Những ngày đầu xuân Quý Mão, bà con nông dân tranh thủ ra đồng theo dõi đồng ruộng, tích cực chăm sóc cây trồng theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển.


Vụ đông xuân năm nay, ông Phan Văn Mẫn (Phường Cẩm Châu) chỉ gieo trồng giống BC15 trên 5 sào ruộng. Hiện nay, ông thường xuyên thăm đồng ruộng của mình, theo dõi tình hình của cây lúa cũng như sâu bệnh gây hại, đồng thời dặm những chỗ cây lúa bị hư hỏng để lúa phát triển đều.
“Nếu thời tiết ổn định, nắng ráo thì việc chăm sóc lúa đơn giản hơn. Trước khi gieo sạ, tôi nhận được sự hướng dẫn của địa phương về lịch thời vụ, đặc biệt sử dụng giống trung ngày để đảm bảo năng suất lúa” – ông Mẫn chia sẻ.

Vụ lúa đông xuân là vụ lúa chính trong năm, đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm của thành phố. Do đó, Chính quyền thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp cùng đơn vị quản lý thủy lợi đảm bảo lượng nước tưới tiêu sản xuất; huy động nông dân ra quân nạo vét kênh mương; tuyên truyền nhân dân không trồng cây trên bờ kênh, không vứt rác xuống kênh làm ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy.

Ông Lê Đình Tường – Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết, đối với vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân tuân thủ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh; chuẩn bị tốt nhân lực, máy móc để tổ chức cày ải, làm đất ngay sau khi kết thúc mùa mưa lũ để kịp gieo sạ; thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cho phép của ngành chuyên môn.
Theo thông tin từ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, đến nay, cây lúa vụ Đông Xuân 2022 – 2023 đang vào giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Chính vì vậy, nông dân cần kịp thời tỉa dặm và bón phân thúc để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chú ý bón đủ và cân đối đạm – lân – kali; áp dụng biện pháp tưới nước “Ướt – khô xen kẽ” giai đoạn lúa đẻ nhánh để tiết kiệm nước tưới và giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung.
Những ruộng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ (gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn) hoặc những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ – vàng sinh lý thì cần thay nước từ 1- 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP (1-2 kg/sào) và phun phân qua lá để lúa nhanh chóng hồi phục.

Bà Trần Thị Hồng Trang – Phó Giám đốc Trung tâm KTNT thành phố cho biết, bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ các bệnh dịch hại trên lúa, nhất là các đối tượng ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn. Ngoài ra, cần chú ý sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ trên các trà; bọ trĩ, ruồi đục nõn trên lúa sạ muộn; sâu phao trên chân ruộng trũng.
Trong vụ này, toàn thành phố Hội An xuống giống 384,5 ha diện tích lúa. Dự kiến thu hoạch xong trước ngày 5/5/2023.
Với những biện pháp được triển khai cùng công tác chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố và ngành nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân 2022 – 2023 trên địa bàn thành phố hy vọng sẽ đạt kết quả cao.
MỸ LỆ