Môi trường du lịch Hội An qua ý kiến của một du khách

“Trước đây tôi rất thích đến Hội An, nhưng hiện nay phải suy nghĩ lại điều này, vì Hội An bây giờ ít thân thiện hơn, rác cũng nhiều hơn do khách du lịch quá đông, nhất là buổi tối đi qua Chùa Cầu, không thể thở được” – Bà Beate Matthes, du khách người Đức, chia sẻ.

Bà Beate Matthes nhờ nhân viên khách sạn đưa đến tham dự diễn dàn góp ý- Ảnh: Quốc Hải

3 năm rồi, bà Beate Matthes, du khách đến từ nước Đức cùng với chồng mình đã đến Hội An để có một kỳ nghỉ cuối Xuân. Theo bà, sự thân thiện của người dân địa phương và môi trường sống tốt lành đã khiến cho vợ chồng bà yêu quý Hội An.

Lưu trú tại khách sạn Golden Pearl nằm trên đường Lý Thái Tổ, vợ chồng bà thường xuyên đạp xe dạo quanh các ngôi làng nhỏ vùng ven và cả khu vực trung tâm phố cổ để tìm hiểu về đời sống của người dân nơi đây. Khi biết thông tin TP. Hội An tổ chức diễn đàn đối thoại với cộng đồng trên lĩnh vực môi trường du lịch, bà đã nhờ nhân viên khách sạn đưa đến tham dự.  

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Beate Matthes không ngại ngùng khi cho rằng, “Trước đây tôi rất thích đến Hội An, nhưng hiện nay phải suy nghĩ lại điều này, vì Hội An bây giờ ít thân thiện hơn, rác cũng nhiều hơn do khách du lịch quá đông, nhất là buổi tối đi qua Chùa Cầu, không thể thở được” .

Mỗi ngày thức dậy từ 4h30 sáng, bà cùng chồng đạp xe lên chợ cá Thanh Hà, ra biển Cửa Đại rồi về các làng ven sông. Cất công tìm hiểu đời sống, sinh hoạt thường ngày ở những nơi mình đi qua, bà đã tổng hợp trên máy tính một slide ảnh và những nội dung cần kiến nghị lên những cơ quan chức năng của TP. Hội An xung quanh các vấn đề về môi trường du lịch hiện nay.

Bà Beate Matthes cho rằng, du lịch phát triển nhanh đã làm biến dạng rất nhiều giá trị của Hội An. Ngoài rác thải ra môi trường khắp nơi, việc xuất hiện ngày càng nhiều homestay, villa du lịch tại các vùng ven đã và đang làm mất không gian trải nghiệm của du khách đến từ châu Âu. Đặc biệt, giao thông hỗn loạn trong phố luôn khiến du khách bất an, nhất là các tài xế xe máy thô lỗ và cẩu thả, bóp còi inh ỏi, đôi lúc không vì một lý do gì.

Bà Beate Matthes đề xuất: “Hội An nên giảm lượng khách du lịch; giảm số lượng khách sạn, homestay mới thành lập; tổ chức xe trung chuyển khách từ vùng ven vào phố. Đồng thời nâng cao nhận thức người dân về môi trường, thể hiện qua việc phân loại rác thải từ nguồn. Riêng các khách sạn phải thay đổi những vật dụng theo hướng thân thiện môi trường”.

Theo bà, các khách sạn khi cung cấp nước uống nên giảm chai nhựa, thay chế bằng các loại chai hữu cơ hoặc chứa bình lớn tại khu vực lễ tân. Các loại thức ăn bọc bằng bao nhựa trước đây nên thay bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Chủ các khách sạn nên tổ chức các hoạt động hoặc hỗ trợ người dân xung quanh khu vực tham gia dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phát túi thân thiện với môi trường,…

Nhiều ý kiến góp ý đáng trân trọng– Ảnh: Quốc Hải

Trước những ý kiến tâm huyết của du khách người Đức này, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, vấn đề môi trường luôn là câu chuyện nhức nhối của Hội An. Đó không chỉ là môi trường tự nhiên mà còn là môi trường xã hội. Dù vậy, giải quyết bài toán này không hề đơn giản khi ý thức của một bộ phận người dân, kể cả doanh nghiệp chưa cao.

Những năm qua, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của hệ thống chính trị từ thành phố đến các xã phường, cơ quan, đơn vị đều nhất quán hướng đến mục tiêu “Vì môi trường thành phố xanh – sạch – đẹp, an toàn, thân thiện”. Việc bảo vệ môi trường du lịch luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm thực hiện thường xuyên, tạo sức mạnh đồng bộ mang tính xã hội cao. Định kỳ sáng thứ 2 và chiều thứ 6 hằng tuần, Thành ủy và UBND thành phố tổ chức họp giao ban với các ngành, địa phương để chỉ đạo, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong tuần, đặc biệt là về an ninh trật tự.

Dù vậy, Hội An đang đối diện với sự quá tải trên nhiều lĩnh vực, nhất là về giao thông, hạ tầng, ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải. Áp lực luôn thường trực từ nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt quần thể kiến trúc và không gian, trật tự, an toàn của khu phố, của các làng quê, làng nghề truyền thống, của hệ đa dạng sinh học vùng cửa sông và biển đảo.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho rằng, các tình huống, vụ việc nảy sinh trong hoạt động kinh doanh – dịch vụ – du lịch và những yêu cầu về dân sinh là những vấn đề nóng hổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Sức ép từ những yêu cầu về nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị; cùng những áp lực từ bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường, nhu cầu về đất đai, nhà cửa, đi lại, chữa bệnh, học hành đang đặt ra rất nhiều thách thức gay gắt. Những yếu tố đó tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường du lịch Hội An.

UBND thành phố Hội An chỉ đạo các cơ quan, địa phương phối hợp Trung tâm Hỗ trợ du khách tỉnh Quảng Nam giải quyết kịp thời những phản ánh, yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch và các vấn đề phát sinh đột xuất. Thành phố cũng công khai số điện thoại – đường dây nóng 24/24 giờ tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu phố cổ Hội An, các bãi tắm du lịch, khu du lịch Cẩm Thanh,… để tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của du khách. 

“Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của du khách người Đức này, đây là một thực trạng mà lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng ghi nhận để có sự chỉ đạo và giải pháp nhanh, giữ gìn môi trường du lịch cho Hội An của chúng ta” – ông Nguyễn Văn Sơn, nói.

Quốc Hải