Sơ kết 2 năm (2016 và 2017) thực hiện Chương trình phối hợp giữa Mặt trận và Phòng Tài nguyên – Môi trường với các tôn giáo về “bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, ông Lê Chơi – Chủ tịch UBMT thành phố đánh giá: “Đại đa số bà con nhân dân các tín đồ đã ý thức được tầm quan trọng công tác bảo vệ môi trường và có những mô hình hoạt động cụ thể ở từng khu dân cư. Nổi bật là các hoạt động tuyên truyền vận động sâu rộng trong nhân dân về bảo vệ môi trường như không đốt vàng mã khi đưa tang, không chặt cây, bẻ cành, đổ rác, phân loại rác đúng quy định, thực hiện tốt công tác thu gom rác thải, bảo vệ nguồn nước, xây dựng các tuyến đường tự quản tại các địa bàn dân cư…”
Chính thức phát động từ tháng 11 năm 2016, với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động sáng tạo, phù hợp, đến nay Chương trình đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào theo đạo được nâng cao nhờ công tác tuyên truyền vận động được triển khai đồng bộ, thiết thực, cụ thể của từng tôn giáo như ra: Thông bạch, Thông điệp, Thư chung, Thư mục vụ, Lời kêu gọi… cũng như các hoạt động truyền thong nhân các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm và sự kiện trên địa bàn thành phố.
Đại diện Mặt trận – Phòng TNMT và các tôn giáo thành phố ký kết thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 – 2020- Ảnh: Đỗ Huấn
Một số mô hình hoạt động của Giáo hội Phật giáo thành phố, Giáo xứ Hội An, Hội thánh Tin lành chi hội Hội An, Hội thánh Cao đài Tây Ninh Họ đạo Hội An, Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài Họ đạo Hội An, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sưđạo Chùa Nam Tôn ở thành phố và các xã phường được duy trì, nhân rộng đã từng bước làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen sống thân thiện với môi trường của cộng đồng dân cư và đồng bào theo đạo. Đại đức Thích Đồng Văn thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hội An cho biết: “Tham gia tích cực cuộc vận động tại các địa phương, mỗi chùa nhận 1 đoạn đường để thường xuyên chăm sóc, vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm môi trường bằng cách không xả rác, không vứt xác súc vật nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường nước và ô nhiễm không khí. Gia đình phật tử cũng tham gia dọn một đoạn đường có nhiều rác để đem lại cảnh quan sạch đẹp cho thành phố”
Hiện tại cả 13 xã phường đã ký kết với 20 cơ sở thờ tự thực hiện “đoạn đường tự quản” với chiều dài 5.250m. Qua 2 năm phát động đã vận động gần 13.600 lượt người tham gia quét dọn vệ sinh hơn 43.630m đường và thu gom hàng tấn rác thải các loại. Tiêu biểu trong hoạt động là Ban hộ tự chùa Cẩm Thanh, chùa Hội Nguyên (Cẩm Kim), chùa Long Thọ (Minh An), Tịnh xã Ngọc Châu (Cẩm Châu), chùa Phước An (Cửa Đại)…Bên cạnh đó, Ban Thường trực Mặt trận xã phường, các cơ sở thờ tự còn linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, phù hợp với từng tôn giáo để nâng cao nhận thức, hành vi của đồng bào có đạo. Liên đoàn trưởng chùa Hội Nguyên (Cẩm Kim) Lê Ngọc Tuấn trao đổi: “Chúng tôi vận động nói không với thực phẩm bẩn, luôn đặt an toàn thực phẩm trong các dịp lễ tại chùa lên hàng đầu. Chúng tôi luôn phân loại rác thải tại nguồn, với loại dễ phân hủy như lá cây, hoa, chúng tôi phơi khô rồi đốt, một số loại thì làm phân bón. Chỉ những loại rác khó phân hủy mới đưa đến điểm tập kết để xe rác vận chuyển về bãi tiêu hủy, góp phần giảm áp lực cho ngành môi trường. Với các em đoàn sinh gia đình phật tử, chúng tôi giáo dục các em hạn chế việc ăn quà vặt, không vứt rác bừa bãi, có rác thải nếu không có giỏ thì các em bỏ vào ba-lô hay túi quần để đem đến nơi bỏ rác quy định. Trong mỗi dịp trại luôn thực hiện phương châm “đến sạch, ở sạch và đi sạch” để tạo ý thức tự giác, dần dần trở thành thói quen cho mỗi em”.
Bà con đạo hữu ở Cù Lao Chàm chung tay cùng cộng đồng thực hiện “Nói không với túi nilon”- Ảnh: Đỗ Huấn
Ngoài ra, Mặt trận – Phòng TNMT và các tôn giáo trên địa bàn thành phố cũng đã phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, phát huy sáng tạo trong việc tái sử dụng, tái chế chất thải, sử dụng và tiết kiệm năng lượng, tạo và sử dụng nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Kết quả bước đầu sau 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được lãnh đạo thành phố và Mặt trận tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Trong giai đoạn 2018 – 2020, Ban Thường trực UBMT thành phố cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung là các nội dung phối hợp sau: đưa vào chương trình hoạt động hằng năm của các tôn giáo; phát huy bằng những hành động thiết thực, cụ thể; tiếp tục nâng cao nhận thức, xây dựng và nhân rộng các mô hình ở cộng đồng; gắn chương trình với việc triển khai các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội; vận động và huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia đóng góp thực hiện nhiệm vụ này… Ông Lê Thái Bình – Phó Chủ tịch UBMT tỉnh tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của Mặt trận và Phòng TNMT với các tôn giáo, các mục tiêu nội dung sẽ tiếp tục được triển khai đạt hiệu quả cao hơn, góp phần xứng đáng vào sự phát triển bền vững của thành phố Hội An.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Vương Quốc Hòa – UV.BTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy nhấn mạnh thêm: “Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn Hội An quan tâm tổ chức nhiều hơn các hoạt động thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức kiến thức cho đồng bào có đạo trong các dịp sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng, chăm lo việc xây dựng, giữ gìn các cơ sở thờ tự, tôn giáo, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh sạch đẹp, và xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mỗi tôn giáo trong cộng đồng.
Đỗ Huấn