Đột phá từ cơ sở hạ tầng

Trên chặng đường 10 năm phát triển, TP Hội An đã đạt được nhiều thành tự to lớn về kinh tế-xã hội. Trong thành công chung đó, chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là bước đột phát cho sự phát triển của Hội An.

Trong trí nhớ của ông Đinh Văn Cảnh, 81 tuổi, ở khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu, trước đây, tuyến đường Trần Nhân Tông nơi ông sinh sống còn nhỏ hẹp, việc giao thông gặp không ít khó khăn.

Thấy được sự bức xúc cuả người dân cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2015, thành phố Hội An đã quyết định đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Trần Nhân Tông. Qua 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng,  đến nay đường Trần Nhân Tông đã được nâng cấp với tổng chiều dài gần 1,2km, mặt đường rộng 10,5m.

“Không thể tưởng tượng được hôm nay đường Trần Nhân Tông đẹp như thế này. Nhân dân chúng tôi rất phấn khởi. Nhờ có tuyến đường này, bà con không chỉ đi lại thuận tiện mà còn có điều kiện kinh doanh, buôn bán. Đây là chủ trương rất đúng, rất hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước”, ông Đinh Văn Cảnh phấn khởi nói.

Theo ông Lương Sơn – Chủ tịch BND phường Cẩm Châu, tuyến đường Trần Nhân Tông được mở rộng, nâng cấp đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị  và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, trên tuyến đường này,  riêng loại hình dịch vụ lưu trú trong dân homestay đã có gần 10 cơ sở, chưa kể các nhà hàng và cơ sở kinh doanh khác. Ngoài ra, đường Trần Nhân Tông còn được khớp nối với đường Trần Quang Khải, Nguyễn Duy Hiệu, Lý Thường Kiệt, Cửa Đại đã tạo nên trục giao thông liên hoàn trên địa bàn phường.

Cầu dân sinh Cẩm Kim – một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hội An trong 10 năm qua- Ảnh: Minh Vũ

Trong khi đó, tại xã Cẩm Thanh, ông Lê Thanh – Chủ tịch UBND xã cho biết, thời gian qua, ngoài các công trình dự án nằm trong chương trình nông thôn mới, từ các nguồn lực của thành phố và địa phương cùng sự chung tay của người dân, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã được đầu tư mạnh mẽ, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo tiền đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy dịch vụ -du lịch làm trọng tâm.

Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường ĐX15 nối phường Cẩm Châu, đường Tống Văn Sương, ĐX19, ĐX24… với tổng số vốn hơn 70 tỷ đồng. Cạnh đó, hệ thống nước sạch, điện lưới, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu sử dụng và phục vụ sản xuất, kinh doanh của nhân dân, tạo tiền đề phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Mới đây nhất, các công trình hạ tầng du lịch đã được thành phố đầu tư tại Cẩm Thanh như cầu cập, bãi đỗ xe, đường giao thông kết nối…. Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ, ngành dịch vụ -du lịch của Cẩm Thanh ngày càng phát triển, lượng khách đến tham quan, du lịch ngày càng tăng. Riêng trong năm 2017 Cẩm Thanh đã đón gần 121.000  khách tham quan, lưu trú, doanh thu hơn 95 tỷ đồng, tăng 76% lượng khách và 28,05 tỷ đồng doanh thu so với năm 2016.

Có thể nói, từ khi Hội An được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam (năm 2008),  kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được Hội An tập trung đầu tư và phát huy hiệu quả. Bằng sự nỗ lực huy động tối đa nguồn lực, thành phố đã đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện nhiều công trình giao thông quan trọng, kết nối giữa nông thôn, hải đảo và đô thị. Đây được xem là bước đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển đồng bộ giữa các khu vực.

Tính đến cuối năm 2017, ngân sách thành phố đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp gần 150 công trình, hạng mục công trình (có giá trị đầu tư từ 1 tỷ trở lên do Ban Quản lý DAĐT-XDCB làm chủ đầu tư) với tổng vốn đầu tư 555,641 tỷ đồng, trong đó có 71 công trình thuộc lĩnh vực hạng mục giao thông.

Nổi bật có thể kể đến các công trình như cầu dân sinh Cẩm Kim (hơn 31 tỷ đồng, thành phố đầu tư 40% ), đường Huỳnh Thị Lựu (xã Cẩm Thanh, hơn 5 tỷ đồng), nâng cấp, cải tạo đường Lê Hồng Phong (16,345 tỷ đồng), Cầu sông Đò – Cẩm Thanh (16,86 tỉ đồng )…. Nhờ đó, hệ thống giao thông ở Hội An đã thông suốt, các khu vực, các vùng dân cư đã được kết nối với nhau, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Từ trung tâm thành phố cho đến các vùng phụ cận như Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Cẩm Hà và xã đảo Tân Hiệp, các công trình hạ tầng được thành phố đầu tư, nâng cấp đều phát huy hiệu quả.

Trong chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển “bức tranh” kinh tế của thành phố  Hội An ngày càng hoàn thiện và nổi bật. Giá trị sản xuất của các nhóm ngành kinh tế ngày một tăng cao. Năm 2017 đạt giá trị hơn 8.600 tỷ đồng, tăng 196,08% so với năm 2008, trong đó, ngành dịch vụ-du lịch-thương mại tiếp tục khẳng định vị trí mũi nhọn. Hình ảnh và vị thế của Hội An ngày càng được nâng tầm. Kết quả đó đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố với những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, trong đó có chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tạo đột phá cho sự phát triển.

Phan Sơn