Mặc dù gặp nhiều khó khăn và bất lợi nhưng nghề khai thác thủy hải sản ở Hội An vẫn giữ vững ổn định sản xuất, tạo chuyển biến mới trong ứng dụng mô hình sản xuất mới.
Những năm gần đây, sản xuất ngư nghiệp của ngư dân thành phố cũng không tránh khỏi những tác động bất lợi như ngư dân các tỉnh miền Trung. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh ven biển Bắc miền Trung đã làm ảnh hưởng nặng đến nghề khai thác hải sản của bà con ngư dân. Cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bão lũ thất thường đã gây thêm khó khăn cho ngư dân. Riêng trong năm 2017 vừa qua đã xuất hiện 16 cơn bão trên biển Đông (đến tháng cuối năm, cận tết nguyên đán vẫn còn bão), nhiều đợt áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Trên địa bàn thành phố còncó 3 đợt lũ xuất hiện gây thiệt hại nặng và ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng nhưsản xuất của ngư dân. Tình trạng sạt lở bờ biển, cửa biển Cửa Đại bị bối lấp, tàu thuyền ra vào không được làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân.
Tăng công suất tàu thuyền để đánh bắt khơi xa- Ảnh: Đỗ Huấn
Tuy vậy, bà con ngư dân vẫn không quản ngại khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức, giữ vững tinh thần và duy trì sản xuất, ổn định đời sống. Bà con phát huy tính tự quản, phát triển sản xuất theo hướng cộng đồng, thành lập 16 tổ đoàn kết khai thác thủy sản với hơn 220 phương tiện, trong đó có gần 10 chiếc tàu đăng ký đánh bắt ở vùng biển xa bờ. Công suất tàu thuyền ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện để ngư dân vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày, đánh bắt các loại hải sản xuất khẩu. Ông Trần Tuấn – ngư dân phường Cửa Đại cho biết, dù gặp khó khăn nhưng bà con ngư dân vẫn đoàn kết, kiên trì kiêm nghề đánh bắt nên hiệu quả sản xuất rất đáng mừng
Tuy chỉ là ngành kinh tế thứ yếu nhưng chính quyền thành phố luôn quan tâm đầu tư đúng mức cho ngành thủy sản. UBND thành phố đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho ngư dân nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, tăng cường bám biển dài ngày, phòng chống thiên tai trên biển như: hỗ trợ máy thu trực canh, hỗ trợ đánh bắt ở vùng biển xa, rồi hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ… với kinh phí vài ba tỷ đồng mỗi năm. Công tác đào tạo, tập huấn nghề cho ngư dân cũng được quan tâm, hoạt động dịch vụ nghề cá, hạ tầng các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được đầu tư nâng cấp và sửa chữa, đáp ứng yêu cầu của ngư dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu nghề và kiêm nghề khai thác có sự chuyển biến tích cực, nhiều tàu thuyền và nghề khai thác được cải tiến theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như nghề vây ngày, nghề lưới rê 3 lớp, nghề lưới quét, nghề giã đôi cao tốc, chụp mực… Nhờ vậy, trong thời điểm khó khăn nghề biển Hội An vẫn giữ vững sản xuất, Tổng sản lượng toàn ngành năm vừa qua đạt 13.174 tấn, giá trị sản xuất đạt 808 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2016.
Nghề nuôi trồng thủy sản cũng có sự chuyển biến đáng kể về công tác đầu tư thâm canh và đã trở thành hướng đa nghề “chân biển, chân sông” của một bộ phận ngư dân trong những năm gần đây chứ không chỉ của các hộ gia đình ở vùng “cửa sông ven biển”. Toàn thành phố hiện có khoảng 15 tổ nuôi tôm cộng đồng. Việc thử nghiệm các đối tượng nuôi mới cũng được chú trọng và bước đầu cho kết quả khả quan. Đáng chú ý là các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tu hài, tôm càng xanh, cua biển, cá dìa, cá điêu hồng, cá đối.
Ứng dụng nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản- Ảnh: Đỗ Huấn
Là một ngành kinh tế “chim trời cá nước”, mang tính truyền thống “cha truyền con nối” có đặc điểm phức tạp trong quá trình sản xuất nên lãnh đạo thành phố đã quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và tăng giá trị sản xuất. Với hơn 3,5 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau, những năm qua thành phố đã đầu tư triển khai thực hiện các mô hình, đề tài trong sản xuất như: ứng dụng nghề lưới rê đánh bắt cá chim vụ Đông tại Cẩm Nam, nuôi xen cá dìa và tôm sú với rong câu, nuôi cá rô phi đơn tính, cá đối, cua biển tại Cẩm Thanh và Cẩm Châu, đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản tại Cẩm Hà, nuôi tu hài tại Tân Hiệp, nuôi cá thác lác cườm tại Cẩm An, phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh thực hiện mô hình nuôi tôm áp dụng tiêu chí GapP tại Cẩm Hà và Cẩm Châu…
Trong 3 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng thời tiết bất lợi nên sau tết nguyên đán ngư dân mới ra khơi, đánh bắt nhưng sản lượng khai thác cũng bằng xấp xỉ 90% so với cùng kỳ năm trước với gần 2220 tấn hải sản các loại, trong đó có 770 tấn hải sản có khả năng xuất khẩu. Sản lượng nuôi trồng đạt 17,5 tấn (chủ yếu là cá nuôi). Đời sống ngư dân cơ bản đảm bảo và ổn định.
Tiếp tục đẩy mạnh đánh bắt và nuôi trồng để đạt mục tiêu kế hoạch sản xuất thủy sản cả năm, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định yêu cầu: tiếp tục tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng khai thác và nuôi trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ứng dụng công nghệ mới trong đóng tàu, khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản…Tăng cường bám biển, mở rộng ngư trường và nghề đánh bắt, kết hợp tốt giữa khai thác và tái tạo bảo vệ nguồn lợi đi đôi với bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo. Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển. Tiếp tục vận động thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển, tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển của nhà nước trên lĩnh vực thủy sản…
Năm nay, toàn thành phố phấn đấu đạt sản lượng khai thác 13.600 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 262 tấn. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 782 tỷ đồng.
Đỗ Huấn