Nhịp sống mới ở làng nghề Cẩm Kim

Hoạt động du lịch cộng đồng được đẩy mạnh tại xã Cẩm Kim đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các nghề truyền thống. Làng quê, làng nghề truyền thống Cẩm Kim cũng rộn ràng hơn với nhịp sống mới.

Chị Phạm Thị Công và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi cói

Thời gian gần đây, ngôi nhà nhỏ của chị Phạm Thị Công ở thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim thường đón các nhóm khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nghề dệt chiếu cói. Du khách khá thích thú khi tự mình trải nghiệm công đoạn dệt chiếu cũng như tìm hiểu về các sản phẩm được làm từ sợi cói.

Là thành viên tổ hợp tác du lịch cộng đồng Kim Bồng, Phạm Thị Công còn là hướng dẫn viên đưa khách đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và các nghề truyền thống ở Cẩm Kim.  

“Có thể nói du lịch đã góp phần phát huy những nghề truyền thống ở Cẩm Kim, trong đó có nghề dệt chiếu ở gia đình mình. Từ đó mình cũng đã phát triển thêm các sản phẩm thủ công làm từ sợi cói là những chiếc túi xách. Mình rất tự hào khi  được giới thiệu đến du khách những giá trị  đặc sắc của Cẩm Kim nơi mình sinh ra và lớn lên”, chị Phạm Thị Công bày tỏ.

Mô hình du lịch học tập cộng đồng tại xã Cẩm Kim được phát động thực hiện từ tháng 8 năm 2023 dựa trên bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, trong đó có các nghề truyền thống, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đến nay, du lịch cộng đồng đã mang đến nhịp sống mới tại làng quê, làng nghề Cẩm Kim.  

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Kim Bồng được thành lập gắn kết người dân Cẩm Kim cùng học tập, thảo luận, đề xuất, xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách.  Nhiều ngành nghề cũng được chuyển đổi để phù hợp với mục tiêu mà mô hình hướng tới. Đến nay, tại Cẩm Kim đã hình thành tour tham quan gồm hơn 15 điểm, gắn với các nhóm ngành nghề như mộc, nông – ngư nghiệp và các nghề truyền thống khác.

“Trong tour du lịch cộng đồng Cẩm Kim, du khách được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các nghề truyền thống ở Cẩm Kim để hiểu hơn về các giá trị và trở thành những người quảng bá cho làng nghề. Ở đây, chính người dân Cẩm Kim sẽ kể cho du khách cầu chuyện về làng quê, làng nghề của mình”, nghệ nhân Huỳnh Sướng– làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim nói.

Du khách trải nghiệm nghề truyền thống cùng người dân Cẩm Kim

Mới đây, trong không khí của mùa xuân Giáp Thìn, sáng 12 tháng giêng âm lịch, người dân và du khách háo hức tham gia Ngày hội làng nghề truyền thống Kim Bồng. Tại không gian ngày hội, những nghề truyền thống ở Cẩm Kim như mộc, đóng ghe, dệt chiếu, đan thúng, tráng mì và các nghề ngư nghiệp được chính những người làm nghề tại đây trình diễn phục vụ du khách tham quan.

“Ngày hội  được tổ chức nhằm góp phần giới thiệu đến du khách các giá trị nghề truyền thống ở Cẩm Kim, thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển. Chúng tôi cũng mong muốn đưa ngày hội trở thành hoạt động đặc trưng, định kỳ của thành phố  trong thời gian tới”, bà Đỗ Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim nói.

Hiện nay, tại Cẩm Kim nhiều dự án phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống, trong đó có nghề mộc Kim Bồng đang được triển khai thực hiện. TP.Hội An cũng chú trọng kết nối các dự án này để phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, việc Hội An đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian cũng sẽ mở ra cơ hội cho việc bảo tồn và phát huy mạnh mẽ hơn nữa các nghề truyền thống ở Cẩm Kim.

PHAN SƠN