“Chất đô thị của Hội An không chỉ là những nhà bê-tông, những con đường phố mà cái chất đô thị Hội An gắn kết với văn hóa Hội An, gắn kết với nếp sống làng xã nhiều đời” – Ông Nguyễn Sự – Nguyên bí thư thành ủy, nói.
Mỗi sớm mai, hàng ngàn người dân Cẩm Kim và các xã vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình đều qua chiếc cầu này để về phố cổ Hội An làm ăn, buôn bán.
Cầu xây xong đã hơn 1 năm nhưng với cụ Huỳnh Tấn Lộc, tuổi đã ngoài 80 hiện ở thôn Phước Thắng,, mỗi lần đi bộ lên cầu là cảm xúc cứ dâng tràn. Cụ ước gì người thân, bè bạn giờ còn sống, chỉ để một lần tận hưởng niềm vui qua cầu.
“Có được chiếc cầu này là mơ ước bao đời, rồi đây không chỉ Cẩm Kim mà cả các xã vùng Đông Duy Xuyên, Thăng Bình có cơ hội đầu tư phát triển, làm ăn. Tôi mong Cẩm Kim phát triển nhưng không ồ ạt như Hội An phát triển mà vẫn giữ gìn được truyền thống” – Ông Lộc, bày tỏ.
Niềm thao thức về những nhịp cầu hẳn đã hằn sâu trong tâm trí của người và phố bên các dòng sông bồi lở. Và ở cái đô thị thương cảng cổ xưa này, mấy trăm năm đi qua là cả một di sản khổng lồ về sự kết nối, mở mang, giao lưu, thịnh đạt. Và nếu chỉ dừng lại ở chặng đường 10 năm thành lập thành phố, những kết nối, mở mang ấy cũng đủ để nhận diện nét riêng có của một thành phố mang tên “Hội An”.
Lễ công bố thành lập thành phố Hội An năm 2008- Ảnh: Quốc Hải
Như chúng ta đã biết, ngày 29 tháng 1 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/NĐ-CP thành lập Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số và các đơn vị hành chính thuộc thị xã Hội An.
Sự kiện thành lập thành phốlà dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử xây dựng, phát triển của vùng đất và con người Hội An. Từ đơn vị hành chính thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) gồm 7 xã, 3 phường; cơ cấu hành chính của thành phố phát triển gồm 9 phường: Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An, Thanh Hà, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Nam (gồm tổng cộng 55 khối phố) và 4 xã: Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà, Tân Hiệp (gồm tổng cộng 23 thôn).Sự kiện này nâng thêm tầm vóc của Hội An trong thời kỳ phát triển mới,với tính chất đô thị rõ hơn để đóng vai trò một trung tâm phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Với vị thế là một thành phố thuộc tỉnh, di sản văn hóa thế giới, trung tâm văn hóa-du lịch, thành phốcó nhiều cơ sở để đề xuất với Trung ương và tỉnh những cơ chế, chính sách đặc thù cho Hội An.Các vùng nội thị và nông thôn, hải đảo được đầu tư tốt hơn để cải thiện hạ tầng cơ sở, mở rộng không gian đô thị và phát triển các dịch vụ, tạo thêm môi trường tốt hơn để cải thiện các điều kiện dân sinh và phát triển…
Có thể nói, sự kiện thành phố Hội An khắc ghi những nỗ lực và thành tựu to lớn trong nhiều chặng đường gian khổ đã đi qua, đồng thời mở ra một thời kỳ mới, với nhiều vận hội và thách thức mới, trách nhiệm và quyết tâm mới. Đây cũng là điều kiện và tiền đề để chúng ta xác định mục tiêu xây dựng Hội An- Thành phố sinh thái- văn hóa- du lịch phát triển năng động, hiện đại nhưng đảm bảo tính bền vững, giàu bản sắc.
10 năm qua, hạ tầng đô thị Hội An được đầu tư tương đối đồng bộ; công tác quản lý đô thị, tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến. Đã có 150 công trình, hạng mục công trình giao thông, trường lớp, các công trình trên lĩnh vực lịch sử, văn hóa được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 555 tỷ đồng. Hệ thống giao thông ở Hội An đã thông suốt, các khu vực, các vùng dân cư được kết nối; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc; nhà ở và các công trình phụ trợ của nhân dân được cải tạo, xây mới khang trang, thoáng mát, sạch, đẹp.
Một góc Hội An nhìn từ trên cao
Cùng với nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được hoàn thành với sự nỗ lực cao trong việc huy động nguồn vốn đầu tư,các phương tiện giao thông vận tảingày càng đáp ứng nhu cầu và phát triển theo hướng thân thiện với môi trường,…
Từ khi được Chính phủ ban hành Nghị định công nhận là thành phố đến nay, cơ cấu kinh tế của Hội An chuyển dịch theo hướng tích cực. Bình quân 10 năm qua, giá trị Dịch vụ – Du lịch – Thương mại chiếm tỷ trọng 65%, Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp – Xây dựng chiếm 27%, Ngư – Nông nghiệp chiếm 8%. Chỉ tính riêng ngành TM-DL-DV, năm 2008 chỉ chiếm tỷ trọng 54%, đến năm 2017 đã tăng lên trên 70%.
Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, phù hợp với cơ cấu kinh tế, theo hướng giảm dần lao động sản xuất nông nghiệp, tăng lao động nhóm ngành CN-XD, tăng cao nhất là lực lượng lao động trong nhóm ngành DL-DV-TM. Đặc biệt, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng ổn định, phát triển, chênh lệch về mức sống giữa các khu vực dân cư nông thôn – đô thị – ven biển – hải đảo ngày càng thu hẹp. Thu nhập bình quân đầu người ở thành phố không ngừng tăng lên từ năm 2008 hơn 17triệu đồng/người, đến năm 2010 đạt trên 20 triệu đồng/người, năm 2015 đạt gần 33 triệu đồng/người và đến năm 2017 đã tăng lên gần 41 triệu đồng/người./.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cùng với nhu cầu của cuộc sống ngày càng tiện nghi, hiện đại và những biến động về cơ cấu dân cư, mật độ dân số, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội,… đã và đang đặt ra rất nhiều áp lực, thậm chí dễ có nguy cơ phá vỡ những giá trị truyền thống. Do vậy, yêu cầu bức bách hiện nay là vừa phải có những giải pháp kịp thời vừa có những định hướng mang tầm chiến lược cho từng bước đi, từng lĩnh vực.
“Sự phát triển hôm nay của Hội An không phải vì nó danh nghĩa là thành phố mà vì cái chất đô thị của nó. Chất đô thị của Hội An không chỉ là những nhà bê-tông, những con đường phố mà cái chất đô thị Hội An gắn kết với văn hóa Hội An, gắn kết với nếp sống làng xã nhiều đời. Trong đó, ngoài kinh tế du lịch dịch vụ ra còn một yếu tố rất quan trọng nữa, đó là kinh tế nông thôn, kinh tế làng nghề, kinh tế nông nghiệp. Chính điều đó tạo ra đô thị Hội An khác những đô thị khác, thành phố khác.”-Ông Nguyễn Sự – Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nói.
Quốc Hải