Năm 2021, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (Khu sinh quyển) đã thực hiện đề án thành lập Khu bảo vệ cảnh quan rừng dừa nước Cẩm Thanh vùng hạ lưu sông Thu Bồn và xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu vực này là vùng lõi thứ 2 của Khu sinh quyển. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều vướng mắc.

Xã Cẩm Thanh nằm trong vùng đệm của Khu sinh quyển, giữa Cù Lao Chàm và vùng cửa sông Thu Bồn – Cẩm Thanh có mối quan hệ về mặt sinh thái, quần thể, nhiều bãi đẻ của các loài cá, tôm,… Đây là Khu bảo tồn nguồn giống thủy sản dựa vào cộng đồng, làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh đề án thành lập Khu bảo vệ cảnh quan rừng dừa nước Cẩm Thanh vùng hạ lưu sông Thu Bồn.
Ông Lê Nhương – Tổ quản lý cộng đồng Cẩm Thanh cho biết, cùng với dự án “Sử dụng bền vững vùng đất ngập nước dừa nước Cẩm Thanh”, từ năm 2015 đến năm 2017, tỉnh cũng đã đầu tư 28 tỷ đồng “Trồng và phục hồi rừng dừa nước ven biển Cẩm Thanh nhằm tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng”. Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh, bổ sung dự án với kinh phí trên 25 tỷ rưỡi đồng, điều chỉnh mật độ trồng mới rừng dừa nước.
Đến nay, các hoạt động vì sinh kế cộng đồng đã và đang mang lại nhiều kết quả. Hoạt động bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ đắc lực cho sinh kế cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo, Trưởng Ban thư ký Khu sinh quyển cho biết: “Cơ chế đối tác hỗ trợ bằng cách gắn kết 4 nhà: doanh nghiệp, nông – ngư dân, quản lý và khoa học đang phát huy hiệu quả. Đây là cơ sở để lập kế hoạch quản lý và quy chế quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa nước và các tài nguyên khác tại Cẩm Thanh – Hội An”.
Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân tham gia thực hiện, nhà khoa học hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, phát triển rừng dừa, nhà quản lý tạo cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư, tạo cơ sở pháp lý nhằm hỗ trợ, giám sát và xử lý vi phạm trong khu vực rừng dừa nước. Cuối cùng, người nông dân, ngư dân là lực lượng chính tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An – Trưởng Ban quản lý Khu sinh quyển, khi thiết lập Khu bảo tồn cộng đồng tại xã Cẩm Thanh, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận vùng lõi thứ 2 trong Khu sinh quyển, Cẩm Thanh sẽ được quản lý và phát triển bền vững như Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm – vùng lõi thứ nhất của Khu sinh quyển.
“Tuy nhiên, qua nghiên cứu của đơn vị tư vấn, nếu áp dụng theo Luật Lâm nghiệp để xây dựng khu vực thành vùng lõi thứ 2 thì phải chuyển toàn bộ diện tích của rừng dừa nước Cẩm Thanh thành rừng đặc dụng thuộc sở hữu Nhà nước. Đây là quy định rất khó trước hết về mặt pháp lý và cả thực tế, sau đó, đa phần diện tích rừng dừa đều thuộc sở hữu của người dân, lợi ích của người dân gắn chặt từ bao đời nay” – Ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Rừng dừa Cẩm Thanh trước đây chỉ có diện tích chừng 7 mẫu, nên gọi là rừng dừa Bảy Mẫu. Đến nay, khu rừng này rộng hơn 84ha, chủ yếu được người dân chăm bón và trồng thêm. Trong khi đó, nếu áp dụng theo Luật đa dạng sinh học, không bị không chế bởi địa giới hành chính thì phải mở rộng phạm vi sang cả khu vực thuộc sự quản lý của huyện Duy Xuyên.
Do đó, UBND thành phố Hội An đang chỉ đạo các ban ngành liên quan tìm hiểu các chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam để kết hợp thực hiện. “Hiện UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT lập đề án thành lập Khu bảo tồn hệ sinh thái vùng ngập nước cửa sông ven biển lưu vực cửa sông, ven biển Thu Bồn – Trường Giang. Vì thế, Hội An kết hợp vào dự án này để xác lập vùng dừa nước thành vùng lõi thì cơ hội cho Cẩm Thanh còn lớn hơn nữa” – Ông Nguyễn Thế Hùng nói./.
QUỐC HẢI