Từ 9 giờ sáng ngày 15/3, UBND thành phố đã huy động các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân tiến hành đợt cao điểm kiểm tra, xử lý, lập lại trật tự kinh doanh, môi trường du lịch, đảm bảo nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2023. “Từng địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể sát với kế hoạch của thành phố để thực hiện. Những gì không đảm bảo trật tự, mỹ quan, phải kiên quyết xử lý”, ông Sơn nói. Đây là đợt tổng kiểm tra, xử lý, lập lại trật tự, mỹ quan đô thị sau đợt ra quân tuyên truyền, vận động, tổng kiểm tra tình hình thực tế ở tất cả các xã phường từ ngày 1/3/2023 với mục tiêu trọng tâm là “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự kinh doanh, môi trường du lịch phục vụ cho sự phát triển của thành phố”.
Cùng với việc tổ chức ra quân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, các phương thức đa dạng đến địa bàn dân cư, trong nửa tháng qua các xã phường cũng tổ chức đến từng hộ dân ở các nhà mặt tiền đường để hướng dẫn chỉnh trang đô thị, yêu cầu cam kết tháo dỡ các mái che, mái vẩy, vật kiến trúc lấn chiếm lòng lề đường và hành lang an toàn giao thông; tổ chức cho hơn 300 hộ kinh doanh trên vỉa hè ký cam kết thực hiện đúng theo quy định, không lấn chiếm vỉa hè, kinh doanh buôn bán; tổ chức kẻ vạch cai đỏ trên các tuyến đường, hướng dẫn người dân để phương tiện xe máy chừa phần đường cho người đi bộ. Cũng trong nửa tháng qua, Công an thành phố đã chủ động chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông rà soát các tuyến đường nhằm phân luồng giao thông, đảm bảo chống ùn tắc cục bộ; rà soát lại tất cả hệ thống biển báo hiệu giao thông đường bộ để phối hợp Phòng QLĐT thay đổi, bổ sung phù hợp với quy định pháp luật và thực trạng giao thông địa phương, tạo hành lang pháp lý để kiểm tra xử lý các phương tiện vào đường cấm, đậu đỗ sai quy định và đã tổ chức kiểm tra xử lý 32 trường hợp vi phạm. Đội Kiểm tra quy tắc thành phố phối hợp các ngành liên quan và UBND các xã, phường rà soát, lập danh sách 57 đối tượng thường xuyên hoạt động cò mồi, chèo kéo khách du lịch để phối hợp tuyên truyền, giáo dục, răn đe nhằm lập lại trật tự kinh doanh trên địa bàn thành phố. UBND các xã phường đã tổ chức rà soát, thống kê các hộ dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, hướng dẫn cam kết không lấn chiếm vỉa hè và hành lang an toàn giao thông; đã tổ chức ký cam kết tự giác tháo dỡ hoạc chấm dứt buôn bán lấn chiếm lòng lề đường với 680 hộ kinh doanh, đến nay đã có 22 hộ tự giác thực hiện. Các Tổ công tác ở các xã phường đã ra quân kiểm tra lập biên bản 62 trường hợp, thu giữ 11 bảng hiệu, 1 xe đạp điện, 1 xe bò kéo.
Tuy vậy, thực trạng hiện nay một số tuyến đường, địa bàn vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, treo biển hiệu, để xe cơ giới chiếm lối đi của người đi bộ, nhất là các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Cửa Đại… Theo khảo sát của Trung tâm QLBTDSVH Hội An trong khu vực I và II khu phố cổ có đến 529 di tích sai phạm theo Quy chế bảo vệ và cảnh quan khu phố cổ về sử dụng mái che bạt di động, các vật liệu tấm poly chói sáng, lấn chiếm vỉa hè và sắp xếp, trưng bày hàng hóa che khuất các chi tiết kiến trúc di tích, sử dụng ánh sáng trắng, bảng hiện không đúng quy định. Ngoài ra việc phơi phong áo quần, lắp đặt điều hòa, ống khói… của các chủ sở hữu di tích và hộ gia đình cũng làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu phố cổ. Các khu vực phức tạp nhất là: chợ Hội An, các tuyến đường Bạch Đằng, Tiểu La, Nguyễn Thái Học… Về thực trạng kinh doanh, buôn bán hàng rong, vỉa hè trong khu vực I phố cổ, ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết: qua khảo sát 40 điểm với 62 hộ, cá thể buôn bán theo Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2016 thì đã có sự thay đổi về người bán, kích thước mặt bằng mở rộng hơn, nhóm hàng bán không phải là hàng lưu niệm truyền thống mà là các sản phẩm lấy từ nơi khác về như: đồ chơi bằng nhựa, hàng lưu niệm hiện đại, tranh 3D… Công cụ, phương tiện cũng không đảm bảo theo Đề án, chủ yếu sử dụng những vật liệu hiện đại như kệ bằng khung sắt, thùng xốp, dàn giấy alu, che dù… Cách bố trí hàng hóa, vật dụng che chắn di tích, làm mất mỹ quan đô thị. Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An Phạm Phú Ngọc cho biết thêm: “Trong phố đi bộ hiện nay phát sinh thêm 38 điểm buôn bán vỉa hè (so với Đề án), còn hàng rong bán chạy loanh quanh suốt từ sáng đến trưa, chiều và tối nhưng đông nhất là buổi chiều với hơn 100 người”
Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường cuộc sống lành mạnh, văn minh là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài. Lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, xây dựng Hội An là điểm đến an toàn, thân thiện là nhiệm vụ cấp thiết, liên tục, đòi hỏi tất cả các cơ quan, đơn vị, xã phường, cộng đồng dân cư, các lực lượng xã hội toàn thành phố vừa phải nêu cao tinh thần trách nhiệm vừa phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tiến hành những biện pháp kiên quyết, chặt chẽ. Tất cả các xã phường chủ động triển khai thực hiện theo kế hoạch và chỉ đạo của UBND thành phố. Các lực lượng chức năng, các tổ công tác của thành phố trước mắt tập trung hỗ trợ các phường trung tâm như Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, nhất là khu phố cổ để kiểm tra, hướng dẫn và xử lý kịp thời. Ông Võ Đăng Phong – Chủ tịch UBND phường Minh An nói, địa phương đã rà soát rất kỹ với nhiều nội dung liên quan và phương châm là làm kỹ và chắc, làm đến đâu xử phạt đến đó.
Đợt tổng kiểm tra, xử lý lập lại trật tự, mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố lần này kéo dài đến ngày 15/4, tập trung chú ý đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, người bán hàng rong, xe đẩy không tự giải tỏa, thu dọn, tháo dỡ mái che, mái vẩy, các mặt hàng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè; những đối tượng thường xuyên hoạt động cò mồi, chèo kéo khách du lịch; những cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng quy định niêm yết giá, buôn bán “chặt chém”; các khu vực chợ đêm, kinh doanh, buôn bán hoặc trông giữ xe…
ĐỖ HUẤN