Giá trị di tích các nhà lao thực dân, đế quốc ở Hội An

Hội An từng là trung tâm hành chính cấp Tỉnh của chính quyền thực dân Pháp và chính quyền tay sai đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn thống trị, bên cạnh việc thiết lập các cơ quan đầu não, chính quyền thực dân, đế quốc còn xây dựng ở Hội An các nhà lao quy mô để giam cầm, hành hạ những chí sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước của Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã tham gia các phong trào đấu tranh kháng Pháp, chống Mỹ và chính quyền tay sai. Giá trị của các nhà lao này trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc rất đặc thù, cần được bảo tồn và phát huy. TP.Hội An đang trình hồ sơ khoa học di tích các nhà lao ở Hội An để xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Đại biểu Hội tù yêu nước và các ban, ngành của TP.Hội An chụp hình lưu niệm tại di tích Nhà lao Hội An

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, trên địa bàn thành phố hiện có 69 địa điểm là di tích, dấu tích liên quan đến truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng đã được khảo sát, nhận diện và đưa vào Danh mục di tích lịch sử – văn hóa của thành phố. Trong số đó, nhiều di tích có giá trị lịch sử – văn hóa đặc sắc, minh chứng cho truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng của tỉnh Quảng nam; 15 di tích có giá trị cũng đã được xếp hạng di tích cấp Tỉnh, trong đó có 2 di tích là Nhà lao Thông Đăng (thuộc địa phận phường Cẩm Phô hiện nay) và Nhà lao Hội An (còn gọi là Nhà lao Xóm Mới, thuộc địa phận phường Sơn Phong).

Cùng với 2 di tích nhà lao này, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn có Nhà tù Faifo (cũng thuộc địa phường Sơn Phong). Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, từng là trung tâm hành chính cấp Tỉnh của chính quyền thực dân Pháp và chính quyền tay sai đế quốc Mỹ, hệ thống các nhà lao ở Hội An được nối tiếp xây dựng rất quy cũ và có quy mô lớn ở miền Trung, qua các giai đoạn từ khoảng đầu thế kỷ XX đến tháng 3/1975 để giam cầm, tra tấn, hành hạ về thể xác nhằm tiêu diệt ý chí đấu tranh của những chí sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã tham gia các phong trào kháng Pháp, chống Mỹ và chính quyền tay sai.

Các nhà lao ở Hội An cũng có mối quan hệ đặc biệt với các nhà lao khác trên cả nước, là đầu mối quan trọng để địch tổ chức lưu đày các tù nhân chính trị có án trên 5 năm đến nhiều nhà lao lớn như: Lao Bảo, Phú Quốc, Côn Đảo… đồng thời là nơi tiếp nhận lại tù nhân từ những nhà lao này. Các tư liệu lịch sử, sự kiện thu thập, tìm kiếm được thời gian qua cũng cho thấy, các nhà lao ở Hội An từng là nơi giam cầm những người con ưu tú của xứ Quảng, trong đó có các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Võ Chí Công, nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng bộ Quảng Nam, Đà Nẵng, trong đó có đồng chí Phan Văn Định – Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên cùng nhiều tấm gương đấu tranh anh dũng của tù yêu nước…

Tại các nhà lao ở Hội An cũng từng ra nhiều cuộc đấu tranh gan dạ, bền bỉ của đồng bào, chiến sĩ Quảng Nam – Đà Nẵng và các tỉnh lân cận trước các thủ đoạn, hành động tra tấn, đánh đập dã man, tàn bạo của kẻ thù; xuất hiện nhiều tấm gương kiên trung, bất khuất “Dù cho giặc khảo, giặc tra. Cắn răng chịu đựng không xa Đảng mình” của bao lớp chiến sĩ cách mạng đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc. Trong đó có các trận đánh táo bạo, mưu trí của quân và dân ta đã cùng giải thoát hàng ngàn tù nhân như: trận đánh tại Nhà lao Thông Đăng đêm 30/4/1954 và tại Nhà lao Xóm Mới đêm 14/7/1967… Đây là những trận đánh hiếm gặp đối với các nhà lao khác trong cả nước. Với những tư liệu tìm hiểu được về những nhân vật, sự kiện tiêu biểu trong phong trào đấu tranh tại các nhà lao Hội An, ThS Nguyễn Hoài Quảng (Văn phòng Thành ủy Hội An) cho rằng, Hội An là dải đất thân thiết, thiêng liêng gắn với tín ngưỡng lòng thành đối với các thế hệ tiền nhân đã cống hiến, hy sinh cho cách mạng. “Tôi nghĩ, với chiều dài lịch sử và những dấu ấn khó phai mờ, di tích các nhà lao ở Hội An hoàn toàn xứng đáng để xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích cấp quốc gia”, ông Quảng nói.

Đại biểu tham quan, nghe giới thiệu về các tư liệu, hiện vật đang trưng bày tại di tích Nhà lao Hội An

Trong thời gian qua, việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn các ấn phẩm về các nhà lao ở Hội An và những vấn đề liên quan đến các nhà lao đã được Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và Thành ủy Hội An quan tâm chỉ đạo và thu đạt hiệu quả thông qua nhiều ấn phẩm xuất bản giới thiệu khái quát diễn trình ra đời, tồn tại và phong trào đấu tranh của tù yêu nước; về hồi ký của các nhân chứng lịch sử đã từng bị giam cầm; về những tấm gương chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng tại các nhà lao ở Hội An. Ngoài ra, còn có nhiều ấn phẩm sách, bài viết, bài báo khác và các hình thức sưu tầm, kể chuyện lịch sử có chủ đề về các nhà lao này.

Các nhà lao tại Hội An cũng đã được lãnh đạo xác định là di tích lịch sử – văn hóa và đưa vào chế độ quản lý theo quy định từ rất sớm. Từ năm 2010, di tích Nhà lao Xóm Mới được UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và đến nay đã cơ bản hoàn thành các hạng mục tôn tạo, đồng thời đang được triển khai các hạng mục để phát huy. Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, tập hợp tư liệu và hiện vật, hội nghị nhân chứng, tổ chức các hoạt động “Về nguồn” giới thiệu về giá trị lịch sử của các nhà lao cũng được thành phố quan tâm triển khai, bước đầu đạt kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, giữa giá trị lịch sử – văn hóa của các nhà lao với việc phát huy vẫn chưa tương xứng do những nguyên nhân khác nhau.

Hiện nay Trung tâm QLBT DSVH Hội An đang tập trung lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích cấp Tỉnh cho nhà lao trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và di tích cấp quốc gia cho hệ thống các nhà lao ở Hội An, tiếp tục xây dựng các đề án để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Ông Quảng Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm QLBT DSVH Hội An nói: “Cần giữ gìn và phát huy hệ thống di tích các nhà lao trong giai đoạn mới vừa phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ tương lai, đồng thời tạo dựng những địa điểm lịch sử nhân văn, trở thành những địa chỉ tham quan có giá trị, thu hút thêm du khách, lan tỏa những giá trị lịch sử – văn hóa của Hội An đến với du khách”

Với chiều dài lịch sử tồn tại kế tiếp hơn 70 năm; là nơi giam giữ hàng vạn tù yêu nước, nơi lưu dấu quá trình hoạt động của nhiều danh nhân, lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và nhiều đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ của tỉnh Quảng nam và các tỉnh, thành phố; các nhà lao ở Hội An là di tích có những giá trị rất riêng và đặc thù, cần bảo tồn và phát huy hiệu quả.

ĐỖ HUẤN

Trả lời

Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An

Giấy phép trang TTĐT: Số 09/GP-Sở TTTT do Sở Thông tin &Truyền thông tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/12/2014

Số 01 A Hoàng Diệu - TP Hội An - Quảng Nam

ĐT: 0235 3861213 - Email: daittthhoian@gmail.com

Bản quyền thuộc về Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Thành phố Hội An. Các website khác đã được chúng tôi đồng ý cho khai thác thông tin, khi đăng lại phải ghi rõ nguồn: Theo Đài TT-TH Hội An (http://hoianrt.vn)

Thiết kế bởi: Đài TT - TH TP Hội An.