Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bất lợi nhưng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Hội An những năm qua vẫn ổn định sản xuất, tạo chuyển biến trong một số mô hình khai thác, nuôi trồng.
Bến neo đậu tàu thuyền của ngư dân làng biển Cửa Đại- Ảnh: Đỗ Huấn
Những năm gần đây, sản xuất ngư nghiệp của ngư dân thành phố cũng không tránh khỏi những tác động bất lợi như ngư dân các tỉnh miền Trung. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh ven biển Bắc miền Trung đã làm ảnh hưởng đến nghề khai thác hải sản của bà con ngư dân. Cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bão lũ thất thường đã gây thêm khó khăn cho ngư dân. Rồi việc cửa biển Cửa Đại bị bối lấp, tàu thuyền ra vào trở ngại đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm lý của ngư dân.
Tuy vậy, bà con ngư dân vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ vững tinh thần và duy trì sản xuất, ổn định đời sống. Bà con phát huy tính tự quản, phát triển sản xuất theo hướng cộng đồng, thành lập 16 tổ đoàn kết khai thác thủy sản. Tổng số tàu thuyền hiện có khoảng hơn 700 chiếc, trong đó có 86 chiếc từ 90 CV trở lên. Công suất tàu thuyền từng bước được nâng cao, tạo điều kiện để ngư dân vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày, đánh bắt hải sản xuất khẩu, trong đó có 7 – 8 tàu đăng ký đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Trên địa bàn phường trọng điểm nghề biển như Cửa Đại, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Sinh cho biết: “Thời gian qua, lãnh đạo địa phương hết sức quan tâm vận động nhân dân phát triển nghề ngư nghiệp và nhân dân phường Cửa Đại vừa qua cũng đã tích cực đầu tư sắm mới vừa để phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”.
Tuy chỉ là ngành kinh tế thứ yếu nhưng chính quyền thành phố luôn quan tâm đầu tư đúng mức cho ngành sản xuất thủy sản. UBND thành phố đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho ngư dân nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả đánh bắt, tăng cường bám biển dài ngày, phòng chống thiên tai trên biển như: hỗ trợ máy thu trực canh, hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền, hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt ở vùng biển xa bờ… Công tác đào tạo, tập huấn nghề cho người lao động trong ngành cũng được quan tâm, hoạt động dịch vụ nghề cá, hạ tầng các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được đầu tư nâng cấp và sửa chữa, đáp ứng yêu cầu của ngư dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu nghề và kiêm nghề khai thác có sự chuyển biến tích cực, nhiều tàu thuyền và nghề khai thác được cải tiến theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như nghề vây ngày, nghề lưới rê 3 lớp, nghề lưới quét, nghề giã đôi cao tốc, chụp mực… Nhờ vậy, nghề biển Hội An vẫn giữ vững sản xuất, sản lượng khai thác thủy sản năm 2018 vừa qua đạt 12.569 tấn. Giá trị sản xuất toàn ngành (kể cả nuôi trồng thủy sản) đạt trên 792 tỷ đồng.
Gần đây nghề nuôi cá lồng bè ven sông phát triển nhiều– Ảnh: Đỗ Huấn
Nghề nuôi trồng thủy sản cũng có sự chuyển biến đáng kể về công tác đầu tư thâm canh và trở thành hướng đa nghề “chân biển, chân sông” của một bộ phận ngư dân trong những năm gần đây chứ không chỉ của các hộ gia đình ở vùng “cửa sông ven biển”. Toàn thành phố đã thành lập được 15 tổ nuôi tôm cộng đồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thành phố trong năm qua cũng đạt gần 340 tấn, chủ yếu là nuôi tôm. Việc thử nghiệm các đối tượng nuôi mới cũng được chú trọng và bước đầu cho kết quả khả quan. Đáng chú ý là các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, cá dìa, cá điêu hồng, cá đối. Đặc biệt, việc áp dụng chuyển đổi đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nuôi, mô hình nuôi cá đối trong ao nước lợ cũng cho năng suất cao.
Là một ngành kinh tế “chim trời cá nước”, mang tính truyền thống “cha truyền con nối” có đặc điểm phức tạp trong quá trình sản xuất nên hiện tại nghề khai thác thủy sản ở Hội An đang gặp khó khăn do thiếu hụt lao động và tình trạng cửa biển bị bồi lấp chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, sản xuất nghề biển chưa thực sự ổn định.
Năm nay, chính quyền thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo tốt việc khai thác và nuôi trồng thủy sản, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nghề và kiêm nghề khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ động tổ chức sản xuất, chú trọng đánh bắt sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Trong nuôi trồng thủy sản, chú trọng phát triển các mô hình theo hướng cộng đồng, đảm bảo môi trường sinh thái, quản lý tốt môi trường thủy vực, chất lượng con giống… Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định, cần tiếp tục tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng khai thác và nuôi trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ứng dụng công nghệ mới trong đóng tàu, khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy hải sản… Tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường và nghề đánh bắt, kết hợp tốt giữa khai thác và tái tạo để bảo vệ nguồn lợi đi đôi với bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo. Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển. Tiếp tục vận động thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển, tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển của nhà nước trên lĩnh vực thủy sản”.
Với mong ước cầu cho “mưa thuận gió hòa”, “trời yên biển lặng”, những ngày hạ tuần tháng 2 năm Kỷ Hợi vừa qua, bà con các vạn chài, làng biển Hội An đã tổ chức trang trọng nghi lễ cầu ngư truyền thống, phát động ra quân đánh bắt vụ cá nam đầy quyết tâm, đồng thời chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá và cũng là ngày truyền thống của ngành thủy sản Việt Nam (1.4.1959 – 2019). Tất cả mọi người thỉnh nguyện có được những vụ cá đầy khoang, cuộc sống no ấm và bình an.
Đỗ Huấn