Theo đánh giá của BCĐ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới TP.Hội An, nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ thành phố đến xã, thôn nên việc thực hiện Chương trình trong 3 năm qua (2016 – 2018) đã đạt những kết quả tích cực.
Xã đảo Tân Hiệp được công nhận đạt 19/19 tiêu chí Chương trình xây dựng Nông thôn mới năm 2018- Ảnh: Đỗ Huấn
Từ nguồn vốn của Chương trình nông thôn mới và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác, trong 3 năm qua các xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, góp phần đạt chuẩn, duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí về cơ sở hạ tầng về KTXH.
Đáng chú ý là đã nâng cấp, mở rộng, bê tông và cứng hóa 17,7 km đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng; kiên cố hóa gần 4,560 km kênh mương, phục vụ tưới tiêu cho 104 ha; hoàn chỉnh cơ bản hệ thống điện chiếu sáng và phục vụ sinh hoạt trên địa bàn 4 xã; các cơ sở vật chất giáo dục, văn hóa, thương mại nông thôn… cũng được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu. Đến cuối năm 2018, trừ xã Cẩm Kim còn lại 3 xã đều đạt tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. Các tiêu chí về thủy lợi, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, cả 4 xã đều đạt. Tổng thể các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đã được đầu tư cơ bản. Riêng đối với các công trình đã đầu tư lâu năm cần nguồn vốn lớn để duy tu, bảo dưỡng, rất cần sự hỗ trợ của trung ương và tỉnh.
Phát triển sản xuất gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ và dịch vụ du lịch– Ảnh: Đỗ Huấn
Bên cạnh đó, công tác phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, mở mang dịch vụ du lịch luôn được chú trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, cải thiện đời sống văn hóa, củng cố ANQP tại địa phương… Chẳng hạn như xã Cẩm Kim đã xây dựng 3 dự án trồng rau, dâu tằm lấy quả, chuối hữu cơ tại thôn Trung Hà và Phước Thắng với diện tích 3,18 ha và 43 hộ gia đình tham gia. Cạnh đó, chính quyền và các đoàn thể tiếp tục triển khai nhân rộng dự án phân trùn quế tại thôn Phước Thắng với 10 hộ tham gia, nhân rộng mô hình trồng bí đao, khổ qua trên một số diện tích đất màu, triển khai mô hình nuôi cá bè theo đề án của Phòng Kinh tế chỉ đạo. Hai năm gần đây, Cẩm Kim còn hợp đồng với Công ty Tân Phú Quang trồng và bao tiêu sản phẩm 13 ha ớt cho nông dân. Xã Cẩm Thanh đã đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, mở rộng khu sản xuất theo mô hình rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông. Với tổng vốn hơn 100 triệu đồng, Cẩm Thanh đã nâng tổng diện tích sản xuất khu vực này lên gần 1 ha, phát triển thêm vườn rau hữu cơ tại thôn Võng Nhi với diện tích 1000m2. Đến nay, các mô hình này còn là điểm đến tham quan, giáo dục ngoại khóa cho du khách và học sinh, sản phẩm của các khu vực này cũng đã được chứng nhận rau hữu cơ PGS Hội An, giá cả đảm bảo ổn định, được nhiều doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ nhận đặt hàng lâu dài, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Xã Cẩm Hà triển khai dự án xây dựng mô hình chăn nuôi giống gà mới King 353 với 33 hộ cho thu nhập bình quân 2 triệu 478 ngàn đồng/hộ trong năm 2016, xây dựng và mở rộng mô hình cây măng tây đến 22 hộ với diện tích 8.700m2 (năm 2016 và 2017) để phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn tiếp theo đã được cả 4 xã triển khai thực hiện từ năm 2018. Với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), năm qua Phòng Kinh tế thành phố đã tích cực hỗ trợ về máy móc thiết bị, thiết kế bao bì, câu chuyện sản phẩm, công bố chất lượng, mã vạch, mã code… cho 3 sản phẩm của 3 cơ sở sản xuất là sản phẩm lồng đèn của Công ty TNHH DV Hoa Nam, sản phẩm tương ớt của Công ty TNHH Đại Chí Foods và sản phẩm bánh đậu xanh của cơ sở sản xuất bánh đậu xanh bà Nguyễn Thị Bông. Kết quả thực hiện được bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới của thành phố cho biết, kết quả đánh có 2 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh theo tiêu chí của Chương trình, đó là lồng đèn Hoa Nam và tương ớt Đại Chí Foods, còn bánh đậu xanh Bông do chưa đảm bảo về bao bì sản phẩm nên chỉ đạt 2 sao cấp thành phố. “Tỉnh chỉ đánh giá công nhận sản phẩm đạt 3 sao sau khi đã công nhận ở địa phương, còn 2 sao thì tỉnh không đánh giá”, bà Vân nói.
Nhờ phát triển sản xuất hiệu quả nên đến cuối năm 2018, ngoại trừ xã Cẩm Kim, 3 xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà và Tân Hiệp đều đạt tiêu chí về thu nhập, cả 4 xã đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đạt tiêu chí về giảm hộ nghèo bền vững. Các tiêu chí về giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự xã hội… cũng thu đạt những kết quả đáng kể, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 – 2018, xã Tân Hiệp đạt 19/19 tiêu chí, xã Cẩm Thanh và Cẩm Hà đạt 16/19 tiêu chí, xã Cẩm Kim đạt 12/19 tiêu chí. Như vậy, xã Tân Hiệp cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2018. Các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim nâng được số tiêu chí đạt chuẩn. Đến cuối năm 2018, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn mỗi xã là 16,5 tiêu chí, tăng 11,3 tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 1,75 tiêu chí/xã so với năm 2015. Thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp) được công nhận đạt “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
Thôn Bãi Hương (xã Tân Hiệp) được công nhận “Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu” năm 2018– Ảnh: Đỗ Huấn
Đạt được kết quả đó, yếu tố đầu tiên cần xác định là sự huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư thực hiện. Tổng nguồn vốn huy động trong 3 năm cho xây dựng NTM đạt 157 tỷ 983 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước trực tiếp từ Chương trình và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 130 tỷ 683 triệu đồng (chiếm 82,7%), vốn tín dụng 26 tỷ 854 triệu đồng (chiếm 17%), vốn nhân dân đóng góp 446 triệu đồng (chiếm 0,3%). Đặc biệt là UBND thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động, lồng ghép các nguồn vốn để nâng cấp, xây mới các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh, tập trung ưu tiên cho các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2016 – 2020 như Đề án Cẩm Kim – làng quê, làng nghề sinh thái, Tân Hiệp – phát triển bền vững… với tổng kinh phí gần 44 tỷ đồng. Các xã cũng đã tranh thủ, huy động các nguồn vốn của thành phố, nguồn xã hội hóa để duy tu, bảo dưỡng, xây mới, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật… Tuy vậy, trong công tác này cũng cần lưu ý những hạn chế. “Nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng từ trung ương, tỉnh và thành phố còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nhất là vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn, trong khi nguồn đầu tư ngân sách của các xã còn quá thấp. Bên cạnh đó nguồn đóng góp của cộng đồng và người dân thì chưa nhiều!”, ông Võ Quảng Lâm – Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố chia sẻ.
Vẫn còn những hạn chế như: công tác quy hoạch, sự bất cập của một số chỉ tiêu quy định so với thực tế, việc thực hiện và duy trì đạt chuẩn các tiêu chí “mềm”, điều kiện đặc thù của một số địa bàn khó khăn… nhưng toàn thành phố phấn đấu sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 – 2020 với mục tiêu xây dựng nông thôn Hội An phát triển bền vững, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả, gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, làng nghề, hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn…
Riêng năm 2019, có 3/4 xã giữ vững danh hiệu xã NTM, trong đó tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng “Xã đạt chuẩn NTM nâng cao” đối với 2 xã Cẩm Hà và Cẩm Thanh và “Xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu” đối với xã Tân Hiệp, nâng cao chất lượng và tiêu chí đạt chuẩn NTM của xã Cẩm Kim, đồng thời tăng số lượng thôn đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. “Tất cả tùy thuộc vào tư duy sắc bén, sự cộng tác phối hợp của các lực lượng chính trị ở địa phương. Hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng, mối gắn kết giữa mặt trận, đoàn thể cùng với nhà nước và Đảng phải đồng bộ!”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hội An xác định.
Đỗ Huấn