Phát huy giá trị bản địa ở làng rau Trà Quế

Các giá trị văn hóa truyền thống ở làng rau Trà Quế đang được TP.Hội An, xã Cẩm Hà chú trọng phát huy gắn với chuyển đổi phương thức sản xuất nhằm nâng cao giá trị rau Trà Quế, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.

Lễ hội Cầu Bông- nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc trong đời sống của người dân làng rau Trà Quế

Hằng năm, cứ vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch, ở làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà diễn ra lễ hội Cầu Bông. Người dân trong làng trong trang phục chỉnh tề cùng tập trung về sân cúng Cầu Bông để dâng lễ vật cúng và tổ chức lễ tế trang trọng nhằm tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá đất đai, tạo lập làng nghề và cầu cho mưa thuận gió hòa, rau hoa tươi tốt.


Cùng với phần lễ cúng Cầu Bông, phần hội với các hoạt động như thi gói tam hữu, đúc bánh xèo, chế biến cao lầu và thi trình diễn thao tác làm đất cấy cải. Các hoạt động đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.


“Tôi đến từ Pháp và có lần đầu tiên tham quan làng rau này. Thật vui khi được cùng với nông dân ở đây cuốc đất, trồng rau”, một du khách bày tỏ.


Làng rau Trà Quế có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 năm. Trải qua bao đời, nhờ thổ nhưỡng và kỹ thuật trồng, chăm bón thích hợp, nhất là nguồn phân làm từ các loại rong ở đầm Trà Quế và sông Đế Võng nên rau Trà Quế không những phong phú về chủng loại mà còn có mùi thơm riêng biệt.

Du khách thích thú trải nghiệm làm đất, trồng rau cùng nông dân Trà Quế

Ở làng rau Trà Quế, người dân vẫn giữ và canh tác giống cây trồng bản địa qua hàng trăm năm. Tri thức dân gian được nông dân tích lũy theo thời gian, trong từng công đoạn sản xuất. Với những giá trị nổi bật, nghề trồng rau Trà Quế được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ghi vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” vào năm 2022.


Ông Mai Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết thêm: “Lễ hội Cầu Bông cũng là dịp để quảng bá với du khách trong nước và quốc tế về những giá trị đặc sắc ở làng rau Trà Quế. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối các làng nghề, các vùng lân cận để phát triển loại hình du lịch sông nước, du lịch cộng đồng qua đó phát huy các nghề trồng rau ở Trà Quế cũng như của xã Cẩm Hà”.

Làng rau Trà Quế được định hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình hữu cơ, tạo môi trường sản xuất an toàn và nâng giá trị sản phẩm

Theo Đề án của TP.Hội An về xây dựng Cẩm Hà – xã nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển năng động, bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, rau Trà Quế và quật cảnh được xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương. Riêng tại làng rau Trà Quế, cùng với duy trì ổn định diện tích sản xuất ở làng rau, sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình hữu cơ, tạo môi trường sản xuất an toàn, nâng giá trị sản phẩm rau Trà Quế.


“Hiện nay, việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp sang sản xuất sạch là xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, du khách ngày càng thích hướng về môi trường, thiên nhiên và có xu hướng thích trải nghiệm, khám phá các sản phẩm du lịch mang bản sắc truyền thống. Do vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ làng nghề rau Trà Quế và đi theo các hướng nêu trên thì tôi cho rằng sẽ mang lại giá trị tốt và bền vững cho địa phương và chính người dân”, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

PHAN SƠN