Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với CLB Không gian đọc Hội Anvừa ra mắt “Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên” (1911-1996) – nhà Hội An học có nhiều cống hiến cho quá trình nghiên cứu lịch sử – văn hóa Hội An, xứ Quảng.
Nhớ lại những năm 1980, 1990, khi được gần gũi để học tập, nghiên cứu với cụ Nguyễn Bội Liên, nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông cho rằng, Nguyễn Bội Liên vốn là một nhà nghiên cứu “tài tử”, thôi thúc mãnh liệt bởi tình yêu quê xứ Quảng Nam, yêu đất, yêu người và say mê cố sự.
Ông vốn người làng Hồng Triều, Trà Nhiêu, nay thuộc xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, sinh sống tại Hội An. Thời niên thiếu, ông là một học sinh trường Dòng Pellerin ở Huế cuối những năm 20 thế kỷ XX với vốn ngoại ngữ thông thạo đủ để đọc trực tiếp tài liệu tiếng Pháp, cùng với vốn chữ Nho – Hán văn học từ người anh ruột là cụ Cửu Uyển, một tú tài Hán đỗ kỳ thi chữ Hán cuối cùng của triều Nguyễn.
Ảnh bìa tập Di cảo- Ảnh: Quốc Hải
« Có điển cố, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nói là 20 năm rồi mà không biết hỏi ai thì tới nhờ cụ Liên giải thích và cụ Liên cũng chẳng cần xem sách vở gì cả. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh là một người dạy văn học lâu năm, uyên bác mà vô cùng kính phục cái cường ký, cái trí nhớ rất là cường tráng của cụ Nguyễn Bội Liên. Cả cuộc đời của cụ thì rất nhiều những bản thảo, khi thì trao người này, trao người khác nên không được bảo lưu một cách kỹ càng» – Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Tấn Đông, kể.
“Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên” dày 340 trang, khổ 19x27cm, di cảo là một phần nhỏ trong số hàng nghìn trước tác để lại gồm sáng tác thơ phú, liễn đối, các bản tuồng hát bội, các kết quả sưu tầm, khảo cứu về xứ Quảng, Hội An, các công trình dịch thuật từ tiếng Hán, tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong đó có bản dịch các tác phảm lớn của Trung Hoa như Tam quốc chí, Liêu trai chí dị, Nam Tống phi long, Đường thi, Tống thi, các công trình khảo cứu như Đông Tây dương khảo, phố người Đường và nền ngoại thương ở Hội An tế kỷ 17-18, các tập dịch văn bia ở Hội An và một số nơi khác,…
Cũng từng có nhiều năm được trao đổi với cụ Nguyễn Bội Liên về những tư liệu nghiên cứu, ông Trần Văn An – Phó Giám đốc Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, bày tỏ niềm cảm kích trước sức vóc của một người đã làm nên «Gió trăng cố quận».
« Bác rất có nhiều công trình, nhưng rất tiếc thời đó khó khăn lắm, tiền bạc với lại điều kiện không có, chỉ xuất bản được quyển «Gió trăng cố quận». Vừa rồi chúng tôi mới tiếp cận được di cảo của Bác mới thấy nó rất đồ sộ và rất nhiều vấn đề và qua đó cũng thấy được quá trình gian khổ để hình thành di cảo này»- Ông Trần Văn An, nói.
Buổi giới thiệu tập Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên- Ảnh: Quốc Hải
Cầm tập “Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên” trên tay, nhà giáo Nguyễn Chiến đến từ Điện Bàn không khỏi bồi hồi, tưởng nhớ về một người mà ông kính phục. Trong một lần cùng với thầy giáo Ngô Sửu (đã mất) đến xin chữ của cụ Nguyễn Bội Liên để đăng kỷ yếu Trường Trung Học Nguyễn Duy Hiệu – Điện Bàn, thầy giáo Nguyễn Chiến đã thuật lại câu chuyên về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, được cụ Nguyễn Bội Liên kể, như sau: «Ổng kể rằng, năm 1938, cụ có ra Huế thăm cụ Phan Bội Châu lúc này bị giam lỏng tại Bến Ngự. Đọc 2 câu thơ của cụ, cụ buồn quá: «Những lúc anh em đầy bốn biển. Nào ngờ trăng gió nhốt ba gian». Thì dịp đó, cụ Phan Bội Châu mới kể lại chuyện mà cụ Nguyễn Bội Liên nói là «Kể cho mấy đứa bây nghe». Tức là khi cụ Nguyễn Duy Hiệu bị giải ra Huế giao cho Phủ thừa, Viện Cơ mật điều tra, bảo cụ Nguyễn Duy Hiệu phải khai. Một thời gian dài đến 4 tháng, cuối cùng cụ Nguyễn Duy Hiệu chấp nhận khai và đòi đến 200 tờ giấy. Cụ khai như thế này: «Nam Ngãi Nghĩa hội Duy Hiệu nhất thân, tự Hiệu dĩ hạ, giai Hiệu sở bức». Tức là việc Cần Vương Nam-Ngãi-Định chỉ mình Nguyễn Duy Hiệu làm thôi, tất cả các người khác bị Hiệu bức mà phải làm. Lúc đó cụ Nguyễn Bội Liên bình một câu rất hay, đúng là Nguyễn Duy Hiệu rất tuyệt vời, khẳng khải, rất là khí chất Quảng Nam. Cụ nói và cười khà khà. Tôi với anh Ngô Sửu ghi lại và in trong tập đó »
Từng công tác tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, ông Tống Quốc Hưng – Phó Trưởng Phòng Văn hóa cho biết, trong kho tàng tư liệu Hán Nôm của Hội An, cụ Nguyễn Bội Liên đã dày công dịch thuật rất nhiều. Tới đây, các cơ quan chức năng của Hội An sẽ tiếp tục công bố di sản này.
Ông Tống Quốc Hưng cho hay : «Từ khi làm việc ở Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản thì cũng đã có điều kiện tếp cận các di cảo của cụ. Đặc biệt là trong kho tư liệu Hán Nôm của Hội An về gia phả, văn bia, khế ước, địa bạ cụ dịch rất nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng sắp đến sẽ tiếp tụ tập hợp, công bố, để thứ nhất là thấy được cái giá trị của Hội An thêm nữa ».
Tham gia buổi ra mắt di cảo, ông Nguyễn Sự – Nguyên Bí thư Thành ủy đã bày tỏ niềm cảm phục đối với Châu Ái Nguyễn Bội Liên và đề nghị chính quyền thành phố nên tạo lập một «Không gian Nguyễn Bội Liên» để tôn vinh những đóng góp to lớn của cụ đối với Hội An, đồng thời giới thiệu rộng rãi di sản của Châu Ái Nguyễn Bội Liên đến với đông đảo công chúng cũng như những yêu yêu mến văn hóa Hội An, xứ Quảng./.
Quốc Hải