Khi đến một địa bàn khác, do lạ với không gian, đường sá nên chúng tathườngphải hỏi thăm đường người bản xứ. Không nằm ngoài quy luật đó, người nơi khác đến với Hội An đôi khi cũng gặp những tình huống như vậy. Thông qua câu chuyện rất nhỏ này, mọi người có thể cảm nhận tấm lòng nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ người khác của người dân phố Hội.
Lần đầu tiên cùng bạn, phượt bằng xe máy từ thành phố Huế vào Hội An để trải nghiệm chuyến du lịch ở vùng đất này, anh Nguyễn Minh Huy cũng hơi ngỡ ngàng, lạc lối khi tìm đường vào khu phố cổ. Ghé lại hàng sinh tố bên đường Lý Thường Kiệt hỏi thăm, Minh Huy đã được một phụ nữ đưa đến ngã tư Nguyễn Trường Tộ chỉ đường. Vậy là chỉ mấy phút sau, anh đã đến điểm giữ xe gần nhất, gửi xe và bắt đầu chuyến tham quan của mình. Minh Huy chia sẻ: “Ngay từ lúc đặt chân đến nơi này, khi hỏi thăm đường được chỉ dẫn tận tình, mình đã thấy có tình cảm với người Hội An. Họ đã tạo cảm giác ban đầu về sự thân thiện, nhiệt tình đối với người khác”. Có lẽ chia sẻ của anh Huy cũng là cảm nhận của rất nhiều du khách khi về với Hội An, nhất là với những khách đi lẻ, tự tìm hiểu, khám phá các điểm tham quan trên địa bàn thành phố. Mặc dù từ vùng biển đảo, nông thôn đến nội thị, ở nhiều địa điểm, thành phố đã cung cấp, lắp đặt nhiều tiện ích công cộng như hệ thống sơ đồ tham quan, biển chỉ đường, hệ thống wifi miễn phí để du khách thuận tiện tìm kiếm, tra cứu thông tin, sơ đồ đường đi qua internet nhưng do lạ lẫm trước cảnh quan chung của các vùng đất mới, nhiều người vẫn chọn cách trực tiếp hỏi thăm người dân địa phương.
Nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân người đã nhiều lần chỉ đường cho người hỏi thăm- Ảnh: Lê Hiền
Với tấm lòng hiếu khách của mình, nhiều người dân Hội An đã chỉ dẫn cặn kẽ. Không chỉ đối với du khách, với những người dân bản địa, khi đến các xã phường khác để tìm nhà người quen, tìm cửa hàng, cửa hiệu, thuê nhà, mua đất… cũng đều được những người dân biết thông tin hướng dẫn nhiệt tình; nhiều người tạm dừng việc của mình, dẫn tới tận nơi cần tìm. Với những người trước kia đi làm ăn, định cư ở xa, khi về thăm quê thấy không gian, cảnh vật có nhiều thay đổi, họ muốn hỏi thăm người này, người khác hoặc tìm người thân, bà con họ hàng, chỉ cần họ mở lời, nhiều người sẽ hỏi han cụ thể để tìm cách liên lạc, giúp đỡ. Nhà nhiếp ảnh gia Vĩnh Tân, một người dân Hội An, từng có rất nhiều tác phẩm chụp về vùng đất này trong nhiều thập niên trước, giờ ông cũng đã ngoài 80. Khi chia sẻ về tấm lòng nhiệt tình của người phố Hội, ông bộc bạch: “Nói về người Hội An, một ví dụ đơn giản, bây giờ một người lạ nào đến hỏi, hai vợ chồng tui ngồi đây, khi nghe họ hỏi, nói ngày xưa tôi ở này chỗ khác mà bây giờ tôi về lại đây thì lại không thấy. Mình có tâm huyết với người ta sẽ hỏi họ, anh chị là con ai, cha mẹ trước là cái gì, ở đâu, có biết ai khách không… Chỉ cần họ nói được, mình biết. Cái người Hội An luôn tận tình giúp đỡ cho người khác. Tui đã làm mấy chuyện đó rồi, tôi dẫn họ tới, khi nghe trước ông bà, cha mẹ anh chị ở đây, có người khóc luôn. Đó là dân Hội An, là cái tính của dân Hội An.”
Vốn là vùng đất hội nhân hội thủy, từ trước đến nay, Hội An là chốn dừng chân của rất nhiều viễn khách. Đến rồi đi, sau cuộc hành trình, mỗi người thường ghi dấu những địa chỉ đáng quan tâm ở vùng đất này. Đó có thể là một quán ăn, một quán cà phê hợp khẩu vị hay những cửa hàng lưu niệm, những hiệu may tên tuổi, uy tín hoặc có khi là các điểm tham quan có kiến trúc độc đáo… Nhiều người cho rằng, trong khu vực phố cổ Hội An tuy diện tích nhỏ nhưng có rất nhiều tuyến đường ngắn, lại gần giống nhau. Thêm vào đó, các hẻm kiệt rất quanh co, nhỏ hẹp, “bí mật” đến mức chỉ có người địa phương mới có thể tìm được lối đi. Và cũng ở trong các hẻm kiệt này, nhiều gia đình đã mở các dịch vụ ăn uống nhỏ, ngon, rẻ, hầu như chỉ phục vụ khách quen, còn du khách phương xa thì cũng khó biết đến.
Du khách tự khám phá các vùng quê sinh thái cũng luôn được người dân địa phương nhiệt tình hướng dẫn đường đi- Ảnh: Lê Hiền
Giờ đây trong thời buổi công nghệ thông tin, nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như điện thoại, máy tính, nhiều người cũng dễ dàng tìm được các địa chỉ cần đến. Thế nhưng, với một số người, việc hỏi thăm qua những người dân địa phương vẫn là cách hay nhất. Với khả năng ngoại ngữ của mình, nhiều người đã hướng dẫn đường cho cả du khách nước ngoài. Cũng có người thấy khó diễn đạt bằng ngoại ngữ đối với các từ chỉ phương hướng thì họ lại nghĩ ra cách vẽ vào giấy để du khách tìm hướng đi. Các tình huống này thường gặp khi khách nước ngoài tự đạp xe đến các vùng ngoại thị có cảnh quan khá giống nhau, lại chưa có tên đường hoặc biển chỉ dẫn để du khách nhận biết. Chính sự hướng dẫn cặn kẽ nhiệt tình này đã để lại trong du khách sự quý mến, thiện cảm với người dân địa phương. Nói như nhà nghiên cứu Trần Văn An, Phó Giám đốc TT QLBTDSVH Hội An, đó cũng là nét đẹp xuất phát từ tấm lòng, từ bản chất của người phố Hội. “Hình thành nên một nét riêng mà khi đến Hội An nhiều người thấy. Muốn diễn tả như thế nào thì nó khó nhưng cảm nhận từng cái qua những cái hành động, việc làm, cử chỉ, ví dụ như hỏi thăm nhà người ta sẵn sàng chỉ, có những trường hợp thì chỉ vẽ đến tận nơi. Hỏi thăm thì chân tình, có thể trao đổi những vấn đề gì có thể giúp đỡ được người ta sẵn sàng giúp đỡ. Tôi nghĩ những nếp sống đó cần được duy trì trong điều kiện sống ngày nay.”
Ngày nay trong dòng chảy náo nhiệt của đô thị, nhiều người dân ở các thành thị lớn luôn “cửa đóng then cài”, có phần thờ ơ, hờ hững với xóm giềng và với cả du khách. Ở phố Hội, dù không vồn vã nhưng người dân vẫn luôn gìn giữ lòng nhiệt tình, điềm đạm khi giúp đỡ người khác. Đó chính là nét đẹp nhân văn, góp phần làm nên một Hội An nhân tình thuần hậu trong bấy lâu nay và trong cả mai sau.
Lê Hiền