lao động, giá ngày công cao và quan trọng là phải một lần nữa mua phân, mua giống để làm lại từ đầu. Bà con còn lo lắng, phân có thể mua nhưng giống chắc khó, bởi lụt hai trận liên tiếp như vậy, những vùng có giống nhiều như Đại Lộc, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Bình Định… bị ngập, nông dân phải trồng đi trồng lại nên lượng giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng sẽ tăng vọt nhu cầu, trở nên thiếu hụt là đương nhiên. Lo lắng là vậy nhưng trong những ngày này, bà con đã xuống đồng cải tạo đất, trước mắt làm rau ngắn ngày và chuẩn bị ớt giống để trồng sau tết. Để hỗ trợ phần nào chi phí sản xuất cho bà con, chính quyền xã đã triển khai nhiều biện pháp. Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, ông Phan Trọng Nhân nói: Khi lũ rút chúng tôi chia thành từng nhóm đi xuống từng cánh đồng rà soát thống kê lại diện tích thực tế hoa màu bị hư hại, niêm yết công khai tại thiết chế văn hóa và UBND xã để bà con đến xem, có bổ sung, phù hợp với thực tế từng hộ, thống nhất để đề xuất thành phố hỗ trợ vì thực tế thiệt hại trong nông dân rất là lớn. Chưa nói về công nhưng giống và phân bón rất là nhiều, có hộ đầu tư 30 đến 40 triệu. Tại vì đây là vụ chính. Mức độ hỗ trợ hiện nay của Nhà nước thì còn khá thấp nhưng đó là quy định rồi, phải thực hiện thôi. Tôi hy vọng rằng, bằng chính sách khác, bằng các nguồn khác có thể hỗ trợ cho bà con nông dân.

Các loại cây leo giàn, cây ăn quả đều hư hỏng do lụt- Ảnh: Lê Hiền

Theo thống kê ban đầu của Phòng Kinh tế thành phố, Hội An có đến 9/13 xã phường bị thiệt hại khoảng 173 héc ta hoa màu, quy đổi hơn 2,8 tỷ đồng. Nhiều địa phương thiệt hại nặng như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Hà … Riêng tại phường Cẩm Nam, ngoài rau và đậu phụng, 18 héc ta bắp nếp chuẩn bị thu hoạch trong dịp tết và đầu xuấn mới tới đây, nay đã bị hư hại hoàn toàn. Những ruộng bắp giờ đây sạch trơn, vì vậy, Lễ hội Bắp Nếp phường Cẩm Nam năm 2017 theo định kỳ sẽ diễn ra vào đầu năm mới, năm nay đành gác lại vì không có bắp để làm lễ hội. Trước thiệt hại của bà con, UBND thành phố đã khẩn trương họp bàn phương án hỗ trợ một phần chi phí sản xuất theo quy định hiện hành của Nhà nước. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết: Về chính sách, đối tượng và quy trình hỗ trợ áp dụng theo Nghị định 31. Thứ nhất là cây trồng, thứ 2 là gia súc gia cầm, thứ 3 là nuôi thủy hải sản. Nhưng mà vấn đề này phải làm cho chuẩn mực, không bị vướng, không bị trái quy định, đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ phải được sử dụng đúng mục đích nhất. Thứ hai là cách làm, đề nghị các xã phường nắm xuống tận địa bàn làm sao có tường minh giữa mình và nông dân. Sau khi có quyết định thực hiện ngay việc hỗ trợ.Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định thì mức hỗ trợ rất là thấp, chỉ hỗ trợ một phần nào thiệt hại của nông dân mà thôi. Nên chúng tôi cũng rất mong các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ cho nông dân vùng lũ để động viên bà con và để thời gian đến, nhân dân có thể đón tết sum vầy hơn. Vì khoảng thời gian từ khi lũ đến tết nguyên đán rất là gần, nông dân không kịp sản xuất rau màu để bán trong dịp tết thì đương nhiên sẽ khó khăn hơn.

Như vậy quan điểm của lãnh đạo thành phố Hội An là hỗ trợ kịp thời cho nông dân trên cơ sở các văn bản quy định hiện hành. Cùng với đó, thành phố cũng mong muốn các cơ quan đoàn thể, các tổ chức cá nhân tiếp tục các hoạt động hỗ trợ, động viên vật chất, tinh thần để bà con yên tâm sản xuất và ổn định đời sống, nhất là khi Tết nguyên đán đang cận kề.

Lê Hiền