Tri ân công đức tổ tiên, giáo dục con cháu hòa thuận, kính trên nhường dưới, giữ gìn gia phong, gia đạo, sống chuẩn mực trong xã hội là điều mà các tộc họ ở Hội An luôn hướng đến.


Hàng năm cứ bắt đầu từ sáng ngày mùng 1 tết Nguyên đán, các nhà thờ tộc ở Hội An đều mở cửa để con cháu về dâng hương, tưởng vọng công đức tổ tiên, khấn nguyện một năm mới an khang thịnh vượng.
Tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết, ở phường Thanh Hà, thành viên các gia đình nhỏ lần lượt vào nhà thờ tộc để dâng hương. Ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, nghiêm trang. Người cao tuổi trong hội đồng gia tộc trong trang phục khăn đóng áo dài hân hoan nói lời tốt đẹp, chúc phúc con cháu.
Chẳng mấy chốc, trong buổi sáng ngày mùng 1, con cháu trong tộc đều có dịp gặp gỡ, trò chuyện hỏi han, gửi trao nhau lời chúc đầu năm vui tươi, vạn sự như ý và cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bà con trong gia tộc.
Anh Nguyễn Viết Ánh, một thành viên của tộc Nguyễn Viết, phường Thanh Hà chia sẻ: ‘Con cháu anh em chúng tôi luôn mong muốn tộc họ phát triển, đoàn kết, gần gũi, sẻ chia lẫn nhau. Xa gần vẫn tề tựu hương khói ông bà, kinh trên nhường dưới. Đó là nét đẹp trong đời sống tộc Nguyễn Viết bấy lâu nay”
Hiện nay, tộc Nguyễn Viết phường Thanh Hà có hơn một ngàn hộ, với hơn 4 ngàn nhân khẩu đang sinh sống tại nhiều tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là tại Hội An, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình xây dựng tộc họ, tộc Nguyễn Viết, phường Thanh Hà luôn chú trọng giữ gìn cảnh quan tộc họ, giáo dục con cháu trân trọng công đức tổ tiên, xây dựng tông đồ, từ đó kết nối toàn thể con cháu ở các tỉnh thành để gia tộc ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Việt Hà, một thành viên hội đồng gia tộc, người chủ chốt tham gia vào việc xây dựng tông đồ của tộc Nguyễn Viết cho biết: “Hiện nay, tộc Nguyễn Viết đang xây dựng tông đô gia tộc. Với hơn 1.000 hộ sống trong cả nước, con cháu rất đông nên việc xây dựng tông đồ rất quan trong về sau”
Cũng tương tự như tộc Nguyễn Viết Thanh Hà, hiện nay, các tộc họ ở Hội An đang thực hiện tốt phong trào xây dựng tộc họ văn hóa. Nội dung tộc ước của các tộc đều quy định, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, kế thừa giá trị văn hóa tốt đẹp của dòng họ, mỗi người có bổn phận thiêng liêng là phải nhớ ơn tiên tổ và các đấng sinh thành, cùng nhau đoàn kết xây dựng gia tộc ngày càng bền vững, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Tại tộc Lê Viết ở phường Cẩm Nam, ông Lê Ngọc Chiếu, thành viên hội đồng gia tộc cho biết, đối với dòng họ tổ tiên, lâu nay, tộc Lê Viết luôn quy ước, mỗi thành viên trong gia tộc dù gái hay trai, dù dâu hay rể, dù sinh sống ở xa hay gần đều phải hướng về cội nguồn, có tinh thần chăm lo, vun đắp, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, nêu cao ý thức xây dựng gia tộc ngày càng văn minh, tiến bộ.
Ông Lê Viết Ngọc Chiếu, thành viên của Hội đồng gia tộc Lê Viết ở phường Cẩm Nam nói: “Tộc Nguyễn Viết xây dựng quy ước đã gần 20 năm. Mỗi quy định đều có ý nghĩa giáo dục con cháu ngưỡng vọng tổ tiên, kinh trên nhường dưới, giữ gìn đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật… Mỗi người mỗi nhà đều nỗ lực xây dựng đời sống, học tập, công tác cống hiến cho quê hương”.

Những năm gần đây, phong trào xây dựng tộc họ văn hóa đã được thành phố Hội An phát động sâu rộng, được các tộc hưởng ứng sôi nổi. Ngoài việc nêu cao trách nhiệm đối với tổ tiên dòng họ, các tộc còn quy ước rõ trách nhiệm của mỗi người đối với gia đình và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mỗi gia đình, mỗi nhà phải tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; không ngừng nêu gương ông bà cha mẹ mẫu mực, hiền từ, con cháu hiếu thảo, xây dựng gia đình hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Mỗi thành viên trong gia đình phải tích cực học tập, từ đó thực hiện mỗi nhà là “Mỗi gia đình học tập”; tích cực tham gia các phong trào văn hóa, xã hội tại nơi cư trú, thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, tổ dân phố văn hóa, tương trợ giúp đỡ cộng đồng khi gặp khó khăn hoạn nạn.
Theo ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng VHTT TP, quá trình thực hiện phong trào xây dựng tộc họ văn hóa ở Hội An đã được các tộc họ và các gia đình hưởng ứng tích cực, gắn liền với chủ trương xây dựng thành phố văn hóa. Điều cốt lõi trong việc xây dựng tộc văn hóa là các tộc đã tập hợp, quy tụ được con cháu, tạo thành sức mạnh đoàn kết trong tộc họ, từ đó, giúp con cháu hướng về nguồn cội, thể hiện sự tri ân, thành kính đối với tổ tiên bằng những việc làm đẹp trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Nhờ vậy việc giữ gìn nếp sống của mỗi gia đình cũng được chú trọng hơn theo hướng trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa.
Ngày xuân, nhìn thấy những gia đình nhỏ đưa con cháu về thăm gia tộc, ông bà tổ tiên, càng thấy trân quý hơn cái nghĩa, cái tình, cách sống có trước có sau của người phố Hội. Tri ân công đức tổ tiên là bài học quý để gieo vào những thế hệ tương lai những bài học thấm đẫm tính nhân văn, đạo lý đời đời của người Việt: uống nước, nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, chim có tổ, người có tông…
LÊ HIỀN