Nằm ở vùng cửa sông ven biển, Hội An đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực, nặng nề của sự biến đổi khí hậu. Nhưng không chủ quan, Hội An đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó thích hợp với sự chung tay của mọi người, mọi nhà.
Cùng với nhiều nơi trong cả nước, thành phố cũng chịu nhiều tác động tiêu cực của sự biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh đến năm 2020, thì Hội An là địa phương bị ngập nặng nề nhất do nước biển dâng. Dự báo sẽ có khoảng 17,5km2 bị ngập trong nước, chiếm 27,63% diện tích tự nhiên. Tương ứng với diện tích đó sẽ có khoảng 24,8 nghìn người bị ảnh hưởng do mất đất canh tác, mất nhà (chiếm xấp xỉ 30% số dân). Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Cẩm Thanh, Cẩm An, Cửa Đại, Cẩm Kim. Khu phố cổ cũng chịu những tác động không nhỏ của tình trạng biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Là địa phương nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, có cửa sông đổ ra biển nên hàng năm Hội An thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, hiểm hoạ bất thường do thời tiết gây ra. Theo thống kê cho thấy, mỗi năm Hội An phải gánh chịu từ 1 – 3 cơn lụt với cấp độ ngày càng cao, từ 1-2 cơn bão. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các hiện tượng bất thường về thời tiết như mưa lớn, lốc tố, hạn hán xảy ra thường xuyên và chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ cũng gia tăng cả về tần suất và cường độ”.
Luồng tuyến đường thủy Cửa Đại tiếp tục bồi cạn sau cơn lũ vừa qua- Ảnh: Đỗ Huấn
Kết quả một cuộc khảo sát của liên ngành đường thủy nội địa Quảng Nam cũng cho biết, Hội An là một trong những nơi có nhiều điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dọc các bờ sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và nguy cơ mất đất sản xuất, phá hỏng các công trình dân sinh khác. Ngoài các nguyên do về sự biến đổi khí hậu phức tạp, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp còn xuất phát từ nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông làm biến đổi dòng chảy.
Thực tế rõ ràng nhất là chỉ trong vòng 3 năm qua, bờ biển Cửa Đại đã bị xâm thực nặng nề, tan tác đến mức báo động cấp quốc tế. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tầm quốc gia, hoặc đối ngoại hợp tác quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp, hướng khắc phục giúp Hội An và Quảng Nam phát triển bền vững. Nhưng xem ra vẫn chưa có được lời giải đáp hay phương án khả thi. Nhìn cảnh tượng bờ biển Cửa Đại sau cơn bão số 12 và cơn lũ lịch sử thượng tuần tháng 11 vừa qua mới thấy xót xa, lo lắng thêm. Sự mất mát, trôi biến nguồn tài nguyên du lịch vô cùng lớn này đã hiện rõ trước mắt. “Đến nay biển bị xâm thực rất mạnh và kéo lở từ ngoài bờ biển vào trong đất liền 50m. Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chuẩn bị một số phương án để kè chống, nhất là kè bằng bao cát nhưng vẫn bị xâm thực, vẫn bị lở, vẫn bị đẩy bao cát đi. Chúng tôi là những người dân buôn bán ở địa phương này bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Nguyễn Bi – người dân khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại thở dài nói.
Nỗ lực chống xâm thực bãi biển Cửa Đại- Ảnh: Đỗ Huấn
Không chủ quan trước những diễn biến khó lường do biến đổi khí hậu gây ra, nhiều năm qua chính quyền và nhân dân thành phố đã triển khai nhiều chương trình, tổ chức nhiều hoạt động ứng phó để bảo vệ di sản, giữ vững ổn định và bình yên để xây dựng và phát triển quê hương. Khu phố cổ được chú trọng hàng đầu. Mỗi năm, chính quyền và nhân dân đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, chằng chống, gia cố, chặt tỉa cây cối, phát dọn cảnh quan để hạn chế những tác động bất lợi của các yếu tố tự nhiên…
Những dự án kè chống xói lở bờ sông Thu Bồn, tu bổ và nâng cấp đê biển chắn sóng dù là cục bộ từng vùng và từng đoạn ngắn do nguồn kinh phí đầu tư có hạn nhưng nhờ kịp thời, “đúng lúc” nên đã phát huy được hiệu quả. Dự án kè cứng bờ biển Cửa Đại – An Bàng trước sự xâm thực ngày càng mạnh của biển, đang tiến hành từ nguồn kinh phí Biển Đông – Hải đảo của Trung ương đầu tư cũng được xúc tiến nhanh để đảm bảo ứng phó an toàn hơn. Phong trào toàn dân tham gia trồng cây xanh chắn gió, phòng hộ ở các bãi biển, triền sông, cồn bãi… được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thực sự đạt kết quả khả quan. Công tác quản lý đất đai, sông nước được các cấp chính quyền tăng cường chặt chẽ nhằm hạn chế sự xâm lấn bừa bãi, cơi nới tuỳ tiện, làm biến dạng dòng chảy, mất cân bằng sinh thái tự nhiên.
Đảng bộ và chính quyền thành phố thường xuyên quan tâm và luôn coi công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề bức thiết và cấp bách, là nhiệm vụ quan trọng của mọi người mọi nhà. Ông Lê Chơi – Chủ tịch UBMT TQVN thành phố cho biết:“Việc triển khai chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm phát triển bền vững là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm. Toàn thể cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững là việc làm cấp thiết, phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố đi vào thực tế”.
Bảo vệ môi trường cũng chính là quyền lợi của mọi tổ chức, mọi gia đình và mọi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh và là sự tiếp nối tinh thần thái độ yêu thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên của ông cha ta.
Đỗ Huấn