Hội An: Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm OCOP

Đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, TP.Hội An chú trọng nâng cao chất lượng và khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm mới mang tính đặc trưng…

Năm 2021, lần đầu tiên TP.Hội An có một sản phẩm dịch vụ được công nhận đạt hạng 4 sao cấp tỉnh. Đó là sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng của HTX Dịch vụ – du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành, phường Cẩm An. Đây cũng là sản phẩm mới hình thành, làm nền tảng phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng của thành phố. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, đây là sản phẩm đặc thù của thành phố và khi mà hoạt động du lịch khởi sắc trở lại thì chắc chắn sản phẩm này sẽ tạo được sức hút lớn.

HTX Dịch vụ – du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành tổ chức Chợ phiên vào ngày thứ 7 hằng tuần tại tuyến đường Nguyễn Phan Vinh – Cẩm An

Có thể nói, năm qua chương trình OCOP của thành phố chuyển biến tích cực. Hội An là một trong 3 địa phương có số lượng sản phẩm đề xuất công nhận hạng sao nhiều của tỉnh. Trong 7 sản phẩm đề xuất, có 2 sản phẩm được công nhận hạng 4 sao là: sản phẩm Đông trùng hạ thảo quả thể khô Qlands của Công ty TNHH Đầu tư & phát triển CNC Việt Nhật và sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng Tân Thành; 4 sản phẩm đạt hạng 3 sao là: Mực 1 nắng Cù Lao Chàm của cơ sở sản xuất Cao Phương (xã đảo Tân Hiệp), 2 sản phẩm Trà hoa đậu biếc, Nước nha đam đậu biếc của HTX NN & DL Bền vững Hội An và Nấm mối đen của cơ sở sản xuất Uyên Khang (phường Cẩm Nam). Riêng sản phẩm Trà rừng Cù Lao Chàm đề xuất nâng hạng 5 sao nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên không có khả năng để triển khai một số điều kiện, hồ sơ nhằm đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn 5 sao. Ngoài ra, Hội An còn xây dựng hồ sơ một sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương là sản phẩm Đèn lồng Hội An Dé latana của Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam.

Không chỉ vượt trội về số lượng mà chất lượng sản phẩm OCOP của Hội An tham gia cũng được nâng cao so với những năm trước, sản phẩm mới ngày càng nhiều. Bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết, sản phẩm OCOP có 2 tiêu chí cứng, đó là vùng nguyên liệu tại chỗ và người lao động tại chỗ. Nhưng Hội An không có sẵn và có nhiều vùng nguyên liệu bằng các huyện khác trong tỉnh nên Hội An tập trung, chú trọng về chất lượng. “Vì vậy, chỉ có Hội An mới có sản phẩm đề nghị công nhận hạng 5 sao và các sản phẩm đạt hạng 4 sao cũng nhiều hơn”, bà Vui nói.

Chợ phiên Hội An thường được tổ chức, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP

Năm nay cùng với việc khuyến khích các chủ thể đã tham gia Chương trình giai đoạn 2018 – 2021 đăng ký nâng cấp, thăng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và từ 4 sao lên 5 sao, TP.Hội An dự kiến phát triển 10 sản phẩm mới – phấn đấu đạt 3 sao trở lên, tập trung vào 6 ngành hàng: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn. Phương châm thực hiện là tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và hỗ trợ, tư vấn các chủ thể tham gia lần đầu và đánh giá lại các sản phẩm đã được công nhận trong thời gian qua nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm. Các xã phường và các ngành chức năng tiến hành rà soát, lựa chọn các sản phẩm đã có tại địa phương, nhất là các sản phẩm có yếu tố đặc trưng, chất lượng và thương hiệu, đồng thời vận động các chủ thể có năng lực sản xuất, liên kết phát triển sản phẩm. Theo khảo sát cho thấy 10 sản phẩm mới đăng ký phát triển là các sản phẩm gắn với sản xuất và thương hiệu của Hội An như: các loại thủy hải sản, nông sản (quật, hạt sen, mè đen), đồ gốm… Cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa hồng Phúc Nguyễn (xã Cẩm Hà) sau khi có sản phẩm Trà hoa hồng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố đã mạnh dạn đăng ký phấn đấu sản phẩm Quật sấy sợi được công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao trong năm nay. Bà Nguyễn Thị Phúc – chủ cơ sở Phúc Nguyễn nói: “Thực sự, trước đây tôi hoàn toàn không nghĩ đến chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nhưng sau khi được tiếp cận, tôi cảm thấy rất thích thú và đam mê. Bản thân tôi sống ở vùng Cẩm Hà nên tôi rất thích với sản phẩm từ quật ở khu vực mình sinh sống. Được thành phố hỗ trợ, cơ sở tôi muốn làm một sản phẩm đặc trưng của địa phương, đó là sản phẩm quật”.

Năm nay, UBND TP.Hội An có kế hoạch đầu tư 400 triệu đồng để thực hiện Chương trình OCOP, trong đó hỗ trợ 345 triệu đồng để phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm với đa dạng phương thức hoạt động, tăng cường liên kết, mở rộng thị trường trong cũng như ngoài nước. Cùng với việc củng cố, duy trì 4 điểm bán hàng OCOP đã được hỗ trợ, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm 1 – 2 cửa hàng OCOP mới, khuyến khích một số chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đầu tư điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại cơ sở.

ĐỖ HUẤN