Áp lực bảo tồn di sản từ du lịch

Phát triển du lịch đã có những tác động tích cực và cả tiêu cực đối với công tác bảo tồn di sản ở Hội An.

Từ tháng 12 năm 1999, sau khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới thì có thể nói Hội An đã trở nên nổi tiếng và quá trình phát triển du lịch ở khu phố cổ đã diễn ra một cách nhanh chóng.

Từ một khu phố nhỏ nằm cuối tả ngạn sông Thu Bồn, ít được ai biết đến thì đến nay, Hội An đã trở thành một trung tâm du lịch nổi tiếng của quốc gia và quốc tế. Hội An bây giờ như một địa danh quen thuộc mà chỉ cần vào mục tìm kiếm trong Google đã có hơn 13,6 triệu thông tin liên quan. Trong nhiều năm qua, nhận thấy tầm quan trọng của khu đô thị di sản, chính quyền và nhân dân thành phố đã đồng tâm, hợp lực ra sức bảo tồn, phát huy những giá trị riêng có và đã đạt được những thành quả quan trọng. Nổi bật nhất là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch – dịch vụ và thương mại làm mũi nhọn. Tuy vậy cũng từ đây đã đặt ra những áp lực cho công tác bảo tồn di sản đô thị cổ.

Bảo tồn di sản phố cổ là nhiệm vụ “sống còn” của Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Nữ Tiến sĩ Utsumi Sawako (trường Đại học Nữ Chiêu Hoà – Nhật Bản) trong một báo cáo đánh giá kết quả chương trình hợp tác giữa UBND thành phố với các trường Đại học Chiba, nữ Chiêu Hoà (Nhật Bản) đã cảnh báo: “Lúc đó chúng tôi cũng đã trình bày cái nguy cơ trong việc chú trọng quá việc phát triển du lịch và kinh doanh phục vụ du lịch dẫn đến chỗ là những người dân ngoài khu phố cổ tràn vào khu phố và biến các dãy phố cổ thành nơi phục vụ chủ yếu cho mục đích kinh doanh, thậm chí là có những ngôi nhà được bán và cho thuê hoàn toàn dẫn đến chỗ nó chỉ trở thành là nơi bán hàng, mất đi hình ảnh vốn có của phố cổ – đó là nhà phố kết hợp với cửa hàng, tức là nơi sinh hoạt kết hợp với nơi kinh doanh”.

Thực tế là hiện nay, người dân từ nhiều nơi khác nhập cư về Hội An khá đông, có cả người trong nước và ngoài nước, đa số là các nhà chuyên kinh doanh, buôn bán hoặc có nhu cầu làm ăn lâu dài với các dự án lớn. Không chỉ nhà ở trong khu phố cổ mà đất đai, vườn tược của nhân dân ở vùng ngoại ô, ven biển cũng trở nên “sốt” vì được giá, khan hàng… Vì vậy tình trạng sửa chữa, cải tạo nhà ở, địa điểm kinh doanh, nhất là trong khu phố cổ diễn ra với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với trước đây. Toàn thành phố hiện có hơn 1000 hộ bán vải kèm theo dịch vụ “may nóng”, bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, túi xách, đèn lồng và đồ lưu niệm. Các shop này đảm nhận việc cung ứng các mặt hàng lưu niệm cho du khách khi đến tham quan và mua sắm tại di sản phố cổ. Chúng tập trung chủ yếu trong phố cổ và khu vực lân cận với mật độ dày đặc. Chính sự gia tăng nhanh chóng của các hộ kinh doanh thương mại và dịch vụ du lịch đã tác động và làm thay đổi về cảnh quan trong khu phố cổ, trong các ngôi nhà cổ.

“Đó là hiện tượng thay đổi chủ sở hữu đối với các di tích tư nhân đi kèm với các hoạt động sửa chữa, cải tạo di tích cho mục đích thương mại, không đảm bảo nguyên tắc tu bổ di tích. Thứ hai là di tích chuyển đổi chức năng sử dụng, tháo dỡ các vách ngăn, chia không gian thờ tự trong quá trình tu bổ, sửa chữa bố cục không gian truyền thống”, Thạc sĩ Phạm Phú Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm QLBT di sản văn hóa Hội An cho biết.

Bảo tồn di sản không chỉ là kiến trúc, cảnh quan mà còn có cả nếp sinh hoạt

và tập quán của người dân- Ảnh: Đỗ Huấn

Để xảy ra những thay đổi cảnh quan, sự biến dạng di tích là điều chẳng ai muốn nhưng thực tế đã hiển hiện do nhiều yếu tố khác nhau làm lãnh đạo thành phố phải lo lắng. Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Dũng từng khẳng định rằng, “đánh mất di tích đồng nghĩa với Hội An trở lại thời kỳ kinh tế khó khăn”, vì vậy nhiệm vụ “sống còn” là phải bảo tồn di sản. Muốn vậy phải tháo gỡ những bất cập do mâu thuẫn phát sinh trong quá trình phát triển và bảo tồn bằng cách dựa vào tự nhiên, dựa vào xã hội, đồng thời rất cần sự đồng thuận của nhân dân, của các chủ di tích. Tại một cuộc tọa đàm về công tác bảo tồn và phát triển đô thị cổ, Giáo sư Fukukawa Yuichi (trường Đại học Chiba – Nhật Bản) trao đổi: “Các nhà nghiên cứu nhân học hiện đại đã đưa ra một thuyết rằng, sự hài hòa giữa những người khách đến và những chủ nhân trong một không gian sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của không gian đó. Còn các chuyên gia bảo tồn di sản theo trường phái hiện đại, họ nhấn mạnh việc bảo tồn không những là phần cứng của tòa nhà tức là bản thân các ngôi nhà mà còn phần mềm của nó. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tập quán, đến sinh hoạt tức là di sản sống, tức là cách sống. Ví dụ như đặt ở Hội An thì đó là tư chất, là cách sống của con người Hội An. Việc bảo tồn cách sống này rất là quan trọng để đảm bảo giá trị của Hội An”.

Vì vậy rất cần phải có những điều chỉnh, bổ sung tương thích và hợp lý để Hội An phát triển du lịch bền vững, bảo tồn di sản mang bản sắc riêng độc đáo.

Đỗ Huấn