Từ mô hình sản xuất thành điểm tham quan du lịch

Thời gian qua, trên địa bàn TP.Hội An đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp và trở thành điểm tham quan, thu hút khách và thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch đáng chú ý.

Du khách trải nghiệm làm trồng rau tại làng rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh

Đề án hỗ trợ sản xuất rau sạch tại thôn Thanh Đông được chính quyền xã Cẩm Thanh triển khai thực hiện từ năm 2013 với sự tham gia theo hình thức Tổ hợp tác của cộng đồng dân cư, kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau. Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, diện tích sản xuất từ 6 sào lúc ban đầu nay đã tăng lên hơn 1,2 ha, năng suất đạt gần 1,3 tấn/sào, không tính từ nguồn thu từ bán vé tham quan, bình quân thu nhập đạt 800 ngàn đến 1 triệu đồng/sào/tháng.

Đến năm 2019, mô hình sản xuất rau sạch đã phát triển và hình thành nên HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông, trở thành điểm du lịch sinh thái mới của TP.Hội An, được du khách yêu thích và là điểm tham quan, học tập về sản xuất nông nghiệp an toàn của học sinh, sinh viên trong nước. Lượng khách đến tham quan, tìm hiểu vườn rau tăng hằng năm nhờ các hoạt động trải nghiệm như: nấu ăn, làm nông nghiệp, bơi thuyền thúng du ngoạn trên sông… Năm 2018, Vườn rau hữu cơ Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Năm 2020 được Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á bầu chọn là Điểm du lịch nông thôn bền vững. Ông Nguyễn Văn Chức – thành viên kiểm soát HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông cho biết, quá trình sản xuất đem lại hiệu quả là nhờ bà con ở đây biết kết hợp làm ra sản phẩm rau hữu cơ gắn với mở tuor du lịch. “Đầu tiên là kết nối với học sinh, sinh viên để giới thiệu về mô hình sản xuất này, tiếp đó là kết nối với tour lữ hành đưa khách du lịch từ nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy đã mang lại hiệu quả rõ rệt!”, ông Chức nói.

Xã Cẩm Thanh không chỉ có mô hình sản xuất rau sạch Thanh Đông trở thành điểm tham quan, thu hút khách mà còn phát triển nhanh ngành dịch vụ du lịch – thương mại nhờ gắn kết với tiềm năng sinh thái, ruộng đồng, sông nước và nghề tranh – tre dừa nước truyền thống. Du lịch tìm hiểu sản xuất rau hữu cơ tại Xứ Đồng Giá, lúa hữu cơ tại Cánh Đồng Mẫu, khám phá đời sống cộng đồng ở vùng sông nước rừng dừa Bảy mẫu… phát triển cũng đã mang lại lợi ích lớn cho cư dân địa phương, tạo ra những đổi thay đáng mừng. Nhóm du khách từ Anh quốc trở lại tham quan Rừng dừa Bảy mẫu lần thứ 2 chia sẻ: “Cảm nhận của chúng tôi trở lại đây lần này là thấy mọi việc tốt hơn lên rất nhiều. Chúng tôi thấy mình như là người Việt Nam thực sự vì được trải nghiệm đời sống của người dân ở đây thân thiện và an toàn hơn…” Năm 2023 vừa qua, Cẩm Thanh đã đón gần 880.600 lượt khách tham quan. Trong đó lượng khách mua vé tham quan rừng dừa Bảy mẫu đạt 790.000 lượt. Còn 9 tháng đầu năm nay đã đón 817.000 lượt khách mua vé…

Tour du lịch “Một ngày làm nông dân ở Trà Quế”, xã Cẩm Hà

Ở xã Cẩm Hà, từ nguồn vốn phát triển sản xuất chính quyền địa phương cũng đã đầu tư gần 555 triệu đồng để thực hiện dự án áp dụng giống lúa mới trung và ngắn ngày, hỗ trợ quật giống cho hộ nông dân có thu nhập thấp, hỗ trợ giống rau cho nông dân Trà Quế. Cùng với việc hỗ trợ các giống lúa, nông sản chất lượng cao, cho năng suất và hiệu quả trong sản xuất, chính quyền xã cũng đặc biệt chú trọng đến các hoạt động khuyến nông cho nghề trồng hoa cây cảnh, xây dựng và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rau VietGap ở làng rau Trà Quế với các siêu thị, doanh nghiệp tại Đà Nẵng (BigC, Metro, Lotte Mart) và Quảng Nam. Đây cũng là địa chỉ du lịch sinh thái, trải nghiệm đặc sắc của du khách trong và ngoài nước khi đến Hội An với tour du lịch “Một ngày làm nông dân Trà Quế”, khai thác yếu tố văn hóa làng nghề và ẩm thực bản địa truyền thống.

Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, việc phát triển kinh tế hữu cơ tại làng rau Trà Quế gắn với phát triển du lịch – dịch vụ đã được thành phố cũng như địa phương hết sức quan tâm. Thành phố đã có một đề án phát triển làng nghề Trà Quế. “Đối với địa phương cũng đã triển khai mô hình chuỗi liên kết rau hữu cơ VietGap ở Trà Quế, và hiện nay đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng Vùng 3 công nhận làng rau đạt chuẩn VietGap. Các tour du lịch để nâng cao thu nhập của bà con nông dân cũng được tổ chức rất nhiều tại làng rau Trà Quế”, ông Phương nói thêm.

Không chỉ riêng ở 2 xã Cẩm Thanh và Cẩm Hà mà trong chương trình phát triển kinh tế nông thôn, hằng năm Phòng Kinh tế thành phố cũng đã đầu tư từ 3 tỷ đến 5 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, ngư dân ở các xã thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Và từ những mô hình sản xuất mới, chính quyền thành phố đã khuyến khích và tạo điều kiện cho người nông dân liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp tham gia khai thác các tour – tuyến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất, làm nghề, khám phá cảnh quan sinh thái, đời sống văn hóa làng quê, tổ chức chợ quê, ẩm thực làng nghề… Qua đó, nhiều sản phẩm đặc trưng ở các làng quê, làng nghề cũng được quảng bá, nâng tầm giá trị gắn với các sự kiện văn hoá hằng năm của thành phố như: chợ hoa xuân trước tết âm lịch, lễ hội bắp nếp Cẩm Nam, lễ hội quật cảnh Cẩm Hà, lễ cúng cầu bông làng rau Trà Quế, lễ giỗ tổ nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Thanh Hà, lễ hội cầu ngư phát động ngư dân ra quân đánh bắt hải sản hằng năm…

Du khách tham gia sự kiện tái hiện “Chợ ẩm thực nông nghiệp” của người dân vùng nông thôn Hội An

Sự phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố thời gian qua đã dần thay đổi tập quán sản xuất của người dân, từng bước góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường sản xuất và môi trường sống của cộng đồng dân cư, hình thành hệ sinh thái du lịch an lành, sạch đẹp. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng: “Những mô hình đó bên cạnh mục tiêu làm cho bộ mặt nông thôn đổi thay, trong đó về mặt đời sống, về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt của người nông dân ngày càng tốt hơn thì nó còn đạt được những ý nghĩa tích cực khác. Đi theo con đường phát triển đô thị sinh thái, làm du lịch sinh thái thì những ngành nghề, những mô hình đang chọn đã góp phần bảo vệ bền vững môi trường, tức là không đi ngược lại quy luật của tự nhiên và ứng xử một cách có văn hóa đối với tự nhiên, đối với con người”.

Trong những năm tới, Hội An tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế nông thôn; tập trung phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái có hiệu quả, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

ĐỖ HUẤN