Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thành lập với 2 mục đích là: bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên để phát triển KTXH. Việc thành lập Khu BTB cũng là sự tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan là nhà nước, các nhà khoa học, các tổ chức phi Chính Phủ và cộng đồng địa phương cùng quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong Khu BTB.
*Phát triển sinh kế:
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban quản lý Khu BTB Cù Lao Chàm đã định hướng đến một phương thức lấy cộng đồng làm trọng tâm hay gọi đầy đủ là quản lý hệ sinh thái dựa vào cộng đồng, theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp. Trên cơ sở đó, từ khi thành lập đến nay Ban quản lý Khu BTB đã triển khai thực hiện đạt một số kết quả khá quan trọng. Có ý kiến của cộng đồng, Ban quản lý đã xây dựng được quy hoạch phân vùng và quy chế quản lý, xây dựng được kế hoạch quản lý của Khu BTB. Qua đó các đối tượng tài nguyên mục tiêu gồm: san hô, cỏ biển, bãi biển, tôm hùm, ốc vú nàng, cua đá đã được cộng đồng thống nhất chọn lựa và đưa vào bảo vệ, bảo tồn lâu dài. Cũng trên phương thức trọng tâm này, cộng đồng cư dân ở Cù Lao Chàm được quyền tiếp cận tài nguyên, bảo vệ môi trường để qua đó quản lý hiệu quả hơn nghề cá ven bờ theo phương thức đồng quản lý. Điều này có tác động rất lớn vì do đặc thù của một xã đảo nên những năm trước đây sinh kế của hơn 80% số dân ở Cù Lao Chàm chủ yếu dựa vào đánh bắt cá gần bờ. Đồng thời, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên từ chỗ cộng đồng Cù Lao Chàm không biết hoặc biết mơ hồ về những nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi, ảnh hưởng thu nhập cá nhân và kinh tế trên đảo, dần dần người dân đã hiểu được việc đánh bắt tự do, bừa bãi là nguyên nhân của sự suy giảm nguồn lợi, gây khó khăn cho cuộc sống cộng đồng. Mặt khác, người dân còn được tham gia các hoạt động đào tạo nghề, phát triển sinh kế thay thế và được phối hợp với chính quyền địa phương tham gia công tác tuần tra, đề nghị các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi bằng cách thông qua bản hương ước mang tính sáng tạo và tự chủ cao.
Quản lý hệ sinh thái dựa vào cộng đồng đã cải thiện đáng kể sinh kế của người dân trên đảo- Ảnh: Đỗ Huấn
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu BTB, sự tham gia của cộng đồng Cù Lao Chàm hiện nay đã đạt đến mức người dân đã được biết để nói và được nói để bàn và cùng làm với nhà nước. Nhờ đó mà kinh tế của địa phương đã phát triển hiệu quả. Doanh thu từ các sản phẩm du lịch và thủy sản tăng lên đáng kể. Người dân thực sự làm chủ giá trị tăng thu, không còn bán rẻ hải, đặc sản cho đối tượng trung gian, “đầu nậu” mà bán trực tiếp cho du khách với giá cao hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nói: “Cùng với việc phát triển chung thì có thể nói tình hình nhân dân Tân Hiệp thông qua vận động từ các cơ quan, các đơn vị như Bảo tồn biển, Khu sinh quyển, một số tổ chức về việc hỗ trợ các sinh kế liên quan đến cộng đồng khi Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển, khi là khu sinh quyển trong những năm qua có thể nói là kết quả rất tốt”.
*Mở rộng, liên kết:
Ngoài nguồn lợi nhuận được tính bằng tiền, bằng thu nhập, bằng sinh kế của người dân, những lợi ích “quý hơn vàng” được cộng đồng đang thụ hưởng hằng ngày và đã đồng thuận quy thành như: bãi biển xanh – sạch – đẹp, bầu không khí trong lành giữa biển khơi, sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái, phong cảnh sơn thủy hữu tình… cũng là những thành quả đáng kể. Người dân Cù Lao Chàm đã đa dạng hóa sinh kế thay thế, giảm khai thác nguồn lợi nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển KTXH của xã đảo. Thông qua phương thức đồng quản lý đã góp phần xác định được diễn biến các mâu thuẫn trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Phong cảnh “sơn thủy hữu tình” là lợi ích “quý hơn vàng” mà cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm đang thụ hưởng- Ảnh: Đỗ Huấn
Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Thư ký Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết: “Nếu như khi bắt đầu bảo tồn biển, mâu thuẫn chính trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường là khai thác không hợp lý được thể hiện qua loại hình khai thác và cường lực khai thác cũng như đối tượng khai thác theo thời gian và không gian tại vùng biển CLC, mâu thuẫn giữa bảo tồn và sinh kế thay thế cho người dân địa phương thì ngày nay các mâu thuẫn đó chủ yếu tập trung vào chia sẻ lợi ích trong hoạt động du lịch trên cơ sở bảo tồn, của người dân địa phương và người ngoài Khu BTB, mâu thuẫn giữa nhu cầu về các sản phẩm du lịch có nguồn gốc khác nhau trong Khu BTB, mâu thuẫn giữa cung và cầu do số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng và mâu thuân quan hệ giữa các nhóm cộng đồng nghề nghiệp trong Khu BTB”.
Ông Thảo cũng cho rằng, phương thức đồng quản lý đã chỉ ra lợi ích cộng đồng chỉ đạt ngưỡng cao nhất khi nó thỏa mãn được lợi ích của các nhóm nghề nghiệp khác nhau. Vì vậy đã đến lúc cộng đồng Khu BTB Cù Lao Chàm cần tiếp cận chọn lọc sản phẩm du lịch mục tiêu, đề cao tính liên kết giữa các sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch và tính toán ngưỡng hợp lý cho việc điều tiết lượng du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, trước những tác động và biến thiên trong những năm qua, sự ảnh hưởng của các hoạt động từ đất liền qua nguồn nước lũ phát tán từ sông Thu Bồn đã và đang đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tài nguyên đa dạng sinh học trong Khu BTB, vấn đề đặt ra là đến lúc phải nhìn nhận và tiếp cận theo quan điểm quản lý tổng hợp vùng bờ một cách tổng thể nhằm hạn chế tác động từ đất liền hoặc các vùng lân cận đối với Khu BTB Cù Lao Chàm, trong đó đáng chú ý là vùng cửa sông ven biển – rừng dừa nước ngập mặn Cẩm Thanh – Hội An. Và hiển nhiên, sự tham gia của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng.
Đỗ Huấn