Lớp hát bội dành cho thiếu nhi ở Hội An: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

Chỉ mới học hơn 30 buổi nhưng các em thiếu nhi của lớp truyền vai nghệ thuật hát bội (hay còn gọi là hát tuồng do Trung tâm VHTT mở từ sự tài trợ của quỹ Hoàng Châu Ký) đã có thể biểu diễn cơ bản thuần thục một số trích đoạn. Thành quả ban đầu đó không chỉ thể hiện sự nỗ lực của thầy và trò của lớp học mà còn góp phần khơi dậy niềm đam mê để các em tiếp tục đến với môn nghệ thuật truyền thống này.

Được khai giảng từ tháng 7 năm 2016, với lịch học mỗi tuần một buổi vào tối cuối tuần, hơn nửa năm nay, lớp truyền vai hát bội cho thiếu nhi đã trở thành điểm hẹn của các bạn nhỏ có niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật hát bội.

Từ sự hướng dẫn, truyền vai của hai vợ chồng diễn viên Lê Phú Hải và Hồ Thị Hoa, trong hơn 30 buổi học, các em được tìm hiểu những điều cơ bản của nghệ thuật hát bội (tức là giáo tuồng) và được luyện tập, uốn nắn từng động tác vũ điệu, làn điệu. Trải qua các bài tập từ đơn giản đến khó, như màn múa kiếm, trích đoạn “Kim Liên tiễn mẹ” và đặc biệt là vở “Hạ Sơn”, các em đã có cơ hội nhập vai, diễn xuất hát bội, dù rằng thời gian chưa đủ để các em có cung cách thể hiện vũ đạo đẹp mắt và hát tròn vành rõ chữ như các diễn viên gạo cội.

Các em vào vai biểu diễn hát bội- Ảnh: Lê Hiền

Trong buổi biểu diễn báo cáo sơ kết giai đoạn đầu của lớp học mới đây, các em thiếu nhi rất háo hức vì lần đầu tiên được đứng trên sân khấu, được hóa trang thành các nhân vật mà bấy lâu các em đã tập luyện, vào vai. Tham gia học từ ngày đầu tiên, nay được biểu diễn cho mọi người xem, em Nguyễn Thị Phương Dung, ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà, hiện là học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Trãi chia sẻ: “Trước đây, đến với môn nghệ thuật hát bội này nhờ có cô Hoa ở gần nhà, nói cho con biết để đi học. Con cũng tò mò vì xem cô Hoa biểu diễn rất là hay, rồi con muốn được thử sức mình nên đi học xem sao. Từ một người chưa biết gì về hát bội, đến nay con đã biết được một số làn điệu cơ bản bộ môn này và tuy là bây giờ con vẫn thấy mình chưa thật xuất sắc lắm nhưng con rất là thích. Bởi vì con được hóa trang và được đứng trên sân khấu biểu diễn cho mọi người, được thể hiện mình như thế này thì con rất là vui. Sau này con muốn được gắn bó với môn nghệ thuật này để mãi được đi diễn như các cô các chú. Con nghĩ, biết đâu, đây lại là sự lựa chọn đúng đắn của con, vì năm nay con đã học lớp 12 rồi. Sự lựa chọn đi theo nghề diễn để được thể hiện năng khiếu của mình, được diễn lâu dài cho thành phố, điều đó cũng là một cái hay nên con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.”

Niềm vui khi được biểu diễn là vậy nhưng quá trình học hát bội đối với các em không phải là chuyện dễ. Bởi hát bội là một môn nghệ truyền thống rất khó học. Ngoài đòi hỏi năng khiếu ca hát, diễn xướng luyến láy, nhấn nhá, môn học này còn cần sự kiên trì và cảm xúc đặc biệt, diễn viên mới có thể cảm thụ và nhập tâm vào nhật vật, thể hiện được đặc điểm, thần thái, tâm trạng của “người trong cuộc”. Em Nguyễn Văn Vũ, ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà bộc bạch rằng, ban đầu, khi mới vào tập, là một học sinh nam, ít khi hát múa; tay chân cứng cáp nên em rất khó luyện các động tác và làn điệu trong các vở diễn như các bạn nữ. Nhưng rồi, với sự hướng dẫn, uốn nắn tận tình, tỉ mỉ của diễn viên Lê Phú Hải và Hồ Thị Hoa, em và các bạn nam trong lớp đã vượt qua những khó khăn ban đầu, nhập vai, có nhiều tiến bộ. Với sự ủng hộ từ phía gia đình và sự hỗ trợ đắc lực trong việc đi lại, hướng dẫn của các diễn viên, dù việc học tập ở trường khá “bận bịu” nhưng cuối tuần nào em Vũ cũng dành thời gian đến lớp học, với hy vọng biểu diễn thành công các vở diễn.

Lớp truyền vai hát bội cho thiếu nhi Hội An- Ảnh: Lê Hiền

Tuy nhiên, trong số 14 em đăng ký học ban đầu cũng đã có nhiều em vì những lý do khách quan khác nhau hoặc không vượt qua được “cái khó” trong học hát bội nên đã tạm nghỉ. Thêm vào đó, theo diễn viên Lê Phú Hải, trải qua quá trình tập luyện, tự bản thân môn học cũng chỉ có thể “dung nạp”, duy trì những em có năng khiếu thực thụ, có chất giọng phù hợp. Vì vậy, đến nay, dù chỉ còn 6 em nhưng đó là những em có khả năng cảm thụ và biểu diễn tốt, có thể tiếp tục học tập để trở thành những người kế tiếp nghiệp diễn trong tương lai. Dự định của các diễn viên là sẽ luyện tập cho các em thành thục và sau đó đề xuất Trung tâm VHTT đưa các em tham gia diễn tại sân khấu hát bội tối thứ 6 hàng tuần trong khu phố cổ, từ đó giúp các em ngày càng tiến bộ, trưởng thành trong môn học, sau này có được một đội hát tuồng cho Hội An. Đánh giá quá trình học tập của các em, diễn viên Lê Phú Hải nói: “Các cháu đến nay có rất nhiều tiến bộ. Dự kiến của giảng viên truyền vai chúng tôi là các em loại giỏi đạt 30%, khá 20%, còn lại là trung bình yếu. Như vậy là sự cố gắng rất lớn. Vì cái môn hát bội khó học lắm, đó là một cái đặc thù. Có khoảng 70% các cháu ham học, chỉ có một vài cháu tiếp thu không nổi hoặc hơi lười thôi. Dự kiến của chúng tôi là Trung tâm sẽ làm việc với các xã phường, chọn lọc được khoảng 20 em để mà đào tạo. Vì quá trình đào tạo có kế thừa nhưng cũng có đào thải. Môn học này chỉ dung nạp được những em có khả năng tiến bộ, đam mê nghệ thuật”

Theo ông Trần Đình Châu, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT TP, với mong muốn bảo tồn gìn giữ, khôi phục nghệ thuật hát bội và hình thành một đội hát bội thiếu nhi ở Hội An, lớp truyền vai hát bội sẽ tiếp tục được duy trì. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, lớp truyền vai sẽ phát hiện và bồi đắp, nhen nhóm, khơi gợi niềm đam mê và năng khiếu để các em trở thành những diễn viên hát bội của thành phố Hội An trong tương lai. “Mai này, khi các em học tập thành công, Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của thành phố sẽ có thêm một thế hệ diễn viên hát bội mới, tiếp nối nghề nghiệp của các diễn viên cao tuổi, giữ gìn bộ môn nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền của dân tộc Việt Nam. Bởi giữ được môn nghệ thuật này là giữ một giá trị văn hóa vô cùng to lớn, cao quý của đất nước.Và riêng đối với quê hương Hội An, nơi mà một thời nghệ thuật hát bội từng “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống cộng đồng, việc duy trì lớp học này còn có ý nghĩa rất lớn. Điều đó không chỉ làm thức dậy bộ môn hát bội từng “vang bóng một thời” mà còn làm phong phú thêm các giá trị văn hóa phi vật thể cho đô thị cổ – Di sản Văn hóa thế giới và tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo cho thành phố Hội An” – Ông Trần Đình Châu nói.

Lê Hiền