Cứ mỗi lần trống nhạc trỗi lên, cái giọng phâng phất như “Gió Xuân phảng phất nhành tre” lại khiến cho già trẻ, gái trai túm tụm lại để nghe Lương Đáng “thổi” hơi thở của đời sống dân gian vào nhịp hô hát Bài chòi.
Gặp ở ngoài đường, anh chào mọi người như đang… hát. Cũng thường thôi, người ở phố bảo: “Lục Tiểu Linh Đồng đi đường vẫn gãi gãi đó chi!”.
Mỗi lần nói chuyện, người có tên là Nguyễn Đáng xứng đáng với nghệ danh Lương Đáng, hay xưng “mình” với tôi. Chắc chắn, anh sinh ra là để mang niềm vui đến cho mọi người. Bởi lẽ, người Hội An hay du khách gần xa mê cái trò chơi dân gian Bài chòi, trước tiên là nhờ mê… anh hiệu.
Anh – chị hiệu Lương Đáng – Ngọc Huệ biểu diễn phục vụ các hoa hậu năm 2002- Ảnh: Quốc Hải
Anh bảo mình sinh năm 1969, mặt già hơn tuổi vì da đen và cũng không cao nhưng nhất quyết là “đẹp trai”. Thực, khi hô hát trên sân khấu Bài chòi, anh là một người đẹp ở từng câu hát, từng cử chỉ, điệu bộ. Nghe Lương Đáng hô con Chín cu: “Tiếc công bỏ én nuôi cu. Cu ăn cu lớn cu gù cu bay. Cu say mũ cả áo dài. Cu chê nhà dột phụ hoài duyên em”, chị La Thanh Phương đến từ Quảng Ngãi, nói: “Câu này tôi nghe hoài nhưng qua cái giọng của anh hiệu này tôi đã bật cười. Hô quá tài tình!”.
Thì có “tài tình” nên mỗi đêm ở bồn binh An Hội – Hội An mới đông người chơi Bài chòi đến thế. “Tôi phục anh Đáng ở sự từng trải. Tôi học cách hô hát, biểu diễn của anh cả đời”. Đó là lời tâm sự của chị hiệu Ngọc Huệ, người cùng hô hát với anh từ những năm 1980, khi trò chơi dân gian này mới đưa lên “sàn diễn” của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An rồi đến “Đêm phố cổ”. Còn với anh hiệu trẻ Dương Quý, thì: “Tôi cho rằng, anh Lương Đáng là một cây đa, cây đề về nghệ thuật Bài chòi của miền Trung. Tôi vinh dự được công tác và là đội ngũ kế cận của anh. Anh dí dỏm, ngẩu hứng, kiến tại, pha trò, thậm chí phá cả kịch bản để đạt hiệu ứng nghệ thuật”.
Còn với tôi, có lúc anh hát như một nghệ sĩ Tuồng, đặc biệt là ở cách nhả chữ. “Ngoài chất giọng thì phải luyện giọng chứ, vận dụng mọi loại hình để hô hát, nhưng khó nhất là đưa Tuồng vào vì luật hát rất nghiêm ngặt ở cách phát âm chính xác đến từng dấu câu, tiếng rõ” – Lương Đáng nói.
Cách ngắt chữ, nhả chữ của Lương Đáng thể hiện rõ cái ngữ khí mỗi khi nói lối. Lúc khác, mới ở tâm trạng vui tươi, sảng khoái của làn điệu Nam Xuân lại chuyển sang Nam Ai buồn lụy để dẫn nhập quân bài. “Thiệt, phải nhập mới ăn được, hát mà không nhập thì như học thuộc lời và hô “trơ trơ”, không có chất. Khi nhập thì ý tưởng mới chuyển tải được tới người chơi. Mà người chơi họ sáng tạo hơn ta bằng những tiếng cười hay cách đập quân bài tán thưởng” – Anh tâm sự.
Khán giả ghi nhận khả năng kiến tại của nghệ nhân Bài chòi Lương Đáng- Ảnh: Quốc Hải
Với nghệ nhân Lương Đáng, anh có thể “chơi tất”, từ lối kể chuyện sang hát xướng dân gian với mọi thể thơ từ lục bát, tứ tuyệt tới song thất lục bát,… Cái hay ở anh là cả những bài tân nhạc hay cổ nhạc đều được “lái” vào câu chuyện một cách êm xuôi, lúc khác lại khúc khuỷu theo từng tâm trạng buồn, vui. Để hô hát được như thế, anh em nhạc công cũng đại tài, theo Lương Đáng có lúc cũng “bở hơi tai”.
Các nhà nghiên cứu Bài chòi cho rằng, người hô hiệu trong trò chơi nghệ thuật này phải là người có kiến thức văn chương, có tài ứng đối dí dỏm. Những người hô hiệu giỏi phải biết độc diễn với tiếng trống, tiếng đàn cò, tiếng phèng la,… và để một cuộc vui trọn vẹn còn phải có một ban nhạc cổ. Riêng ở anh hiệu Lương Đáng, ngoài cái chất giọng như bản năng, ăn trong máu thì khả năng kiến tại, xoay chuyển sáng tạo cũng thật tài tình.
Ông Trần Đình Châu – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An thì cho rằng: “Lương Đáng là một trong những nghệ nhân tôn vinh nghệ thuật Bài chòi, anh ấy đã “làm sang” cho nghệ thuật dân gian này và là người “truyền lửa” cho thế hệ sau”.
Rõ ràng, Lương Đáng cùng Đội tuyên truyền lưu động TP.Hội An đã “làm sang” cho nghệ thuật Bài chòi khi từng “đem chuông đi đánh xứ người” tận Đức, Thụy Sỹ, Ý, Nhật,… và cả nước. “Vui mới làm chứ buồn không chơi !. Nói vậy chứ có những lúc cũng buồn, khóc trong những câu cười.” – Lương Đáng tâm sự.
Theo anh, buồn là khi đồng nghiệp không hợp ý với nhau nên thể hiện không thành công; chuẩn bị bước vào cuộc chơi thì trời đổ mưa, khách không tới. Anh kể, hồi những năm 1980, Hội An hay tổ chức Hội chợ dịp Tết. Bà Nữ, ông Trần Sung nhờ anh ra làm Bài chòi. Anh kể: “Tiếc tài, hồi đó bà con mê trò chơi lô tô, máy bay trúng thưởng nên từ 8h sáng đến 12h trưa chỉ có hai bà già. Một bà còn nói “Mi ở đó, tau ra mua ổ bánh mì vô ăn rồi nghe mi hô tiếp !”.
Theo anh, Bài chòi được tôn vinh như hôm nay là nhờ sức sống và sức sáng tạo của cả cộng đồng cư dân miền Trung. Riêng tại Hội An, những người làm văn hoá như nhạc sĩ Trương Đình Quang, bác Trần Sung, anh Võ Phùng, Trần Đình Châu; các anh chị làm công tác nghiên cứu, sáng tác và sưu tầm như Trần Văn Nhân, Phùng Tấn Đông, Phạm Phú Sương, Xuân Giá, Phùng Sơn và cả những anh chị hiệu “đàn em” như Ngọc Hụê, Thu Hương, Lệ Nga, Văn Quí, Hạnh Hoa, Minh Nhanh, Thu Sang,… đã cùng làm nên Bài chòi ở phố.
“Cả đời hô hát, cái khó nhất là sự quyến rũ, một người diễn hài trên sân khấu mà không khiến ai cười thì quá hụt hẫng. Mà thiệt, không có bà con thì tôi hát cho ai nghe ?” – Lương Đáng nói.
Còn trong những buổi trà dư tửu hậu, có người tôn vinh Lương Đáng bằng cách nói đùa về điệu bộ, cử chỉ của anh, rằng: “Khi hát, Đáng đưa chân phải ra rồi rút về đưa tay phải ra, chuyển sang tay trái, tay nào cũng cầm… chứng từ chưa thanh toán !”.
Quốc Hải