Ngày 28.2, Phòng Văn hoá và Thông tin TP. Hội An tổ chức chương trình thông tin, tập huấn chuyên đề chia sẻ thông tin dự báo thị trường khách du lịch Hội An năm 2024 và quản lý, sử dụng dữ liệu thông tin khách hàng kinh doanh lưu trú. Hơn 70 đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp lưu trú, vận chuyển, lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố tham dự.
Bà Phạm Thị Ngọc Dung – Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Hội An cho biết, năm 2023 có 4 triệu lượt khách đến Hội An, tăng 99,79% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế 3 triệu lượt, tăng hơn 327%, khách Việt Nam 1 triệu lượt, chỉ đạt 76,98% so với năm 2022. So với năm 2019, tốc độ phục hồi khách quốc tế lưu trú tại Hội An năm 2023 là 84%; lượng khách đón từ thị trường Châu Á đạt 99%; tỷ lệ khách lưu trú qua đêm tại Hội An đạt 43%, tăng 9 so với năm 2019.
Về cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Hội An, Top 3 thị trường Châu Á là Hàn Quốc (18,9%), Đài Loan (13,6%) và Malaysia(5,7%). Top 3 thị trường Châu Âu gồm Vương quốc Anh (7,2%), Pháp (5%) và Đức (4%).
Ông Phạm Nguyên Vũ – Ahoy Hoi An Boutique Resort & Spa cho hay: “Thông tin dữ liệu về nguồn khách lưu trú, khách tham quan là cực kỳ quan trọng, có tính sống còn của doanh nghiệp để dự đoán khả năng kinh doanh cho thời tới. Hầu hết Bộ phận kinh doanh hay Giám đốc điều hành đều cần phải nghiên cứu số liệu này. Khi có Công ty chuyên nghiên cứu thị trường cung cấp thì số liệu chắc hơn, tạo niềm tin để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch”.
Phân tích dựa trên dữ liệu thống kê khách quốc tế lưu trú tại Hội An qua các năm (từ 2019 đến nay), Công ty TNHH Outbox, trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh (Công ty nghiên cứu thị trường và giải pháp dữ liệu thấu hiểu du khách tại Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương – APAC) nhận định, đặc điểm cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Hội An đa dạng, mức độ phụ thuộc thị trường gửi (thị trường ở đó xuất hiện nhu cầu du lịch, du khách xuất phát từ đó và đi đến nơi khác để tiêu dùng du lịch) thấp; cơ cấu thị trường ổn định, sự dịch chuyển dòng khách từ các thị trường không nhiều; cùng với đó là sự xuất hiện các của thị trường mới với tốc độ tăng trưởng cao và tỷ trọng lớn (như Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ).
Theo Thạc sĩ Nguyễn Anh Thư, Giám Đốc Nghiên cứu Công ty TNHH Outbox, kể từ đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch ít tương quan chặt chẽ hơn với các động lực kinh tế vĩ mô truyền thống. Các yếu tố chi phí cao kéo dài có thể làm giảm nhu cầu đi lại liên tục, trong đó, lạm phát, chi phí du lịch tăng, giá vé máy bay cao. Thêm vào đó, tâm lý tiêu dùng cho du lịch khác nhau lớn giữa các thị trường. Dù vậy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) cho thấy ý định đi du lịch vẫn tăng ở một số quốc gia nhưng đang giảm ở một số thị trường nguồn chính, đáng chú ý nhất là ở Châu Âu.
Sau 2 năm phục hồi, du lịch Hội An đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong quá trình phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút du khách quốc tế. Hiện nhóm thị trường chiếm lĩnh và khó thay thế là Hàn Quốc và Trung Quốc; trong ngắn hạn và trung hạn, hai thị trường này vẫn sẽ có tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của du lịch Việt Nam. Nhóm thị trường tiềm năng để mở rộng gồm Đài Loan, Thái Lan và các thị trường Đông Nam Á khác; du lịch liên vùng là lợi thế lớn để Việt Nam thu hút du khách ở các thị trường lân cận. Nhóm thị trường Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức vẫn là các thị trường quan trọng với khả năng chi tiêu cao, các thị trường này đang bão hoà, cần cách tiếp cận khách để tạo nhu cầu mới và duy trì dòng khách”.
“Chúng tôi muốn cung cấp thông tin về tình hình thị trường Hội An như thế nào, sự khác biệt ra sao để cho các doanh nghiệp có sự chuẩn bị và đề ra giải pháp tiếp cận, thu hút khách trong giai đoạn mới. Một trong những công cụ để định hướng thị trường, thu hút khách tốt hơn là ứng dựng dữ liệu; bắt đầu bằng dữ liệu thống kê, mỗi dữ liệu sẽ nói lên vấn đề gì đó. Dựa trên dữ liệu Hội An trong bối cảnh chung của du lịch Việt Nam, dự báo khách trở lại Hội An đạt mức năm 2019, thậm chí hơn theo xu hướng chung” – Thạc sĩ Nguyễn Anh Thư nói.
Được biết, Sở VH-TT&DL Quảng Nam hiện đang triển khai việc khảo sát chi tiêu và thông tin từ du khách. Dữ liệu từ cuộc khảo sát chi tiêu sẽ giúp phân tích các đặc điểm thông tin du khách, xác định đặc tính chi tiêu của du khách khi đến Quảng Nam, đánh giá chất lượng trải nghiệm của du khách. Từ đó, đề xuất các định hướng, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút thị trường khách tiềm năng và thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu của du khách khi đến Quảng Nam.
Ông Vương Đình Mạnh, Tổng quản lý La Siesta Hoi An Resort & Spa nói: “Mình thấy ở Hội An việc áp dụng công nghệ phân tích thị trường, maketting chuyên sâu chưa hiệu quả nên buổi tập huấn này có nhiều cái hay để cho các doanh nghiệp áp dụng. Đặc biệt, nếu có các dữ liệu như thế này thì các doanh nghiệp có thể áp dụng, đi sâu vào thị trường tiềm năng, thị trường đã có và cả thị trường tương lai nữa. Đây là điều rất hay !”./.
QUỐC HẢI