Vụ đông xuân 2024 – 2025, nông dân trên địa bàn Hội An gieo sạ hơn 370 hecta lúa. Đến nay, cây lúa đại trà đang giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái, làm đòng, đây là thời điểm xung yếu quyết định năng suất cây lúa ở cuối vụ. Nhìn chung, các trà lúa sinh trưởng phát triển tương đối tốt.

Tuy nhiên, hiện tại trên đồng ruộng đang có một số sinh vật gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn…
Theo Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, sáng sớm sương mù, lạnh về đêm như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh trên lúa đông xuân trong thời gian đến.
Để bảo vệ an toàn sản xuất, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố hướng dẫn bà con nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp.
Đối với bệnh đạo ôn lá và cổ lá, nhà nông cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những ruộng bón thừa đạm, ruộng gieo sạ giống nhiễm để kịp thời phát hiện bệnh.
Khi có tỷ lệ bệnh từ 3-5% số lá bị bệnh, cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm dừng bón thúc đạm và tiến hành dùng thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole,… (Fuji-One 40 EC, 40WP; Beam 75 WP; Filia 525 SE; Flash 75 WP,…) để phun trừ.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, tăng cường kiểm tra đồng ruộng trong giai đoạn lúa đòng – trổ để kịp thời phát hiện bệnh, nhất là những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá.
Cần chú ý, với các giống như BC15, Thiên ưu 8, Dibarice 13/2, TBR 225, VN121,… trước khi trổ 5 – 7 ngày, dùng các loại thuốc đặc hiệu như đối với bệnh đạo ôn lá đã nêu trên để phòng bệnh. Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ từ 5-7 ngày. Tốt nhất là phun khi lúa bắt đầu trổ lác đác.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, ngành liên quan và chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại, phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các “ổ rầy” cục bộ.
Khi phát hiện rầy có mật độ trung bình từ 2 – 3con/dảnh lúa (khoảng 1.000 – 2.000 con/m2) thì dùng các loại thuốc có hoạt chất Imidacloprid, Pymetrozine… (Map-Jono 700 WP, Chess 50WG…) để phun trừ. Khi phun trừ rầy cần phải khoanh vùng và phun kỹ các “ổ rầy” để diệt trừ triệt để, tránh lây lan; luôn giữ nước trong ruộng khi phun trừ rầy.
Còn đối với sâu cuốn lá nhỏ, nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1-3). Khi phát hiện sâu với mật độ từ 20 con/m2 trở lên thì tiến hành dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Chlorantraniliprole + Thiamethoxam, Emamectin benzoate…(Virtako 40WG, Angun 5 WG, Dylan 10WG…) để phun trừ ngay. Đối với bệnh khô vằn, nhà nông cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện bệnh chớm phát sinh gây hại cần xử lý một trong các loại thuốc có các hoạt chất Validamycin, Hexaconazole… (Validacin 5SL; Vanicide 5 SL, 5 WP; Validan 3SL, 5SP; Anvil 5SC…).
Khi phun cần rẽ lối đưa vòi phun vào gốc lúa, phun kỹ vào “ổ bệnh” và các dãy lúa gần bờ kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ; nếu ruộng bị bệnh nặng phải xử lý thuốc 2 lần, cách nhau 5-7 ngày. Ngoài ra, còn chú ý các đối tượng như: Bệnh đen lép hạt, bọ xít đen, sâu đục thân…
MỸ LỆ