Là một cơ sở tư nhân nhưng cơ sở sản xuất lồng đèn Thảo Quỳnh (ở số 373 đường Cửa Đại phường Cẩm Châu) được khá nhiều người ở Hội An và khách hàng trong cũng như ngoài thành phố biết đến. Lý do đơn giản vì cơ sở luôn bảo đảm uy tín và có mối quan hệ làm ăn tương đối rộng.
Anh Phan Văn Trung – người chủ cơ sở là một chàng trai chân chất, thiệt thà và cẩn trọng. Một số cán bộ lãnh đạo địa phương trao đổi, tính cách của “ông chủ” tác động tương hợp với sự phát triển của cơ sở, tuy tốc độ không nhanh, mạnh nhưng chắc và bền.
Anh Trung cho biết, nghề làm lồng đèn đến với anh như là định mệnh và đã mang lại cho anh cuộc sống mới tương đối toại nguyện. Tốt nghiệp THPT, vào Sài Gòn thi Đại học nhưng rớt! Máu phiêu lưu, trôi nổi, Trung ở lại Sài Gòn tìm đủ việc làm, làm bất cứ việc gì để mưu sinh kiếm sống. Tha phương cầu thực nhưng vì tự ái tuổi trẻ nên muốn giấu giếm thân phận mình. Những chuyến thồ hàng lồng đèn của người Hội An gửi vào các điểm bán lẻ trong Sài Gòn thời gian đầu phát triển sản phẩm đặc trưng này của Phố Hội đã làm nảy lên trong anh lòng ham muốn và ý thức “tự khẳng định” mình. Tại sao người khác làm được mà ta không làm được? Tại sao ta không quay về quê nhà với chính cái nghề đang “ăn nên làm ra” này?
Thế là giữa lúc không ít thanh niên trai tráng và người dân ở Hội An, Quảng Nam tìm cách vào Sài Gòn, miền Nam làm ăn sinh sống, năm 1995 Phan Văn Trung quyết định trở lại quê nhà cùng với người vợ gốc quê Gia Định mới cưới, kết thúc 8 năm rong ruổi xa nhà. Những ngày đầu hồi hương, Trung vừa tự mày mò, tìm tòi học hỏi làm lồng đèn với những người làm nghề đi trước vừa phải phụ giúp ba mẹ làm nghề kết cau cưới hỏi. Gian nan, túng thiếu vẫn không làm anh nản lòng. Kiên trì, chịu khó dần dần Trung đã thành thạo và thêm yêu thích cái nghề làm ra loại đèn thắp sáng lung linh, muôn sắc muôn màu này.
Cơ sở đèn lồng Thảo Quỳnh (đường Cửa Đại, phường Cẩm Châu)- Ảnh: Đỗ Huấn
Năm 2003, Trung quyết định mở cơ sở sản xuất riêng ngay tại nhà. Bao vốn liếng dành dụm, mượn thêm của cha mẹ, Trung quyết chí làm ăn để lo cho cuộc sống và phụ giúp cùng ba mẹ, lo cho 3 em ăn học. Từ chỗ ban đầu làm gia công, chỉ trong một thời gian ngắn Trung đã đảm nhận sản xuất tại chỗ với số lượng lớn và cung cấp cho các khách hàng trong cũng như ngoài thành phố. Nhờ chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng nên cơ sở sản xuất của anh thu hút ngày càng đông khách. Tên hiệu “Thảo Quỳnh” dần dần đã có được chỗ đứng trong làng nghề lồng đèn Hội An.
Với anh Trung, bí quyết thành công của nghề là nhờ ở khâu xử lý mối mọt và sấy khô. Cùng với việc tự chế lò sấy, tận dụng nguyên liệu để thực hiện các công đoạn kỹ thuật quan trọng, đáp ứng kịp thời, đúng tiến độ khách hàng yêu cầu, anh Trung còn chú trọng việc đào tạo, sử dụng đội ngũ lao động. Hiện nay, cơ sở của anh đang tạo việc làm ổn định cho 12 lao động là những người thợ trẻ ở Cẩm Châu, Cẩm Thanh… Tuy trẻ nhưng những người thợ ở đây luôn xác định rõ trách nhiệm và uy tín nghề nghiệp để làm ra những sản phẩm có chất lượng và mỹ thuật cao. Ngoài sản lượng làm ra mỗi ngày khoảng 200 chiếc lồng đèn để đủ cung cấp đúng thời hạn cho các khách hàng ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, cơ sở lồng đèn Thảo Quỳnh còn sản xuất hàng trăm bộ khung lồng đèn theo đặt hàng của các cơ sở khác trong thành phố vì khung ở đây bảo đảm chất lượng lâu bền. Anh Trung cho biết, những năm trước đây cơ sở còn nhận làm hợp đồng cho một số đối tác ở CHLB Đức, Malaysia với sản lượng khoảng vài chục ngàn chiếc mỗi năm nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nên bây giờ giảm xuống còn vài mối với bốn, năm ngàn chiếc là nhiều. Giá trị thu nhập hàng năm đạt khoảng 100 – 120 triệu đồng, lương bình quân mỗi lao động đạt từ 3 – 6 triệu đồng/người, cao nhất là thợ dán và thợ tiện. Cuộc sống của gia đình anh Trung nhờ vậy đã trở nên khá, có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn.
Đã hơn 40 tuổi đời, luôn nặng nợ với nghiệp sống nên Phan Văn Trung không thể không băn khoăn lo lắng vì một bộ phận người làm lồng đèn ở Hội An do chạy theo lợi nhuận trước mắt mà sản xuất kém chất lượng, bán phá giá làm giảm uy tín thương hiệu sản phẩm lồng đèn đã được cấp sở hữu trí tuệ tập thể. Nhưng dẫu sao nghề làmlồng đèn đã làm đổi khác cuộc đời anh nên Phan Văn Trung tuyên bố sẽ gắn bó lâu dài với nghề và từng bước phát triển vững chắc hơn cơ sở lồng đèn Thảo Quỳnh (nhãn hiệu mang tên 2 đứa con yêu quý) của vợ chồng anh.
Đỗ Huấn