Hội An: Ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp

Nhiều ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp tại Hội An.

15 năm qua, nông dân Hội An ai cũng biết đến ông Bùi Quang Trung ở phường Cẩm Phô, một người từ hai bàn tay trắng nhưng đã vượt khó kinh doanh trên cả 2 lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thương mại dịch vụ du lịch và trồng hoa cây cảnh. Nhiều người còn thán phục về “ý chí tiến công”, tinh thần ham học hỏi cũng như niềm đam mê lao động của người lính phục viên này.

Vừa có cơ sở sản xuất ở khối phố An Phong – phường Tân An, thu hút hàng trăm lao động làm nghề in, thêu thủ công trên các loại áo thun, áo quần vải tơ lụa, khăn trải bàn, khay, ga trải giường, gối ngủ..v.v…, vườn hoa cây cảnh của ông với quy mô cả chục nghìn mét vuông tại thôn Bàu Ốc Hạ, xã Cẩm Hà cũng đang là nơi mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh nhiều loại hoa cây cảnh, ông Bùi Quang Trung đã thí nghiệm và trồng thành công nhiều giống cây mới như Hoa Lyly Hà Lan, Cam Đường Canh trong chậu .v..v.. Cơ sở trồng hoa cây cảnh này là nơi mà Hội Nông dân thành phố thường chọn để báo cáo và phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật trồng hoa cây cảnh cho nông dân Hội An.

Ông Bùi Quang Trung chia sẻ: “Nghề nghiệp đòi hỏi ông phải luôn học hỏi, lắng nghe để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Bản thân không chủ quan, thỏa mãn với những gì đạt được nên luôn tích cực tham khảo, nghiên cứu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng để định hướng kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh sao cho hợp lý đối với từng chủng loại hàng hóa cũng như các loại hoa cây cảnh theo thời vụ. Cùng với đó, việc ứng dụng KH&CN, cải tiến kỹ thuật sản xuất phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể là để tăng hiệu quả trong việc trồng cây quật cảnh, tôi đã tìm tòi và ứng dụng giá thể, tạo môi trường rắn cho rễ cây sinh trưởng mà không phải là đất”.

Đó là một trong hàng chục nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ cho sự phát triển trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Hội An. Theo Phòng Kinh tế, chỉ trong 5 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp đã thực hiện 35 đề tài, dự án, mô hình trong trồng trọt và chăn nuôi với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Nhiều giống hoa mới du nhập mang lại hiệu quả cho người sản xuất- Ảnh: Quốc Hải

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất cây trồng, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, công tác cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được đầu tư. Việc khảo nghiệm và chọn lọc các giống lúa mới thích nghi với đồng đất địa phương thường xuyên được tiến hành, nâng năng suất lúa đạt 65-70 tạ/ha; cùng với đó, công tác du nhập và thử nghiệm các loại cây ăn quả, hoa cây cảnh có giá trị cao cũng được chú trọng.

Nổi bật có thể kể đến các dự án, mô hình “Trình diễn lúa lai Quốc Hương 05, giống lúa CLC Qnam1 và giống lúa lai CT16”, “Trồng hoa Vạn lý trường thành tại Cẩm Hà và Cẩm Châu”, “Cam đường canh”; “3 giảm – 3 tăng kết hợp sạ hàng”, “Nghiên cứu khả năng thích nghi của một số giống hoa Lily”, “Chuyển đổi cây trồng trên chân đất khô hạn vụ Hè Thu ở Cẩm Kim đối với cây lúa và bắp”.

Hay như  các mô hình “Phục hồi cây cói địa phương Cẩm Kim và giống cói mới”, “Phân hủy rơm rạ, bẹ dừa, bèo lục bình bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón vi sinh”, “Sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm giá thể cho cây quật”, “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh tại Cù Lao Chàm”; “Trồng lan Mokara cắt cành trong nhà lưới”; “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông, thôn Võng Nhi xã Cẩm Thanh, khối An Mỹ phường Cẩm Châu”,…

Hội thảo đầu bờ ứng dụng mô hình sản xuất IPM tại Cẩm Kim- Ảnh: Quốc Hải

Kỹ sư Võ Quảng Lâm – Phòng Kinh tế thành phố cho biết, một số mô hình trong chăn nuôi cũng đã được thực hiện có hiệu quả như mô hình “Ủ chua cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò”, “Nuôi gà Ai Cập”, “Nuôi Nhông thương phẩm”, “Nuôi thỏ”, “Nuôi heo rừng tại Cù Lao Chàm”; “Nuôi nhím”, “Nuôi gà an toàn sinh học”;…, Điển hình trong công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như ông Bùi Quang Trung, nông dân sản xuất hoa cây cảnh phường Cẩm Phô hay như ông Nguyễn Đạt, nông dân phường Cẩm Châu,…

Tuy vậy, việc nhân rộng kết quả nghiên cứu của một số đề tài, mô hình trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua vẫn còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân như khó tìm thị trường tiêu thụ, nguồn vốn đầu tư lớn, thói quen tập quán sản xuất, người dân không đủ khả năng tự đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, ảnh hưởng của thiên tai, giá nguyên vật liệu cao.

Chính vì vậy, trong nhiệm vụ KH&CN của thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2020, bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ Hội An cho biết: “Tiếp tục ứng dụng KH&CN, thành phố đã giao cho các ngành chức năng theo dõi, chọn lọc các giống mới, trên cơ sở đó phổ biến những giống đã thích nghi và được thị trường chấp nhận cho nông dân. Cùng với việc nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi ở một số địa phương, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi cũng đang được xây dựng”.

Tin rằng, cùng với việc tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, cơ giới hóa sản xuất, công tác ứng dụng KH&CN, tiến bộ kỹ thuật sẽ góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp của thành phố theo hướng bền vững./.

Quốc Hải