Hội An – điểm đến đô thị văn hóa châu Á

Năm 2022, TP.Hội An tiếp tục được đề cử World Travel Awards bình chọn trao Giải thưởng du lịch “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á”. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào lớn của người dân Hội An mà còn có ý nghĩa khích lệ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của mọi người cùng đồng hành vì mục tiêu xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Du khách tham quan, tìm hiểu nghề gốm truyền thống tại khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP.Hội An

Hiếm có nơi nào trên đất nước Việt Nam vinh dự như TP.Hội An có đến 2 lần được trao Giải thưởng “Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á” (vào năm 2019 và năm 2021) và tiếp tục được đề cử bầu chọn năm 2022. Đây là giải thưởng Du lịch thế giới – World Travel Awards (WTA) được tổ chức thường niên, nhằm vinh danh những điểm đến du lịch nổi bật, những nhà cung cấp dịch vụ du lịch tốt nhất trong lĩnh vực hàng không, khách sạn, nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, vận chuyển, du thuyền… Giải thưởng này ra đời vào năm 1993 và đến nay đã trở thành một trong những thước đo chất lượng của ngành công nghiệp du lịch và được công nhận trên toàn thế giới.

Đạt được danh hiệu này phải nói đến uy tín và thương hiệu du lịch vang tiếng của Hội An – nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của nhân loại. PGS, TS Nguyễn Đức Lộc – Giám đốc Viện Social Life xác định: “Hội An tồn tại với tư cách là một thương cảng quốc tế sầm uất thời kỳ trung đại đã thu hút nhiều luồng dân cư từ những nơi khác trên thế giới đến hội tụ, giao thương, sinh sống và tạo ra một bức tranh đa dạng về văn hóa. Chúng ta có thể kể đến vai trò của người Nhật, người Hoa cùng với người Việt, người Chăm là những cư dân có trước đã tạo nên một thương cảng văn hóa đa đạng”.

Trong thời kỳ trung đại, thương cảng quốc tế Hội An từng giữ vai trò quan trọng ở Đàng Trong, Việt Nam cũng như mạng lưới giao thương quốc tế. Tại đây bên cạnh các hoạt động mậu dịch sôi nổi cũng đã diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa cư dân bản địa với các thương gia nhiều nước trên thế giới. Ngày nay những dấu ấn còn lại về sự giao lưu này vẫn đậm nét trong kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của Hội An, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu để UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

Đại diện lãnh đạo TP.Hội An tặng hoa chúc mừng các đầu bếp danh tiếng trên thế giới tham gia Lễ hội ẩm thực quốc tế tổ chức tại Hội An

Cùng với việc bảo tồn và phát huy hiệu quả quần thể kiến trúc đô thị cổ, các giá trị di sản lịch sử – văn hóa phong phú, đa dạng với 29 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 240 di tích ngoài khu phố cổ được đưa vào danh mục thành phố quản lý, Hội An cũng đã thiết lập thêm các bảo tàng chuyên đề để phục vụ hàng triệu du khách đến tham quan, nghiên cứu mỗi năm. Các tài nguyên văn hóa, tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên ngày càng được nhận diện sáng tỏ, gắn kết tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc. Trong đó việc kết nối Di sản văn hóa thế giới – khu phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống càng nhân lên giá trị văn hóa quý giá, hiếm nơi nào sánh bằng. Các sản phẩm làng nghề truyền thống, yến sào, đèn lồng, ẩm thực cùng với chương trình “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, Hội đèn lồng… đã trở thành những sản phẩm văn hóa – du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng lãm…

Theo các nhà sử học quốc tế, Hội An là một trường hợp mẫu hình tiêu biểu về lịch sử hình thành, phát triển đô thị ở Việt Nam và Đông Nam Á. Con đường “Hương liệu – Tơ lụa – Gốm sứ” trên biển vừa là nét lịch sử, nét văn hóa đặc trưng vẫn còn hiển hiện rõ nét trong hành trình phát triển ở Hội An từ xưa đến nay. Liên tiếp nhiều năm trước khi bùng phát cơn đại dịch Covi-19 và năm 2022 vừa qua, TP.Hội An đã tổ chức nhiều sự kiện và hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của đô thị thương cảng cổ. Với sự chủ xướng của Công ty Tổ chức sự kiện Ẩm thực Hội An do chị Trịnh Diễm Vy làm Giám đốc, Hội An đã tổ chức thành công các Lễ hội ẩm thực quốc tế với sự tham gia của rất nhiều đầu bếp danh tiếng trên thế giới và các nước Á, Âu, Mỹ, Úc, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều người, đặc biệt là những người đam mê ẩm thực Việt Nam và thế giới. Cạnh đó, phải kể đến giao lưu tơ lụa – thổ cẩm Việt Nam và thế giới do Công ty Làng Lụa Hội An tổ chức, mở ra nhiều triển vọng và cơ hội cho nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam nói chung, góp phần phục hưng con đường tơ lụa trên biển gắn với thương cảng Hội An xưa. Chương trình Festival gốm Thanh Hà – Hội An được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc trong không gian làng nghề tại làng gốm Thanh Hà với vai trò chủ công của Giám đốc Nguyễn Văn Nguyên (Công viên Gốm nung Thanh Hà) cũng đã làm phong phú và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động lễ hội nghề gốm Thanh Hà. Rồi các chương trình nghệ thuật “Sắc màu của lụa”, hội thảo và chuẩn bị thành lập bảo tàng hương liệu, thổ sản Hội An – Quảng Nam, trưng bày, triển lãm “Nét hoa nghề thủ công mỹ nghệ”… đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống; tăng cường quảng bá thương hiệu, hình ảnh văn hóa – du lịch Hội An đến với du khách gần xa… “Đây chính là 3 móc xích quan trọng mà Hội An đã từng là giao điểm của con đường gia vị (bây giờ chúng ta có ẩm thực), con đường gốm sứ (chúng ta có gốm Thanh Hà) và con đường tơ lụa (chúng ta có Làng lụa Hội An). Đây là những nét mà chúng ta khôi phục lại một giai đoạn lịch sử của Hội An và những cái này sẽ trở thành những sản phẩm rất độc đáo”, ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói.

Bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa thế giới – đô thị cổ Hội An, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch từ văn hóa là hướng phát triển bền vững của TP.Hội An theo định hướng: sinh thái – văn hóa – du lịch và mãi xứng đáng với sự yêu thích, tín nhiệm của bạn bè, du khách muôn phương.

ĐỖ HUẤN