Ý thức rõ việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới Hội An luôn gắn liền với các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống nên trong những năm qua lãnh đạo TP.Hội An đã tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiều giải pháp đầu tư phát triển. Hiệu quả rõ nét nhất là ở làng gốm Thanh Hà.
Ở làng gốm Thanh Hà, từ năm 2000 Hội An có chủ trương phục hồi làng gốm bằng việc cho mở thêm 4 lò nung truyền thống và chuyển dời các lò nung gạch thành các lò tuy-nen để cải tạo môi trường. Bằng các nguồn vốn, Hội An cũng đã đầu tư khoảng 7,5 tỷ đồng để cải tạo cảnh quan môi trường, đường sá, kè chống xói lở… Các lớp đào tạo nghề, lớp nâng cao kỹ năng thiết kế, cải tiến mẫu mã và các hoạt động hội thi, giới thiệu sản phẩm cũng được tổ chức, thu hút nhiều nghệ nhân và lao động tại làng nghề. Tính đến nay, thành phố đã tổ chức được 8 lớp đào tạo nghề gốm cho gần 100 học viên tại làng nghề Thanh Hà, trong đó có 2 học viên được đào tạo gốm phủ men Bát Tràng, 2 học viên học nghề chế tác các món ăn đặc sản Hội An từ đất sét công nghiệp và một lớp dành cho các bạn trẻ đang được huấn luyện tạo mô hình các sản phẩm lưu niệm. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề và phát triển sản phẩm mới từng bước được phục hồi và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho các cơ sở trong làng nghề như: hỗ trợ trang thiết bị máy móc, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại các tỉnh phía Bắc, Bình Dương, Tây Ninh…; chú trọng công tác quảng bá, trình diễn nghề, xây dựng thương hiệu và đã được công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà…
Là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hội An, những năm gần đây nhờ gắn kết giữa phát triển sản xuất với phát triển du lịch nên làng gốm Thanh Hà đã tạo được sức sống mạnh mẽ. Với 36 hộ sản xuất, kinh doanh và khoảng 70 lao động làm nghề thủ công là chính nhưng sản phẩm làng nghề khá đa dạng gồm: sản phẩm lưu niệm, hàng phục vụ trang trí cho các cơ sở kinh doanh du lịch như con thổi, bình cắm hoa, bùng binh, đèn sân vườn, đèn trang trí, mặt nạ… Phó Chủ tịch UBMD thành phố Nguyễn Thế Hùng trao đổi: “Du khách khi đến đây trực tiếp nhìn, ngắm, tác nghiệp thì biết được công sức, mồ hôi, nước mắt của con người đổ vào để hình thành nên những con thổi, những cái bình, cái nồi, cái chậu, đồ trang trí… thì họ rất thích. Tóm lại là chính bàn tay của người dân nơi này làm ra để góp phần tạo thêm sản phẩm cho du lịch Hội An!”
Những năm trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan và doanh thu du lịch từ làng gốm Thanh Hà tăng đáng kể, trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất gốm chiếm 50%. Lao động làng nghề không chỉ có thu nhập từ bán sản phẩm mà còn tăng thêm từ hoạt động trình diễn nghề, nguồn trích lại từ doanh thu bán vé tham quan… Hiện nay, khi du lịch đang hồi phục, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm làm nghề tại đây tăng đáng kể.
Những năm gần đây, gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, thành phố đã dành nguồn kinh phí đầu tư khuyến công, hỗ trợ máy móc, thiết bị, hướng dẫn thực hiện bao bì, đăng ký nhãn hiệu, đa dạng phương thức bán hàng… để các cơ sở, hộ sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng và doanh thu. Một số cơ sở linh hoạt chuyển đổi sản xuất, thích ứng với thị trường, tạo ra một số sản phẩm mới mang tính đặc trưng và đạt giá trị cao. Chị Trần Thị Tuyết Nhung (cơ sở sản xuất gốm Sơn Thúy, phường Thanh Hà) chia sẻ:“Thực sự khả năng phát triển của làng nghề rất cao nhưng còn hạn chế vì ở đây quảng bá cho du lịch nhiều hơn so với sản xuất và thương mại. Nên tôi mong được hỗ trợ, đầu tư sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa”.
Trong xu hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, điều đáng mừng là ở làng đã xuất hiện những nghệ nhân trẻ rất chịu khó tìm tòi, làm ra các loại sản phẩm trang trí nội-ngoại thất cũng như các sản phẩm lưu niệm khác… Chính làng nghề đã làm nảy nở tư duy sáng tạo, phát triển tinh thần năng động và bàn tay tài hoa của người thợ và lớp cháu con! Trên nền tảng xây dựng và phát triển ý tưởng của nữ nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương (ở TP.Hồ Chí Minh), được 2 thợ trẻ của làng nghề là Nguyễn Viết Lâm và Lê Văn Nhật tiếp thu và chế tác, những năm qua cộng đồng làng gốm thợ Thanh Hà đã tạo ra bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ “Dấu ấn ẩm thực Hội An” làm từ đất sét công nghiệp, giới thiệu 9 món ăn đặc sản và nổi tiếng của phố cổ, được du khách ưa thích. Được tin tưởng nhận truyền lại nghề truyền thống của cha ông, thợ trẻ Lê Văn Nhật bày tỏ cảm nghĩ: “Muốn phát triển những mẫu quảng bá về làng nghề, nhất là về trang trí, thu hút khách du lịch đến xem nhiều hơn và muốn phát triển thêm những cái mới lạ khác”
Từ ý tưởng này bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó Trưởng Phòng Kinh tế cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các cơ sở sản xuất, đào tạo thêm đội ngũ lao động trẻ, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm nổi tiếng, dân dã, thú vị tại Hội An và chủ động nguồn nguyên liệu đất sét để sản xuất. “Đối với các nhà hàng, các công ty lữ hành đã có ý tưởng muốn đặt sản phẩm để trưng bày giới thiệu tại các cơ sở của các đơn vị đó. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng!”, bà Vui nói. Mỗi làng nghề vốn được coi là một “bảo tàng sống” đầy ắp những giá trị văn hoá, nhân sinh trong từng ngôi nhà, từng con đường. Vì vậy bảo tồn, phát triển làng gốm còn phải chú trọng bảo tồn cảnh quan, không gian truyền thống để tạo cho du khách những cảm nhận sinh động “như thật” về cuộc sống của con người và cảnh vật nơi này. Du khách khi đến làng nghề không gì thích thú bằng vừa được nhào đất chuốt gốm vừa được chuyện trò, học nghề cùng các nghệ nhân hoặc những người lao động chân chất, thật thà…
ĐỖ HUẤN