Sau Tết nguyên đán hằng năm, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch người dân làng rau Trà Quế long trọng tổ chức Lễ hội cầu bông, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để mọi nhà ăn nên làm ra. Lễ hội cũng là dịp để mọi người truyền dạy, bảo ban lớp cháu con biết giữ gìn, trân quý công lao, phước đức của tổ tiên, ông bà để lại về nghề trồng rau truyền thống nơi vùng cát thanh cảnh, hữu tình này…
Vùng cát làng rau này tuy không xa lắm nhưng dường như nằm cách biệt với vùng nội ô thành phố. Đất Trà Quế không rộng, người không đông. Khu dân cư này được bao bọc bởi đoạn cuối con sông Đế Võng, có đầm Trong và đầm Ngoài là 2 nguồn dự trữ nước cần thiết cho người trồng rau vào mùa nắng nóng. Người dân Trà Quế vẫn thường bảo rằng: “Cát trắng và nước ngầm đã nuôi sống chúng tôi!” bởi rau thì trồng trên cát và luôn phải cần nước tưới. Tưới cho rau cũng lắm công phu. Khi tưới phải rây đều đặn, nhịp nhàng, vừa phải. Nhẹ tay, yếu nước thì không đủ thấm nuôi rau. Mạnh tay, nặng nước thì cát xói, gốc trốc, ngọn hư… Và thế là trở thành “công cốc”!
Ai về Trà Quế thì về
Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh
Buổi mai đi bán củ hành
Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm
Cát trắng có thể làm cho rau Trà Quế tinh khiết, đậm hương nhưng nguồn phân bón mới làm nên mùi thơm riêng biệt, đặc sắc. Rau Trà Quế hoàn toàn không sử dụng phân hóa học và hạn hữu lắm mới dùng thuốc trừ sâu. Sản xuất theo hướng hữu cơ, người dân Trà Quế chỉ dùng rong các loại và phân chuồng để bón cho rau. Các loại rong này có mức phân hủy cao và nhanh, giúp đất tơi xốp, dùng để làm bổi bón lót cho rau, được vớt trên sông Đế Võng hoặc vùng cuối hạ lưu sông Thu Bồn. Những năm gần đây, mặc dù đã phát triển mạnh nghề chăn nuôi nhưng nguồn phân tại chỗ chẳng thấm tháp vào đâu. Người trồng rau Trà Quế cho biết, vì nhu cầu phân bón rất lớn nên họ phải lặn lội tìm mua thêm phân chuồng tận những nơi xa như: Duy Vinh, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Điện Dương, Điện Nam (thị xã Điện Bàn)…
Nhờ vậy rau Trà Quế luôn có hương thơm rất đặc trưng. Ăn rau Trà Quế rất dễ nhận ra vị đắng của rau đắng, vị cay nồng của hành hương, hành ca – rô, vị cay the của rau răm, rau quế, vị ngọt của giá đậu các loại… Thật thú vị và ngon miệng biết bao khi trong bữa ăn hằng ngày của gia đình, nhất là trong ba ngày tết có được dĩa rau sống tươi xanh, sạch mát và thơm ngon mang về từ làng rau Trà Quế. Và thử hình dung, nếu trong những tô Cao lầu, mì Quảng, phở… những món ăn quen thuộc của người Hội An, những món đặc sản ở phố cổ mà không có những cọng quế thơm, giá trắng, xà lách, hành hương… thì còn gì là hương vị quê nhà.
Hiện nay, mỗi ngày người dân làng rau Trà Quế cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm mi-ni ở Đà Nẵng, Quảng Nam và cũng bán ra thị trường tự do, phục vụ tiêu dùng khoảng 4 – 5 tấn rau các loại. Ổn định được giá cả, thu nhập từ nghề trồng rau đã góp phần cải thiện tích cực đời sống người dân ở đây, đồng thời càng thúc đẩy du lịch phát triển. Ông Mai Nhỏ – người trồng rau ở Trà Quế cho rằng, nhờ có sự quan tâm đầu tư của nhà nước, kết hợp phát triển sản xuất rau và dịch vụ du lịch mà đời sống nhân dân ở làng rau đã đổi thay tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến Trà Quế trong ngày Lễ hội cầu bông hoặc những dịp hội hè, giỗ tế của cư dân trong làng, chúng ta càng có dịp cảm nhận được ân tình sâu nặng của những người gắn cả cuộc đời với nghề trồng rau “gánh nước 2 gàu chai vai”. Đến như món ăn có tên “Tôm hữu” cũng chứa chan ân tình ấy.Tôm hữu hay còn có tên gọi là “Tam hữu” có nghĩa là ba người bạn gồm: con tôm ở dưới nước, thịt ba chỉ là thành phẩm của vật nuôi trên bờ, rau là sản vật bao đời làm nên tên tuổi của làng. Phải chăng đó là nghĩa tình chan chứa với đất đai, sông nước, vườn rau gắn bó bao đời với dân làng…
Cuộc sống chân chất, mộc mạc và hiếu khách của người dân ở làng nghề truyền thống đặc sắc này cùng với khung cảnh thiên nhiên xanh mát, hữu tình là những điều khiến cho du khách, nhất là khách đến các nước công nghiệp phát triển cảm thấy yêu thích, khoái chí. Trong hành trình tham quan, khám phá di sản văn hóa thế giới Hội An, nhiều du khách trong và ngoài nước đã chọn làng rau Trà Quế là một điểm đến không thể thiếu được để thưởng lãm và trải nghiệm. Tờ nhật báo Le Figaro nổi tiếng và lâu đời của Pháp đã từng bình chọn làng rau Trà Quế là 1 trong 10 điểm không thể bỏ qua nếu du lịch tới Việt Nam và hiện tại nơi đây vẫn là điểm du lịch đầy hấp lực đối với du khách gần xa…
Du lịch cộng đồng ở làng nghề từ đó đã phát triển mạnh trong những năm qua. Lượng khách đến tham quan làng rau tăng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân và địa phương. Bộ mặt làng rau Trà Quế nay đã đổi thay nhiều. Đường làng đã được bê tông hóa, đường nội bộ các vườn rau được lát gạch tinh tươm, sạch đẹp, Nhà cửa, vườn tược được chỉnh trang vuông vức, ngay hàng thẳng lối… Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong định hướng phát triển du lịch của Hội An những năm tới, làng rau Trà Quế được xác định là trọng điểm phát triển du lịch làng nghề, sinh thái và cộng đồng nên được tập trung đầu tư và từng bước nâng tầm chuyên nghiệp trong quản lý, khai thác, tạo uy tín cao về thương hiệu.
UBND thành phố Hội An cũng đã có chủ trương chỉ đạo nghiên cứu phương án bảo tồn giống rau và kỹ thuật trồng trọt để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy phát triển nghề trồng rau tại làng Trà Quế, giữ vững thương hiệu trên thị trường, đồng thời tiếp tục nâng cấp mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rau VietGap tại đây để ổn định bền vững, lâu dài.
Đỗ Huấn