Tại Hội An, mô hình liên kết sản xuất lúa, rau theo hướng hữu cơ đang từng bước được nông dân triển khai thí điểm, tiến đến nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững.

Ở những địa bàn có thế mạnh nông nghiệp thì những năm gần đây, thông qua phong trào “Người nông dân yêu đất”, một số hộ dân trên đia bàn thành phố Hội An đã thành lập tổ tự quản cùng khai thác và tái sản xuất trên đất ruộng bỏ hoang để mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Lưu Hải Nam – Người dân phường Cẩm Châu đã mạnh dạn cải tạo gần 15 sào ruộng bỏ hoang để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Bước đầu tuy còn gặp nhiều trở ngại do mới tiếp cận với loại hình sản xuất này, nhưng hiện nay, qua một thời gian sản phẩm lúa hữu cơ của ông Nam đã được thị trường đón nhận tích cực và hứa hẹn hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành nông nghiệp hữu cơ Hội An.
“Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thì chi phí sản xuất rất thấp, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học; mặc dù sản lượng thu lại ít nhưng bù lại giá bán cao rất nhiều so với phương pháp sản lúa bình thường. Sản xuất lúa sạch thì đem lại lợi ích rất tốt cho môi trường, ruộng của mình không bị ô nhiễm, mình không cần dùng đồ bảo hộ để sản xuất, canh tác. Người sử dụng hạt lúa của mình rất yên tâm”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, hiện nay các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp thành phố triển khai thí điểm dự án hỗ trợ nông dân sản xuất lúa hữu cơ.
Điển hình trong vụ hè thu 2023 vừa qua, Ban Quản lý nông thôn mới xã Cẩm Thanh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác và hỗ trợ 21 hộ nông dân trên địa bàn thôn Thanh Đông triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 30 sào đất.

Tại Hội An, các mô hình sản xuất rau hữu cơ gắn kết với phát triển du lịch, dịch vụ, không chỉ thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và thu nhập cao cho hội viên mà còn giúp các địa phương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”.
Cho đến nay, Hội An đã có 18 sản phẩm được công nhận 3 sao và 4 sao, tạo tiền đề để Hội An hình thành các không gian thương mại đi liền với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” trên toàn tỉnh và toàn quốc.
Qua đó, nông dân đã bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp và đã tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ sở hội nông dân.

Đồng hành cùng hướng đi mới của người nông dân, một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Hội An đã nhìn thấy tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch xanh kết hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Hội An, và đã phát động các phong trào hành động với sự chung tay của bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Ông Phan Xuân Thanh – Tổng giám đốc Công ty Emic Hospitality Hội An cho biết, tất cả sản phẩm của Công ty luôn có sự lồng ghép những giá trị văn hóa bản địa của người dân địa phương vào trong chuỗi giá trị sản phẩm; cùng với đó khuyến khích người nông dân chuyển đổi mô hình nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ bền vững. Hiện nay công ty kết hợp với Hợp tác xã Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông tạo chương trình tour để du khách tham gia trải nghiệm với nông nghiệp hữu cơ, tạo thêm thu nhập cho người nông dân.
“Chúng tôi hỗ trợ người nông dân trồng lúa hữu cơ, tạo sản phẩm du lịch trên đồng lúa và chia sẻ lợi ích cho người nông dân. Thông qua đó người nông dân giữ gìn và khai thác được nghề trồng lúa và có thu thập nhưng cũng làm du lịch thật tốt”, ông Phan Xuân Thanh nói.
MỸ LỆ