Hội An chú trọng đào tạo nghề cho nông dân

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tại TP.Hội An phối hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố và tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Triển khai lớp đào tạo theo mô hình nhóm thảo luận

Từ năm 2018 – 2023, Hội Nông dân TP.Hội An phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) và các cơ quan chuyên môn của thành phố như Phòng Kinh tế, Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp tổ chức 30 lớp dạy nghề trên lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 1.050 hội viên, nông dân.

Hội Nông dân (HND) các xã, phường liên kết với HND tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp mở 94 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, trồng nấm, chế biến thức uống cho 5.120 hội viên, nông dân.

Ông Trần Hùng Cường – Phó Chủ tịch HND thành phố cho biết, sau các lớp dạy nghề, hội viên nông dân được cấp chứng chỉ và sử dụng có hiệu quả ngành, nghề đã học vào hoạt động sản xuất của gia đình. Ngoài ra, Thành Hội còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức dịch vụ cung ứng phân bón hữu cơ trả chậm cho hội viên nông dân.

“Năm nay, các cấp HND tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và thành phố tăng cường tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Qua đó, tạo sinh kế cho người dân, ổn định cuộc sống, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, ông Cường nói.

Nông dân Cẩm Hà thử nghiệm trồng cây ăn quả

Ông Trần Thanh Hùng (phường Cẩm Châu) chia sẻ: “Lâu nay tôi thấy bà con nông dân sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Gần đây, nhờ các cấp HND tổ chức các lớp đào tạo nghề đã giúp bà con được bổ sung kiến thức, khoa học kỹ thuật nhờ đó tăng năng suất và hiệu quả kinh tế”.

Cùng với đó, thông qua các diễn đàn của HND thành phố với HND xã phường, Phòng Kinh tế phối hợp truyền tải đến cán bộ, hội viên nông dân nắm bắt các chủ trương, chính sách và cơ chế hỗ trợ khi tham gia học nghề, tư vấn nghề phù hợp với thực tế địa phương.

Đồng thời tổ chức các lớp hướng nghiệp, đào tạo, rèn luyện tay nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, lấy nông dân sản xuất kinh doanh giỏi dạy nông dân và mời các nghệ nhân dạy nghề. Phối hợp tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn cho hàng trăm lượt nông dân, ngư dân; tập trung các nghề như sản xuất hoa cây cảnh, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng rau an toàn, sản xuất nấm, trồng hoa treo, trồng quật theo hướng hữu cơ, thuyền trưởng – máy trưởng tàu cá…

Ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng Phòng Kinh tế cho hay, hai ngành đã phối hợp đẩy mạnh hoạt động khuyến nông hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, tích cực chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, tập huấn 75 lớp với hơn 4.000 lượt hội viên, nông dân tham gia, tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh, bảo vệ thực vật, nuôi trồng – khai thác thủy sản, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề TTCN, phòng chống thiên tai….

“Thông qua các lớp tập huấn từng bước nâng cao kiến thức cho hội viên nông dân, giúp hội viên tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất, nhiều hội viên, nông dân giỏi đã trở thành “tiểu giáo viên” tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho các hộ khác”, ông Tường nói.

Trao chứng chỉ học nghề cho nông dân

Bên cạnh đó, hai ngành còn phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thành phố thực hiện nhiều dự án, đề tài, mô hình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như “Ứng dụng chế phẩm sinh học Eco – Grow trên cây ớt tại Cẩm Kim”, “Ứng dụng chế phẩm EM để ủ phân hữu cơ vi sinh tại Cẩm Kim”, “Trồng thử nghiệm giống cây Ổi lê Đài Loan tại Cẩm Hà”, “Thử nghiệm giống lúa ST25 tại Cẩm Kim”, “Trình diễn thử nghiệm giống lúa TBR97 tại Cẩm Châu”, “Trồng cây Ổi Ruby tại xã Cẩm Hà”, “Trồng hoa Thạch thảo tại xã Cẩm Hà”, “Chăn nuôi gà lai nòi thả vườn theo hướng An toàn sinh học tại xã Cẩm Hà”, “Sản xuất dịch chiết từ cá và chuối phục vụ sản xuất nông nghiêp hữu cơ”, ứng dụng giống lúa VNR 20, nuôi tôm xen ghép, cải tiến các lò nung gốm thủ công, máy chuốt gốm, lò sấy sản phẩm … Qua đó đã giúp hội viên, nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

MỸ LỆ