Nâng tầm giá trị đồng lúa Hội An

Theo thống kê của ngành chủ quản, hiện Hội An có trên 50 ha đồng ruộng không sản xuất. Nguyên nhân thì nhiều, đã được các cơ quan chức năng gặp gỡ trao đổi cùng bà con để cùng nhau sớm phục hồi giữa “tình người- cây và đất“. 

Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam, trở thành tên gọi cho một nền văn minh lúa nước. Cây lúa tại Hội An không chỉ mang lại sự no đủ của bà con trồng lúa mà còn trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa và tinh thần vùng nông thôn, mảng màu không thể thiếu trong bức tranh của du lịch sinh thái.

Cây lúa gần gũi với người nông dân cũng như bờ tre, khóm chuối, thấm đẫm tình người và hồn quê, trải qua nắng mưa càng nồng nàn hòa quyện thân thương.

Nông nghiệp Hội An chiếm tỷ trọng không nhiều trong kinh tế của toàn thành phố nhưng nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khẳng định về điều này bà Nguyễn Thị Vân (Trưởng phòng kinh tế Hội An) cho chúng tôi biết, diện tích lúa của Hội An là không nhiều, không mang ý nghĩa lớn về lương thực đối với Hội An nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nó tạo cảnh quan, là lá phổi xanh cho thành phố. Nhưng trực trạng hiện nay đồng lúa Hội An thu hẹp dần do nông dân không sản xuất. Năm 2017 thành phố đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho bà nông dân khắc phục tình trạng bỏ ruộng và giảm chi phí sản xuất, giữ ruộng sản xuất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Một góc không gian ruộng lúa ở Cẩm Kim- Ảnh: Hoàng Ngân

Ngày nay du khách đến Hội An, ngoài chiêm ngưỡng nét cổ kính rêu phong của phố, nhiều người còn dành thời gian tham thú ruộng đồng làng quê.

Thực tế ngoại thành Hội An thu hút du khách ngày càng nhiều chính nhờ những đồng ruộng xanh tươi ấy.

Hơn mười năm qua , Trần Văn Khoa xuất thân từ con nông dân làm biển, sớm bước chân vào làm kinh tế du lịch, hiểu được thị hiếu du khách phương Tây, muốn khám phá trải nghiệm nét dân dã yên bình nơi đồng quê, Khoa đã “bắt cầu”  kết nối bà con nông dân với khách Tây ngay trên đồng ruộng sinh thái cùng thao tác các phương thức sản xuất của nông dân Cẩm Thanh Hội An, góp phần đưa thu nhập của bà con nông dân cao gấp 10 lần so với sản xuất lúa đơn thuần.

Năm 2016, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp tại Cẩm Châu cũng đồng hành cùng bà con làng An mỹ mở tour du lịch một ngày làm nông dân cũng đang khởi sắc. Hay mới đây từ không gian đồng quê thanh bình, phông nền chính là thảm lúa xanh kết hợp với rơm rạ và những sản phẩm làm ra của bà con nông dân, doanh nghiệp trẻ Trần Xuân Thanh đã tạo ra sản phẩm du lịch chợ đồng quê mới lạ, giá đắt đỏ, nhưng thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều du khách.   

Gìn giữ, phủ xanh ruộng đồng nhằm nâng giá trị từng cảnh quan thiên nhiên vùng quê sinh thái để cuốn hút thêm khách cũng chính là nâng cao thêm chất lượng cuộc sống bà con vùng nông thôn.

Với mục đích ý nghĩa trên Hội Đồng Nhân Dân Thành phố đã ra Nghị quyết giải đúng bài toán “ nâng tầm giá trị đồng lúa Hội An“. Theo đó, những quyết sách đầu tư kinh phí cải tạo ruộng đồng và hỗ trợ cho bà con trực tiếp trồng lúa sẽ thực thi trong năm nay.

Sâu sát thực địa, bí thư thành ủy Hội An Kiều Cư chỉ đạo Chính quyền và ngành chức năng của thành phố tập trung triển khai phương  án cải tạo đồng ruộng kém chất lượng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp, tôn tạo không gian xanh yên bình, nhất là trên trục đường cửa ngõ vào Hội An đoạn từ Trà Quế đến đường Hai Bà Trưng.  

Với sự chỉ đạo cụ thể và quyết nghị trên đi cùng chính sách hỗ trợ và cần có hợp lực của chính bà con cho nông dân Hội An, chắc rằng, ruộng đồng Hội An sẽ sớm được phủ đầy mảng xanh tươi, cuốn hút, cảm kích đông đảo du khách đến trải nghiệm nền văn minh lúa nước, “một biểu tượng của các nước ASIAN thu nhỏ tại Hội An”. Và như thế đồng lúa Hội An sẽ được nâng tầm giá trị cao hơn.

Hoàng Ngân