Không gian công cộng (KGCC) không chỉ là nơi kết nối, giao lưu trong đời sống của cộng đồng dân cư mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp của Hội An – thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, nên cần mang những nét đặc trưng của di sản văn hóa thế giới.
Rất nhiều du khách nước ngoài đều có chung nhận định là ở Hội An có một không gian công cộng (KGCC) rất đặc trưng, đó là phố dành cho người đi bộ. Đây là điểm tham quan, mua sắm mà du khách ít phải lo ngại về tai nạn giao thông. Đường phố có khi là nơi diễn ra các hoạt động xã hội, các sự kiện văn hoá – du lịch… Qua nhiều năm thực hiện, từ “Phố không có tiếng động cơ”, “Phố dành cho xe thô sơ”, đến “Phố đi bộ”, loại hình KGCC này không chỉ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng sống của cư dân thành phố mà còn là hình ảnh đặc trưng của một thành phố du lịch thân thiện.
Cạnh đó còn phải kể đến các KGCC khác đã để lại ấn tượng đối với du khách gần xa và nhân dân thành phố như: Quảng trường Sông Hoài, Vườn tượng An Hội (bờ nam sông Hoài), công viên Kazik (đường Trần Phú), Công viên tượng đài Chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, Khu hồ điều hòa Trảng Kèo (Cẩm Hà – Tân An), các sân đình, hội quán, bãi tắm biển công cộng, các vườn hoa tại các khu dân cư… Tất cả đã tạo nên diện mạo mới lạ, đẹp mắt, góp phần nâng cao chất lượng của đời sống xã hội và tạo thêm bản sắc riêng cho thành phố đang là điểm đến yêu thích của du khách. Vỉa hè, nơi dừng chân, điểm nghỉ ngơi, công viên, vườn hoa, quảng trường… nếu được chăm chút sạch đẹp là những không gian kết nối cộng đồng, đồng thời là điểm nhấn của một thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch trong hiện tại và tương lai. Ở phường Cửa Đại khi bãi biển chính bị xâm thực nặng, ông Lê Công Sỹ – Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, địa phương đã tập trung khai thác một số khu công viên biển còn lại để tạo điều kiện cho du khách có điểm nghỉ mát, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương. “Lãnh đạo địa phương cũng chỉ đạo quản lý tốt các khu công viên công cộng còn lại, đồng thời xin chủ trương của thành phố để tiếp tục mở rộng không gian bãi tắm công cộng các khu vực kế tiếp”, ông Sỹ nói.
Là một đô thị thương cảng mậu dịch được hình thành từ cuối thế kỷ XVI và từng là cảng thị quốc tế phồn thịnh bậc nhất của xứ Đàng Trong, Hội An là một đô thị nhỏ nên KGCC ở đây cũng nhỏ hẹp nhưng lại đa dạng về loại hình, tính chất. KGCC ở Hội An thoáng mở, gắn với các sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư, phản ánh rõ nét nếp sống và quan hệ ứng xử của người dân. Trong nhiều năm qua chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều quyết sách, góp phần phát triển đúng hướng và bào trì được các KGCC nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì KGCC ở Hội An vẫn chưa rõ nét đặc trưng. Kiến trúc cảnh quan, công viên, quảng trường, hồ điều hòa đô thị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, hệ thống chiếu sáng chưa thật đẹp, thiếu điểm dừng chân, chỗ nghỉ tạm dành cho du khách, thiếu những công viên, những công trình kiến trúc, cụm tượng đài tạo ấn tượng về mỹ thuật. Kết quả nghiên cứu của nhóm công tác thuộc Health Bridge (Canada) và Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) cách đây không lâu còn cho biết, Hội An có ít những công viên nhỏ và khu vui chơi cho trẻ em.
Trong các khu dân cư, KGCC cũng được cho là còn thiếu. Hiện tại, diện tích ngoài trời của thiết chế văn hoá cấp thành phố và các xã phường đạt thấp so với định hướng qui hoạch. Mặt khác cũng còn thiếu những không gian xanh dành cho mọi người khi mà mật độ cây xanh vẫn còn thấp. Càng rời xa phố cổ, về với vùng ven đô hoặc các vùng ngoại ô thì KGCC càng khó tìm. Một vài công viên cây xanh “mini” ở Cẩm Châu,, bãi tắm ven biển Cửa Đại, Cẩm An… mới được xây dựng còn mang tính manh mún, chưa thực sự kết nối với không gian của vùng quê sông nước có đặc trưng của một đô thị cửa sông-ven biển…
Thực hiện kế hoạch phát triển không gian công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 – 2020, đã có hơn 70 điểm KGCC được các địa phương, đơn vị nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, một số KGCC với quy mô hàng chục tỷ đồng như Công viên Hội An, Đài tưởng niệm Cẩm Thanh đã được đầu tư giai đoạn đầu và đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của nhân dân và du khách. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Lanh cho biết thêm, trong thời gian tới thành phố sẽ hoàn thiện phương án lắp đặt các biểu tượng, các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, mỹ thuật tại cảng du lịch Cửa Đại, Cù Lao Chàm, bãi tắm An Bàng, bãi tắm Cửa Đại, Đài tưởng niệm phường Cẩm Châu, đồng thời tập trung kiện toàn phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm VH xã, phường, Nhà văn hóa thể thao thôn, khối phố.
Hiện nay, thành phố đang tiến hành khảo sát thống kê các KGCC hiện có; tiếp tục phát triển các KGCC khác phù hợp với các phân vùng phát triển theo định hướng quy hoạch thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu cuộc sống của người dân với 5 loại hình cụ thể gồm: Công viên thành phố; Điểm nghỉ chân, vui chơi giải trí; vườn hoa, tiểu hoa viên; Trung tâm Văn hóa thể thao xã/phường và Nhà Văn hóa thôn/khối phố. Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố xác định: “Khu vực trung tâm thì phát huy giá trị di sản văn hóa kiến trúc để phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ – thương mại là chính. Còn khu vực làng quê thì phát huy cảnh quan sông nước truyền thống, phát huy các làng nghề thủ công truyền thống để phát triển kinh tế vừa sản xuất TTCN, phát triển nông nghiệp đồng thời đáp ứng du lịch, dịch vụ sinh thái. Vùng thứ 3 là vùng ven biển và xã đảo Tân Hiệp là vùng hết sức đặc trưng với 7km bờ biển và hơn 15km2 hải đảo. Vùng này cần phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó có khai thác đánh bắt thủy hải sản, có dịch vụ du lịch biển đảo”.
ĐỖ HUẤN