Hội An chú trọng phát triển nhãn hiệu thương mại

Phát triển nhãn hiệu thương mại, dịch vụ, tăng cường quảng bá hình ảnh, đang được Hộị An đẩy mạnh nhằm tăng cường vị thế cho sản phẩm đặc trưng của thành phố.

Đèn lồng Hội An được quảng bá tại Nhật Bản nhân sự kiện “Lễ hội Việt Nam tại Osaka” diễn ra vào tháng 5 năm 2024

Mới đây, Phòng Kinh tế TP.Hội An tổ chức lớp tập huấn quản lý và sử dụng nhãn hiệu thương mại, dịch vụ cho chủ sở hữu và thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ông Đinh Hùng-Trưởng Phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được thành phố chú trọng và thường xuyên thực hiện lồng ghép trong các buổi hội nghị, tập huấn, tọa đàm, tổng kết chuyên ngành quản lý.

Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm phát huy hiệu quả việc khai thác và sử dụng nhãn hiệu. Tuy vậy, tình trạng tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra.

“Việc tổ chức tập huấn quản lý và sử dụng nhãn hiệu thương mại, dịch vụ nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức cơ bản về SHTT, đặc biệt vấn đề quản lý, sử dụng nhãn hiệu một cách hiệu quả nhất cho các chủ thể, các bên có liên quan trên địa bàn thành phố.

Qua đó, tạo chuyển biến mới về nhận thức, hành động trên lĩnh vực SHTT của thành phố nói chung và các bên liên quan nói riêng, nhằm phát triển hơn nữa thương hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng của thành phố”, ông Hùng nói.

Tại Hội An, từ năm 2021 đến nay, Phòng Kinh tế Thành phố đã tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ cho 15 cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu thông thường. Tính từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã và đang xây dựng 12 nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của thành phố, trong đó có 1 nhãn hiệu chứng nhận (Hội An Organic) và 11 nhãn hiệu tập thể.

Từ năm 2021 đến nay, Phòng Kinh tế Thành phố đã tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ cho 15 cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu thông thường, trong đó có sản phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy

Trong số 11 nhãn hiệu tập thể, có 6 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ là Đèn lồng Hội An, Gốm Thanh Hà, Mộc Kim Bồng, Rau Trà Quế, Tre dừa Cẩm Thanh, Trà rừng Cù Lao Chàm; và 5 nhãn hiệu tập thể đang xây dựng hồ sơ gồm: Bánh ít lá gai Cù Lao Chàm, bánh đập Cẩm Nam, Quật Hội An, May đo Hội an, Cao lầu Hội An.

Ngoài ra, đối với sản phẩm Yến sào Cù Lao Chàm đã được thành phố xây dựng chỉ dẫn địa lý. Anh Nguyễn Viết Lâm – Cơ sở sản xuất gốm Sơn Thúy (Thanh Hà) chia sẻ, hiện nay cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu. Điều này tạo thuận lợi lớn khi sản phẩm được mang đi xúc tiến thương mại, giúp thị trường biết đến thương hiệu của mình. “Sản phẩm của mình có thương hiệu sẽ tạo tiền đề cho mong muốn dòng sản phẩm gốm được đi nhiều nơi hơn, được nhiều người biết đến hơn”, anh Lâm nói.

Thời gian đến, Phòng Kinh tế thành phố tiếp tục tham mưu UBND thành phố tuyên tuyền, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; tăng cường các hoạt động hỗ trợ tạo ra tài sản trí tuệ; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về SHTT và đổi mới sáng tạo; phát triển nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT.

Năm 2009, sản phẩm gốm Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể

Ông Đinh Hùng – Trưởng Phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, đơn vị sẽ tham mưu thành phố phối hợp Sở KH-CN triển khai các nhiệm vụ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Hội An cho dịch vụ du lịch”; khai thác, quản lý, phát triển và xây dựng hồ sơ mở rộng chỉ dẫn địa lý “Cù Lao Chàm Hội An” cho sản phẩm yến sào. Đồng thời tiếp tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc trưng của thành phố và sản phẩm gắn với chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ khai thác, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm thuộc chương trình OCOP gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại khác nhằm khai thác, phát triển giá trị tài sản trí tuệ.

MỸ LỆ