Thanh Hóa – Hội An hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng đô thị văn minh, thân thiện

Cùng giao lưu, trao đổi, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau để xây dựng đô thị văn minh, thân thiện, phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội là một trong rất nhiều nội dung được 2 thành phố Thanh Hóa và Hội An hướng đến.

Từ mối quan hệ kết nghĩa ân tình, nhiều năm qua, hai thành phố Hội An và Thanh Hóa luôn chia sẻ, trao đổi với nhau những kinh nghiệm quý, những cách làm hiệu quả để cùng phát huy nguồn lực và lợi thế sẵn có, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã có hơn 1.000 lượt cán bộ từ thành phố đến thôn, khối phố ở Thanh Hóa vào Hội An học tập, tham khảo kinh nghiệm về xây dựng, quản lý đô thị, thực hiện nếp sống văn hóa, phát triển du lịch để áp dụng cho chương trình “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Họ đã học được gì từ những chuyến đi thực tiễn ấy?

Hội An, một vùng đất chật người đông nhưng nhân tình thuần hậu, hiền hòa, thân thiện. Đó là một trong những giá trị nổi bật nhất làm nên nét riêng cho đô thị cổ. Từ cơ sở thực tiễn của Hội An và tiềm lực, đặc điểm của mình, hơn 7 năm nay, Thanh Hóa đã triển khai chương trình “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”. Để thực hiện, Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng, văn minh đô thị là thái độ ứng xử của cộng đồng dân cư đô thị với môi trường tự nhiên và xã hội. Người dân trách nhiệm bảo vệ và cùng nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội để từng bước làm cho môi trường thành phố ngày càng tốt đẹp, thân thiện. Tham khảo từ Hội An, việc xây dựng nếp sống văn hóa, cách giao tiếp ứng xử văn minh trong thương mại dịch vụ được đặc biệt chú trọng. Chương trình “Xây dựng Đô thị văn minh, công dân thân thiện” đã trở thành ý thức thường trực đối với mỗi người dân Thanh Hóa, cùng chung tay gây dựng thành phố “Sáng, xanh, sạch, đẹp” và xây dựng con người sống có nghĩa tình, trách nhiệm, hết lòng vì thành phố. Đó là mục tiêu và cũng là động lực quan trọng mà những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa theo đuổi, với mong muốn cao nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chim Hạc – Biểu trưng của thành phố Thanh Hóa- Ảnh: Lê Hiền

Trong khi đó, Hội An có tốc độ đô thị hóa chậm nhưng chắc, với những quy định nghiêm ngặt để bảo tồn nguyên trạng các công trình kiến trúc, vừa có thể tạo không gian, cảnh quan làng quê sinh thái, biển đảo để đa dạng loại hình du lịch. Đó cũng là bài học quý cho Thanh Hóa áp dụng, nhất là khi địa phương được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm các xã vùng nông thôn của các huyện lân cận về thành phố. Mới đây, tại công viên Hội An (có diện tích hơn 22 héc ta, giữa lòng thành phố Thanh Hóa), Hội An đã xây tặng phiên bản Chùa Cầu và 2 trụ biểu bằng đất nung của làng gốm Thanh Hà. Không chỉ thể hiện mối tình kết nghĩa keo sơn, các công trình biểu trưng này còn khơi dậy niềm tự hào và tình yêu di sản trong cư dân Thanh Hóa, từ đó mọi người cùng trân quý, gìn giữ, phát huy những “sản nghiệp” của cha ông để lại, tránh “đánh mất” những giá trị cổ xưa bởi quá trình đô thị hóa.

Đô thị cổ Hội An, một thành phố nhỏ nhưng lại là Di sản văn hóa Thế giới. Những năm gần đây, thành phố liên tục đạt những danh hiệu cao quý do bạn bè, du khách tưởng thưởng, vinh danh, như “thành phố cảnh quan”, “thành phố lãng mạn”, “thành phố tốt nhất châu Á”, “điểm đến yêu thích nhất trên thế giới”… Mỗi danh hiệu vừa là niềm tự hào, vừa đặt ra trách nhiệm đối với chính quyền và người dân bản địa, phải giữ cho được những giá trị đặc biệt của Hội An trước xu thế đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, tạo sức hút và sự cạnh tranh khốc liệt của ngành du lịch ở các điểm đến trong và ngoài nước. Thách thức này đòi hỏi Hội An phải có cách làm riêng để giữ vững “thương hiệu”, trong đó việc chọn lọc các sản phẩm du lịch theo hướng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” được thành phố áp dụng khá hiệu quả. Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Hội An cũng đã xây dựng thành công các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Đây cũng là một bài học sâu sắc mà tại sự kiện kỷ niệm 55 năm kết nghĩa Thanh Hóa – Hội An mới đây, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp hai địa phương đã chia sẻ, thông tin cho nhau để giúp Thanh Hóa và Hội An cùng xây dựng môi trường du lịch bền vững. Ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư thành ủy Thanh Hóa cho rằng: “Tương lai sau này, thành phố Thanh Hóa sẽ nghiên cứu để làm sao phát huy được những thế mạnh và học tập những kinh nghiệm của Hội An để phát triển cho thành phố Thanh Hóa cũng như ngược lại để phát triển Hội An. Thành phố Thanh Hóa thấy rằng, có những ưu điểm rất tốt của thành phố Hội An về công tác du lịch, về giáo dục công dân của thành phố Hội An, về phát huy những giá trị của văn hóa, lịch sử thì Hội An cũng làm rất tốt. Qua đấy thành phố Thanh Hóa sẽ học tập để làm sao phát huy được những giá trị trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Và đối với thành phố Hội An thì có thể Hội An sẽ tham gia đóng góp thêm một số lĩnh vực phát triển về đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như quản lý một số đối tượng mà thành phố lâu nay đã làm rất tốt.”

Thành phố Hội An xây tặng phiên bản chùa Cầu tại công viên Hội An ở Thành phố Thanh Hóa- Ảnh: Minh Vũ

Về phía Hội An, dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng hiện tại để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số vùng trọng điểm vẫn còn nan giải về nguồn lực, nhất là đối với các công trình kè biển, kè sông, các công trình giao thông và các hạng mục đi kèm ở các xã phường Thanh Hà, Cẩm Nam… Việc huy động sức dân cũng như vốn đầu tư của tỉnh, trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước hiện vẫn còn khiêm tốn. Năm 2015, thành phố Thanh Hóa đã hỗ trợ hơn chục tỷ đồng để Hội An xây dựng trường THCS Nguyễn Duy Hiệu và thư viện Thanh Hóa, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho địa phương. Trước vận hội mới của mình, thời gian đến, Hội An rất cần khai thác hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho sự phát triển, nhất là đối với nhiều dự án bức thiết, cấp bách. Việc huy động sức dân và tranh thủ nguồn lực của Trung ương, tỉnh được thành phố Thanh Hóa áp dụng hiệu quả trong thời gian qua chính là kinh nghiệm quý để Hội An vận dụng vào thực tiễn đặc thù địa phương.

Từ mối quan hệ sâu nặng, nghĩa tình, Hội An và Thanh Hóa sẽ tiếp tục chia sẻ, trao đổi với nhau những thông tin, kinh nghiệm quý trong công cuộc xây dựng và phát triển. Từ đó tiếp tục vun đắp, tô bồi mối tình kết nghĩa tốt đẹp giữa hai địa phương, đúng như chia sẻ của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hội An Trần Ánh:  “Hiện nay, chúng tôi xác định rằng, cần phải tiếp tục phát huy mối quan hệ kết nghĩa này và nâng nó lên thành một tầm cao mới, phù hợp với xu thế. Chúng ta biết rằng, hai thành phố có những lợi thế tiềm năng mà có thể học tập nhau cũng phát triển, ngành kinh tế du lịch, rồi công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Hội An có rất nhiều điều mà chúng ta cần đi lại, tham khảo, giao lưu hợp tác để cùng phát triển. Và theo phương châm hiện nay, ngoài sự phát triển duy trì tình cảm sâu sắc thủy chung thì chúng ta cần hướng đến tương lai để giúp cho hai thành phố xứng tầm với tiềm năng lợi thế của mình”.

Lê Hiền