Hội An phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thời gian qua, TP.Hội An chú trọng phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ với nhiều mô hình, dự án được triển khai.

Nông dân HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông duy trì quy trình sản xuất hữu cơ

Năm 2014, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông được hình thành từ việc triển khai dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An” với diện tích hơn 6.000. Sau thời gian đầu triển khai và bắt đầu mang lại hiệu quả, diện tích sản xuất rau hữu cơ  tại Thanh Đông được tiếp tục mở rộng lên hơn 12.000m2 và duy trì cho đến nay.

Cạnh đó, từ tổ hợp tác ban đầu, đến tháng 11/2019, HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông được thành lập. Bên cạnh rau củ quả hữu cơ, trong hai năm trở lại đây, HTX còn tham gia dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ lúa theo quy trình canh tác hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.  

“Hơn 10 năm qua bà con vẫn luôn duy trì với quy trình canh tác hữu cơ. Sản phẩm của hợp tác xã làm ra được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn cũng là động lực để bà con nông dân chúng tôi tiếp tục sản xuất”, ông Lê Nhương – Giám đốc HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông nói.

Trao chứng nhận hữu cơ PGS cho vườn rau Kim Hà

Thời gian qua, tại TP.Hội An, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai, nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Trong đó, phường Cẩm Châu có mô hình trồng thử nghiệm lúa hữu cơ, sản xuất rau hữu cơ tại khối An Mỹ. Tại xã Cẩm Hà, địa phương đã bước đầu đã triển khai một số mô hình sản xuất quật hữu cơ, đồng thời dự án liên kết theo chuỗi giá trị, trồng quật theo quy trình sạch để chế biến các loại thực phẩm uống cũng đã mang lại thành công.

Trong khi đó, xã Cẩm Kim là địa phương có nhiều mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ được triển khai trong thời gian qua. Có thể kể đến vườn rau hữu cơ Kim Hà  được chứng nhận hữu cơ PGS trong năm 2024, mô hình trồng chuối lùn Nam Mỹ, sản xuất lúa hữu cơ. Mới đây nhất, dự án “Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm cây gia vị có tính dược liệu tại xã Cẩm Kim” theo hướng hữu cơ với quy mô thực hiện 8.336m2 đã được UBND TP.Hội An phê duyệt thực hiện.

Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, TP.Hội An, địa phương rất quan tâm đến việc triển khai các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Qua đó, vừa phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng đồng thời giúp giữ cảnh quan, môi trường  làng quê sinh thái. UBND xã đã phân công cán bộ phụ trách theo từng dự án, luôn sâu sát, gần gũi với nông dân.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng được TP.Hội An chú trọng triển khai. Bên cạnh hỗ trợ vốn theo các chương trình, dự án, các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sự phát triển nông nghiệp hữu cơ tại TP.Hội An đã thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ của nông dân trên địa bàn TP.Hội An đã trở thành điểm tham quan, du lịch học tập cộng đồng của du khách, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, qua đó tạo thu nhập tăng thêm cho nông dân, giúp nông dân thêm gắn bó với nông nghiệp hữu cơ.

“Phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, canh tác sạch để bảo vệ sức khỏe con người sẽ phải ngày càng được nhân rộng và phát triển”, ông  Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

PHAN SƠN