Du lịch là ngành kinh tế chủ lực của Hội An. Phát triển du lịch là định hướng chiến lược, lâu dài của lãnh đạo thành phố nhưng để du lịch phát triển bền vững nhất thiết phải có sự tính toán và điều chỉnh hợp lý về thị trường khách du lịch, nâng cao chất lượng và uy tín phục vụ trong thế cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều điểm du lịch khác.
Tính trong 9 tháng đầu năm nay, tổng lượt khách đến Hội An đạt 2.425.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1.289.600 lượt, tăng 28,7% so với cùng cùng kỳ năm trước. Khách tham quan đạt hơn 1.749.000 lượt, tăng 20,8%; khách mua vé tham quan phố cổ đạt 1.511.090 lượt và vé tham quan Cù Lao Chàm đạt 353.860 lượt. Doanh thu toàn ngành đạt khoảng 3.213 tỷ đồng, tăng 17,9%.
Bãi biển An Bàng (Hội An) ngày càng thu hút khách nước ngoài đến tắm mát, nghỉ dưỡng- Ảnh: Đỗ Huấn
Ngoài thị trường khách truyền thống từ các nước Châu Âu, Úc và Mỹ, lượng khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản những năm gần đây đã tăng đáng kể. Lượng khách Trung Quốc tăng là điều dễ hiểu vì thị trường khách này thuận lợi nhiều mặt về hướng khai thác và tăng diện rộng trên cả nước. Còn thị trường khách Hàn Quốc và Nhật Bản tăng, theo các nhà quản lý ngành nguyên do là từ năm 2013, Hội An đã tham gia chương trình kích cầu, kích thích thị trường tại khu vực này cùng với chương trình khai thác thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cho 3 địa phương “một điểm đến” gồm Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế nhân khai trương, mở các tuyến đường bay mới. Và đáng mừng hơn, nếu trước đây khách Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ đi tham quan là chính thì bây giờ lượng khách lưu trú đã tăng lên đáng kể. Cạnh đó, lượng du khách đến từ các nước Châu Á như: Đài Loan, Singapore, Indonesia, Philippin… cũng đang sôi động, cho thấy thị trường khách du lịch ở Hội An ngày càng đa dạng. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố cho hay, khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến bất lợi, thành phố đã kịp thời chuyển hướng sang khai thác thị trường khách nội địa và đa dạng hóa thị trường khách để ứng phó với sự sụt giảm lượng khách quốc tế. “Ngoài ra, thành phố còn tăng cường quảng bá du lịch thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa và việc tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội tại chỗ gắn liền việc nâng cao chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch hiện có, đồng thời tạo thêm sản phẩm mới để tăng cường thu hút khách”, ông Dũng nói.
Hội An đang tìm hướng thu hút khách có chi tiêu cao- Ảnh: Đỗ Huấn
Việc tăng lượng khách đến ngày càng đông bên cạnh niềm vui còn có nỗi lo. Trong đó có nỗi lo từ những thách thức ngay trong nội bộ thành phố, trong nội bộ ngành và cả những thách thức trong mối liên hệ phát triển khu vực, trong sự gia tăng tiện ích hàng ngày về hạ tầng khu vực. Thực tế cho thấy, ở phía Bắc là Đà Nẵng – một thành phố du lịch biển đang thay đổi, phát triển nhanh về hạ tầng, nguồn lực và số lượng doanh nghiệp, cơ sở lưu trú. Phía Nam với sự nối liền của cầu Cửa Đại sẽ tạo cơ hội cho vùng du lịch biển tiềm năng với các dự án lớn được hình thành ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Phía Tây là sự phát triển của vùng du lịch sinh thái văn hóa Triêm Tây gắn với Điện Bàn và vùng lân cận với sự đa dang về chủng loại, chất lượng, giá cả, tính năng… Trong nội tại, ở một số địa bàn chưa có sự phát triển đồng đều, môi trường du lịch đang xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn về trật tự an toàn đô thị, kinh doanh, cảnh quan tự nhiên bị xâm hại, sự cạnh tranh quyết liệt và không lành mạnh của các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ… dẫn đến chất lượng dịch vụ và uy tín không đảm bảo. Sự chênh lệch giữa cung và cầu cũng không đủ khả năng đáp ứng, khó giữ chân du khách lưu trú hoặc lôi cuốn khách quay lại nhiều lần. “Một số địa phương có tổ chức những hoạt động dịch vụ, cốt tạo ra những điểm thu hút khách càng ngày càng đông hơn nhưng những mặt trái nảy sinh trong quá trình tổ chức của người dân chưa được kiểm soát, quản lý, điều chỉnh thật tốt, dẫn đến sai phạm về mặt quy định pháp luật và cạnh đó là uy tín, chất lượng của điểm đến không chỉ của riêng địa phương đó mà cả thành phố Hội An đều bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết.
Để du lịch phát triển bền vững, lãnh đạo thành phố tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao hơn nữa lợi ích và trách nhiệm của người dân, xem đây là yếu tố hàng đầu, mang tính quyết định. Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo hướng tinh về chất lượng, mạnh về số lượng, đa dạng về ngành nghề. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, dịch vụ, xây dựng và phát huy các cơ chế phối hợp liên ngành, liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng các sản phẩm du lịch. Các vùng du lịch cũng được đa dạng hóa và tạo sự kết nối liên hoàn, ưu tiên phát triển du lịch văn hóa gắn với di sản, du lịch biển – đảo – làng quê – sông nước gắn với sinh thái, môi trường và các ngành nghề truyền thống, Đồng thời với việc tập trung phát triển đồng bộ, đa dạng và khai thác phù hợp các thị trường, các dòng khách, từ kinh nghiệm thực tiễn ở Cù Lao Chàm trong năm nay, UBND thành phố đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các ngành tích cực nghiên cứu xây dựng phương án thu hút thị trường khách có chi tiêu cao đến với Hội An. Ông Kiều Cư – Bí thư Thành ủy nói: “Đối với Cù Lao Chàm chúng ta phải nghĩ đến ý tưởng là chọn khách, nâng chất lượng của khách, không phải khách nào cũng ra được. Không tính đến chất lượng của khách thì thu nhập đã thấp lại phải lo công tác vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải…”.
Theo thống kê từ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tính đến hết tháng 8, du lịch Cù Lao Chàm đón gần 354 nghìn lượt khách tham quan, lưu trú, giảm 7.500 lượt so với cùng kỳ năm trước nhưng hầu hết doanh nghiệp đều có lãi, kể cả các doanh nghiệp nhỏdo bán được giá tour cao. Thống kê cho thấy trong gần 354 nghìn lượt khách tham quan Cù Lao Chàm 9 tháng qua, số khách mua vé tham quan đạt khoảng 314 nghìn lượt.
Đỗ Huấn