Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 12/8/2017, UBND TP. Hội An đã ban hành Quyết định phê duyệt “Kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố đến năm 2020”.
Hằng năm, bắt đầu từ tháng 6, Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiến hành khảo sát tất cả các di tích kiến trúc trên địa bàn thành phố để có biện pháp chống đỡ, chủ động ứng phó với tình hình mưa bão, lũ lụt.
Theo ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung Tâm thì quá trình xuống cấp của di tích là không thể lường trước được do có những hư hại nằm sâu trong từng vật liệu kiến trúc, ngóc ngách của từng ngôi nhà. Vì thế việc khảo sát kỹ lưỡng bao nhiêu thì sẽ hạn chế được sự xuống cấp bấy nhiêu.
Di tích Chùa Cầu thường xuyên bị tác động trong mỗi mùa mưa lũ- Ảnh: Quốc Hải
Kết quả khảo sát các di tích xuống cấp có nguy cơ sụp đổ do Trung tâm thực hiện mới đây cho thấy, trong số 44 di tích được khảo sát, có 7 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 23 di tích xuống cấp nặng, còn lại là di tích xuống cấp nhẹ. Qua đánh giá hiện trạng cũng như sức chịu đựng của các di tích, Trung tâm đã phân loại 37 di tích thuộc diện cần chống đỡ, 7 di tích cần hạ giải tu bổ.
“Đối với khu phố cổ, chúng tôi phối hợp với 3 phường trung tâm là Cẩm Phô, Minh An và Sơn Phong thông báo cho từng chủ di tích để tiến hành các biện pháp chống đỡ. Trung Tâm lập danh sách các di tích gửi cho BCH PCLB thành phố, các phường để quan tâm đến các di tích này khi có bão lụt. Cụ thế là những ngôi nhà, di tích nào khi có bão lụt đến phải di dời cục bộ, hoặc di dời đi nơi khác” – Ông Trung nói.
Không chỉ nỗ lực giữ gìn di sản kiến trúc đô thị cổ, để chuẩn bị tốt cho công tác PCLB & TKCN trong mùa mưa bão năm nay, BCH PCLB & TKCN thành phố đã yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và duy tu, bảo dưỡng toàn bộ trang thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Rà soát các phương án bố trí sơ tán, di dời dân; đảm bảo lương thực, thực phẩm; điều động lực lượng xung kích tìm kiếm cứu nạn đồng thời phải đảm bảo an toàn cho các công trình, trụ sở trong mùa mưa bão.
Các lực lượng xung kích sẵn sàng ứng phó với thiên tai- Ảnh: Quốc Hải
Hiện nay, ngoài lực lượng của các xã – phường, cơ quan, đơn vị, thành phố đã chuẩn bị 400 thành viên trong lực lượng xung kích của các Trường CĐ-ĐH, Đoàn Thanh niên và bộ đội; 25 tàu thuyền từ 30 sức ngựa trở lên; 6 chiếc ca-nô và sẵn sàng điều động tất cả xe ô-tô của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn khi bão lũ ảnh hưởng trực tiếp đến Hội An.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Hội An, trong đó, cơn bão hồi tháng 10 năm 2013 với sức gió cấp 12, giật trên cấp 14 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, hằng năm, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển liên tục xảy ra, tác động nghiêm trọng đến đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thống kê cho biết, thiệt hại do thiên tai gây ra trong 7 năm qua là rất lớn. Toàn thành phố đã có 8 người chết, 8 người bị thương, 18 ngôi nhà bị sập hoàn toàn cùng 712 ngôi nhà khác bị hư hỏng với tổng giá trị thiệt hại hơn 72 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, ngày 12 tháng 8 vừa qua, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt “Kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn thành phố đến năm 2020”. Để ứng phó, thành phố có biện pháp bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm; lập phương án và địa điểm sơ tán bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”,…
Làm việc với BCH PCLB&TKCN thành phố, các cơ quan, ban ngành, trường học, doanh nghiệp, xã – phường trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “Để triển khai các phương án thì tinh thần, thái độ của chúng ta, những người trực tiếp triển khai, trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện là hết sức quan trọng. Nếu có phương án tốt mà thiếu sự triển khai chu đáo thì hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, tôi yêu cầu phải hết sức tích cực trong công tác chuẩn bị để hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do thiên tai gây ra”.
Quốc Hải