Nỗi lo bạo lực gia đình

So với tình hình chung trên cả nước, mức độ vi phạm bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố Hội An tuy không nhiều và ít nghiêm trọng nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của gia đình và toàn xã hội.

Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), thành phố xảy ra 58 vụ bạo lực gia đình. Người gây bạo lực hầu hết là nam giới. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn gia đình. Những trường hợp này mới chỉ là phần nổi của tảng băng, “tức nước vỡ bờ” nên các nạn nhân bị bạo lực gia đình mới nhờ đến các Hội, Đoàn thể, hoặc các cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Cá biệt có một số trường hợp bị chồng đánh gây thương tích, gây hoảng loạn tinh thần từ rất lâu. Có trường hợp thường xuyên bị bạo lực cả về thân thể, kinh tế và tình dục suốt 7 năm nhưng im lặng “cam chịu” vì “sợ đủ thứ lý do”. Chẳng hạn như các trường hợp chị Phạm T.L ở thôn Thanh Nhì, chị Lê T.K.T ở thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh), chị Trần T.H. ở Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu), chị Võ T.V (xã Cẩm Kim), chị Nguyễn T.T (phường Cửa Đại)…

Thực trạng này còn được ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: “Gia đình truyền thống có những biến động thay đổi, phân tán, quy mô gia đình nhỏ, gia đình trẻ chiếm đa số, những giềng mối gia đình, cộng đồng, nếp sống, sinh hoạt, cư xử của con người phai nhạt dần, sự phân hóa gia đình giàu nghèo ngày càng rõ rệt, tình trạng hôn nhân tan vỡ, trẻ em bỏ học, vi phạm pháp luật, bị kẻ xấu xúi giục lôi kéo vào các tệ nạn xã hội và đặc biệt, tình trạng bạo hành trong gia đình có biểu hiện gia tăng”.

Hạnh phúc của gia đình chắp cánh cho những ước mơ bay cao- Ảnh: Đỗ Huấn

Thực tế, tình trạng bạo lực gia đình không dừng lại chừng đó mà ở con số gấp trăm lần vì những biểu hiện của tình trạng này thường không rõ ràng, người bị bạo lực lại âm thầm chịu đựng, không tố cáo nên rất khó phát hiện. Kết quả một cuộc khảo sát điều tra của ngành chức năng và Hội Phụ nữ cho thấy, đối tượng bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ, chồng bạo lực với vợ nhiều nhất, hình thức bạo lực thân thể chiếm cao hơn hẳn (trong đó có hàng chục trường hợp gây thương tích), rồi tiếp đến là các trường hợp bạo lực về tinh thần… Hậu quả là số vụ ly hôn, ly thân và tình trạng trẻ em bỏ học, vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Từ năm 2011 đến 2015, Tòa án nhân dân thành phố đã tiếp nhận 762 vụ việc hôn nhân gia đình, trong đó có 86 vụ án có liên quan đến bạo lực gia đình và ngoại tình, chiếm 11,3%. Tình trạng bạo lực gia đình và số vụ án hôn nhân gia đình diễn ra khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói là số vụ việc ly hôn có độ tuổi từ 18 đến 30 có chiều hướng tăng dần. Bà Nguyễn Thị Hoa Phượng – Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố trao đổi: “Khi quyết định ly hôn, các cặp vợ chồng đưa ra rất nhiều lý do như: vợ chồng không hợp nhau, bất đồng về quan điểm sống, ngoại tình, ngược đãi, mâu thuẫn do kinh tế… và ly hôn là cách để mỗi người tìm đến cuộc sống mới của mình, song những vấn đề xảy ra hậu ly hôn không phải tất cả các cặp vợ chồng đều lường hết được. Nhiều vấn đề kéo theo và những hệ lụy sau ly hôn khiến con cái trong gia đình và xã hội phải gánh chịu. Cha mẹ ly hôn khiến con cái thiếu đi sự chăm sóc của cha hoặc mẹ khiến các em phát triển không toàn diện. Dù cố gắng bù đắp thì sự chia tay của cha mẹ cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tinh thần và sự phát triển nhân cách của trẻ, dễ làm tổn thương đến tâm lý, trẻ sẽ dễ bị hư hỏng, thậm chí là vi phạm pháp luật”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “căn bệnh” bạo lực gia đình, không khó lý giải nhưng tìm ra phương thuốc chữa trị hữu hiệu mới thực sự khó khăn. Trước hết là sự thiếu hiểu biết về pháp luật và nhận thức hạn chế của các đối tượng đã dẫn đến hậu quả đau buồn này. Một số chị em không biết mình có quyền gì nên khi bị bạo hành đã không dám “lên tiếng” trình báo cơ quan chức năng. Một số khác bị ràng buộc bởi phong tục tập quán cũ kỹ, lỗi thời, không muốn “vạch áo cho người ta xem lưng” nên không dám tìm kiếm sự giúp đỡ, hướng giải quyết từ bên ngoài… Vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của mọi người, ngay tại cộng đồng dân cư về phòng chống bạo lực gia đình luôn là đòi hỏi hàng đầu với nhiều nội dung, hình thức linh hoạt, sát hợp.

Trong thực tế, đa số các vụ án ly hôn thì người vợ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Người chồng có quan hệ ngoại tình hoặc không lo làm ăn mà cứ “sáng xỉn chiều say” nhưng không thấy mình có lỗi mà ngược lại còn chửi bới, ngược đãi, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, làm tổn hại sức khoẻ của người vợ. Song đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được xử lý thích đáng để răn đe, cao lắm cũng chỉ bị xử lý hành chính, còn lại chủ yếu là góp ý nhắc nhở. Một cán bộ ngành Tòa án nói: “Có trường hợp, khi được hỏi tại sao chị không báo với cơ quan chức năng thì được trả lời là có báo nhưng đại diện cơ quan chức năng đến thì họ nói đây là việc riêng của gia đình, gia đình tự dàn xếp, giải quyết”. Rõ ràng là “nói suông” chưa đủ mà nhất thiết phải “đi đôi với làm” mới mong mang lại hiệu quả.

Phòng chống bạo lực gia đình vì thế đã trở thành “cuộc chiến” lâu dài, không của riêng ai!

Đỗ Huấn