Thị trường du khách mới: nhiều nhưng chưa hẳn bền!

Trong những năm gần đây, Hội An trở thành điểm đến yêu thích, thu hút đông du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đến tham quan, khám phá nhưng đây có phải là dòng khách chủ đạo và bền vững hay không?

Làng gốm truyền thống Thanh Hà thường xuyên thu hút du khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu

Trong vài năm gần đây, ngoài thị trường khách truyền thống đến từ các nước Châu Âu, Úc và Bắc Mỹ, lượng khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… đến Hội An tăng đáng kể. Lượng khách Trung Quốc tăng là điều dễ hiểu vì thị trường khách này có nhiều thuận lợi về hướng khai thác và tăng diện rộng trên cả nước. Còn thị trường khách Hàn Quốc tăng, nguyên do theo các nhà quản lý ngành là từ năm 2013, Hội An đã tham gia chương trình kích cầu, khai thác thị trường này cho 3 địa phương “một điểm đến” gồm: Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế nhân khai trương, mở các tuyến đường bay mới từ miền Trung Việt Nam đến Hàn Quốc. Và  sau đại dịch Covid-19 đến nay, lượng khách tăng có thêm thị trường Ấn Độ…

Mặt khác, cũng theo ý kiến của một số doanh nhân kinh doanh lữ hành du lịch, xu hướng tham quan khám phá Việt Nam đang là trào lưu của một bộ phận không nhỏ lớp trung niên và thanh niên Hàn Quốc trong những thời điểm thuận tiện. Một số điểm đến nổi tiếng của Việt Nam về di sản, danh thắng, trung tâm vui chơi, mua sắm… được lưu truyền trên các trang mạng xã hội quen thuộc của người dân xứ Hàn. Ở Quảng Nam, các điểm đến như: phố cổ Hội An, biển đảo Cù Lao Chàm, Cửa Đại, An Bàng… là những địa danh được nhiều bạn trẻ xứ sở kim chi truyền tai nhau, hứa hẹn tìm đến. Và thực tế, tại một số điểm tham quan chính như: khu rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà… khách Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nguồn khách chung  

Việc tăng lượng khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ đến ngày càng đông bên cạnh niềm vui cũng thoáng có nỗi âu lo. Ông Phan Xuân Thanh – Tổng Giám đốc Công ty Emic Hospitality, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ, xu hướng của khách Châu Á hay mô hình kinh doanh của Châu Á thường theo mùa vụ. Thị trường của Việt Nam được ưa chuộng bây giờ nhưng sau 5 năm, 10 năm tới, có thể sẽ thay đổi, người ta không chọn nữa mà đi tìm thị trường khác. Vì vậy không nên vội vàng chạy theo để đáp ứng một thị trường khách nào cả vì đến khi sụt giảm lượng khách thì phải tính sao đây. “Đó là bài toán đặt ra, chúng ta phải suy nghĩ!”, ông Thanh lưu ý.

Khách Hàn Quốc thích đến Rừng dừa Bảy mẫu, xã Cẩm Thanh để trải nghiệm bơi thuyền thúng, nghe nhạc và xem lắc thúng chai

Ở góc độ khác, có thể thấy sở thích, thị hiếu của các thị trường khách ở các khu vực trên thế giới khác biệt là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ cho du khách; đồng thời càng khó tạo ra sản phẩm đặc trưng, bất cập về khả năng đáp ứng, lúng túng bị động trong việc giữ chân du khách lưu trú hoặc lôi cuốn khách quay lại nhiều lần. Chị Trần Thị Mai – chủ kinh doanh một nhà hàng ở Rừng dừa Bảy mẫu, thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh thổ lộ: “Có chỗ này hơi vướng bận một chút, nhà hàng em đón khách từ buổi gần trưa, chủ yếu là khách Tây nhưng buổi chiều có thêm khách Hàn, chiếm đông hơn. Hai loại khách khác biệt lẫn nhau, buổi chiều khách Hàn bắt buộc phải dùng âm thanh loa kẹo kéo như rứa mới vui được, nhưng lượng khách Tây không thích âm thanh ồn ào nên không ngồi nữa và ra về…”

Du lịch Hội An từ trước tới nay không phụ thuộc bất kỳ thị trường khách nào nhưng việc xây dựng, thu hút thị trường khách truyền thống, khách có mức chi tiêu cao, nhất là các nước Tây Âu, Úc và Bắc Mỹ được chú trọng tập trung để tạo ổn định cho sự phát triển của du lịch thành phố. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: “Nên bán cái mình có chứ mình không nên bán cái họ cần, tại vì chúng ta chưa đánh giá, chưa khẳng định được tính bền vững của lượng khách đó đối với Hội An. Hội An đã chứng nghiệm được tính bền vững của thị trường khách là khách Châu Âu qua hơn 20 năm rồi, còn khách Châu Á chỉ mới vài năm trở lại thôi!”.

Còn ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, nhất thiết phải thích ứng với xu hướng du khách mới để phục hồi ngành kinh tế du lịch mũi nhọn nhưng không phụ thuộc vào thị trường nào cả. Điều quan trọng là cần nâng cao chất lượng những sản phẩm đặc trưng, riêng có mà đông đảo du khách muôn phương hằng yêu thích và tạo thêm các sản phẩm mới đặc sắc, phù hợp với xu thế.

Với đặc thù là đô thị thương cảng cổ xưa, có các làng quê, làng nghề truyền thống mang trong mình nhiều giá trị văn hoá đặc sắc mà ít nơi nào có được và mối tương quan giữa “vẻ đẹp không trùng lắp” của quần thể kiến trúc đô thị cổ – di sản văn hóa thế giới với sự nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, sư đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An chính là lợi thế của Hội An, là đặc điểm phù hợp với thị trường khách ở các nước công nghiệp phát triển. Ruộng vườn, hồ ao, sông nước, biển đảo… không chỉ là nơi sản xuất, khai thác làm ăn của người dân mà còn là nơi tổ chức, làm ra các sản phẩm du lịch độc đáo, luôn hấp dẫn đối với du khách muôn phương khi đến tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm và khám phá… ở Hội An.

ĐỖ HUẤN