Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP. Hội An đã không ngừng huy động nguồn lực xã hội để tạo nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp hội viên nông dân có thêm điều kiện để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế và cải thiện đời sống.
Nông dân tiếp cận vốn vay
Ông Nguyễn Văn Dũng (Thôn Trảng Suối) là một trong hơn 200 hộ nông dân trên địa bàn xã Cẩm Hà được tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô sản xuất quật cảnh, cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế.
“Trước đây, việc trồng quật cảnh của gia đình tôi cũng như các hộ trên địa bàn xã Cẩm Hà gặp khó khăn, thu nhập không ổn định. Từ vài năm trở lại đây, chúng tôi được Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương tạo điều kiện xét cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô sản xuất quật cảnh, với nguồn vốn từ 50 – 100 triệu đồng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có nguồn thu ổn định từ quật cảnh tầm trên 180 triệu.
Ngoài việc hỗ trợ vốn, chính quyền và hội nông dân các cấp còn tạo điều kiện để người nông dân trồng quật cảnh tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ đầu ra cho cây quật”, ông Dũng phấn khởi chia sẻ.
Với anh Nguyễn Văn Trung (Cẩm Châu) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của thành phố. Thực hiện phong trào vận động của Hội Nông dân phường Cẩm Châu “Người nông dân yêu đất”, anh đã mạnh dạn chuyển đổi đất ruộng bỏ hoang sang mô hình canh tác, chăn nuôi tổng hợp.
Từ 5,5 ha đất bị bỏ hoang, không sản xuất, đến nay, anh Trung đã đăng ký và đưa vào sử dụng nhiều loại hình canh tác, chăn nuôi tổng hợp, góp phần tăng tính hiệu quả trong sử dụng đất như: nuôi bò, vịt, gà, trồng lúa và mới đây anh được Hội Nông dân phường hỗ trợ 6.000 con giống cá rô đầu vuông để nuôi thử nghiệm.
“Tôi đã được Hội Nông dân và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn phát triển kinh tế. Đây là nguồn động viên và giúp đỡ rất lớn đối với tôi và gia đình”, anh Trung cho hay.
Giám sát nguồn vốn vay
Đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh 3 tỷ đồng; nguồn vốn thành phố, xã phường theo dõi quản lý cho vay là 3,3 tỷ đồng với 200 hộ vay.
Tổng số dư nợ tín chấp qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội gần 76 tỷ đồng (tăng 123,4% so với đầu năm 2018) với gần 1.700 hộ vay. Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt triển khai cho vay qua kênh của Hội Nông dân với dư nợ 10 tỷ đồng.
Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn, thời gian qua các cấp hội trên địa bàn thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân.
“Các cấp Hội cũng kịp thời củng cố, kiện toàn hoạt động của Ủy ban kiểm tra. Năm 2023, Thành Hội tổ chức 36 cuộc kiểm tra đến cơ sở hội, các cơ sở hội đã tổ chức 150 lượt kiểm tra đến chi, tổ hội về công tác hội, công tác quản lý các nguồn vốn vay và hoạt động các tổ Tiết kiệm vay vốn (TKVV), chưa có trường hợp tổ chức hay cá nhân cán bộ hội vi phạm”, ông Nguyễn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hội An cho hay.
Cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Hội An phối hợp với các cấp hội tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý vốn vay, chất lượng hoạt động của tổ TKVV, kiểm tra mục đích sử dụng vốn để có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn vốn. Đồng thời thường xuyên kiện toàn, củng cố, sắp xếp các tổ TKVV theo địa bàn dân cư thôn, khối để làm tốt công tác quản lý, xét chọn đối tượng đề nghị cho vay; đôn đốc thu hồi nợ gốc, thu lãi, thu tiết kiệm kịp thời, đúng quy định; phối hợp tổ chức tốt công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn vay cho hội viên và tổ TKVV.
“Vốn vay các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua hội nông dân quản lý được sử dụng đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố”, bà Nguyễn Thị Mỵ – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hội An nói.
MỸ LỆ