Với việc điều chỉnh nội dung Nghị quyết 36 (ngày 8/12/2016) của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế đặc thù đối với thành phố Hội An đến năm 2020, số tiền sử dụng đất bổ sung cho Hội An không thay đổi mà chỉ giảm bổ sung lại nguồn thu thuê đất nộp một lần và tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất do không để lại.
Từ cuối năm 2016, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết 36 về một số cơ chế đối với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành đến năm 2020. Mục tiêu nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho 4 địa phương này tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần đạt và hoàn thiện các tiêu chí để nâng cấp đô thị lên loại 2, 3, 4 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015 – 2020 của các địa phương.
Thêm nguồn lực để kiến thiết thị chính- Ảnh: Quốc Hải
Theo Nghị quyết 36 (ngày 8/12/2016) của HĐND tỉnh Quảng Nam, cơ chế đặc thù đối với thành phố Hội An đến năm 2020 có 3 phần, đó là cơ chế hỗ trợ lập quy hoạch, cơ chế đầu tư xây dựng và cơ chế tài chính – ngân sách. Như vậy, bắt đầu từ năm 2017, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ bố trí 23 tỉ đồng bao gồm chi thường xuyên và đầu tư để bổ sung có mục tiêu kiến thiết thị chính, sự nghiệp môi trường.
Tỉnh để lại cho Hội An 100% tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn do tỉnh quản lý; để lại 100% tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất một lần, tiền cho thuê đất nộp hằng năm chuyển sang hình thức thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp do tỉnh quản lý sau khi trích nộp Quỹ phát triển đất theo quy định.
Cũng theo cơ chế này, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh cân đối các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư công trình trọng điểm trên địa bàn Hội An không quá 80 tỷ đồng, trung bình mỗi năm 20 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng phố cổ, trùng tu di tích, kè chống sạt lở. Cùng với đó, mỗi năm tỉnh còn bố trí không quá 2 tỉ đồng để thành phố lập quy hoạch các dự án trọng điểm, có tính đột phá, tạo động lực lan tỏa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội địa phương và chi sự nghiệp môi trường không quá 3 tỷ đồng.
Là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Chơi – Chủ tịch UBMTTQVN thành phố, nói:“Hội An là một thành phố có tính đặc thù riêng, vì thế, tỉnh đã đặt vấn đề và có sự quan tâm rất lớn. Lần này, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết hẳn hoi, đây là điều kiện để Hội An chủ động hơn trong việc tập trung phát triển thành phố về mọi mặt”.
Các công trình động lực được triển khai tại Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Sở Tài chính Quảng Nam cho hay, trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 4 địa được thụ hưởng cơ chế theo Nghị quyết 36 với tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng, trong đó, Hội An thụ hưởng nhiều nhất là 123 tỷ đồng. “Cơ chế đã góp phần đáng kể vào việc tăng nguồn lực đầu tư cho thành phố, nhất là nguồn lực đầu tư xây dựng công trình trọng điểm. Tỉnh cho cơ chế để Hội An có thể mời được tư vấn nước ngoài quy hoạch tổng thể phát triển Hội An mang tầm chiến lược trong 30 năm tới. Thứ hai là kiến thiết thị chính, xử lý nước, rác thải cùng các công trình động lực. Đây là thắng lợi lớn.” – Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố, nói.
Thời gian qua, Nghị quyết 36 được triển khai thực hiện đã hỗ trợ đắc lực cho Hội An thụ hưởng trong đầu tư phát triển, song theo kế hoạch, tại kỳ họp HĐND tỉnh khai mạc vào ngày 17/7 sẽ phải điều chỉnh.
Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chỉ có nguồn thu tiền sử dụng đất và nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết mới được sử dụng để đầu tư phát triển. Các nguồn thu còn lại, bao gồm cả tiền thuê đất nộp một lần, là nguồn cân đối chung cho chi cân đối ngân sách địa phương. Do đó, việc để lại nguồn thuê đất nộp một lần cho các địa phương theo Nghị quyết 36 là chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh cũng không có nguồn cân đối ngân sách và trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Ngoài ra, quy định để lại 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn của các địa phương do tỉnh quản lý theo Nghị quyết 36 cũng trùng lắp với quy định tại Nghị quyết 21, ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh.
Vì vậy, để thực hiện đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách, sử dụng đúng nguồn vốn, tránh trùng lắp giữa các nghị quyết HĐND tỉnh, sẽ phải điều chỉnh Nghị quyết 36. Cụ thể, bãi bỏ quy định để lại 100% từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất trên địa bàn của các địa phương do tỉnh quản lý, bãi bỏ nội dung để lại tiền thuê đất nộp một lần. Với việc bãi bỏ và điều chỉnh này, số tiền sử dụng đất bổ sung cho Hội An không thay đổi so với Nghị quyết 36 mà chỉ giảm bổ sung lại nguồn thu thuê đất nộp một lần và tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với tiền sử dụng đất do không để lại.
“Năm nay, Tỉnh chủ trương địa phương nào có nguồn thu mới, lớn thì sẽ hỗ trợ bằng 30% số ngân sách nộp lên cấp tỉnh. Riêng nguồn tăng thu, ngoài trích 50% cải cách tiền lương ra thì 50% còn lại tăng cho đầu tư xây dựng cơ bản tối thiểu 10%, tăng cho giáo dục so với năm 2017 khoảng 3%, tăng cho môi trường 6% và dự phòng khoảng 11%,…” – Ông Lê Chơi – Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Hội An, cho biết thêm.
Quốc Hải