Sắc xuân ở những vùng quê

Vào xuân, khí xuân vẫn còn lành lạnh nhưng trời quang mây tạnh hẳn. Nắng hửng nhẹ nhưng đủ làm ấm lòng người. Dưới nắng, những con đường làng, đường quê của Hội An hiện lên trông đẹp và ấn tượng.

Nông dân Trà Quê hướng dẫn du khách trồng rau- Ảnh: Đỗ Huấn

Ngày trước ở Hội An, phố thị thì chật hẹp, làng quê ruộng vườn thì thoáng rộng, nhìn thấy tới chân trời. Nhưng hôm nay phố đã mở mang đến những vùng ven xa xôi, cách trở. Trong tâm khảm mỗi người dân thì nơi nào họ được sinh ra và lớn lên, gắn bó quãng đời thơ trẻ đầy ắp kỷ niệm của mình thì nơi đó là quê theo nghĩa thông thường của nó. Còn hôm nay, những vùng quê đó chỉ còn trong hoài niệm. Thành phố Hội An đã có đến 9 đơn vị hành chính cấp phường, còn cấp xã chỉ còn 4 địa phương gồm: xã đảo Tân Hiệp tách bạch đất liền, xã Cẩm Kim nằm bên kia sông Thu Bồn vùng hạ lưu cửa biển, xã Cẩm Thanh đất nhiễm phèn chua, có rừng dừa nước ngập mặn đặc trưng và xã Cẩm Hà cát trắng nắng chang rát mặt người. Hơn 30 km đường làng, ngõ xóm gập ghềnh, lầy lội năm nào giờ đã được cứng hóa, bê tông hóa phẳng phiu, thẳng tắp. Tổng kinh phí đầu tư từ các nguồn khác nhau của trung ương, tỉnh và thành phố đầu tư vào trong những năm qua đạt vài trăm tỷ đồng.

Không chỉ có đường mà trường, trạm, điện… tức là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở những vùng quê Hội An bây giờ đã khác xưa rất nhiều, xuân sắc đẹp tươi hơn hẳn. Toàn thành phố đã huy động và sử dụng tổng lực các nguồn vốn với cả ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng các xã nông thôn theo tiêu chí quy định của quốc gia về nông thôn mới. Nhờ đó mà bộ mặt những vùng quê Hội An đã thay da đổi thịt, tạo được thế phát triển liên hoàn với Khu phố cổ – di sản văn hóa thế giới và vùng trung tâm của thành phố. Điều đáng ghi nhận là chính quyền đã đề ra sách lược đúng, có bước đi phù hợp, bảo đảm thực chất, gắn được giữa đầu tư và phát triển. Hằng năm, thành phố tập trung nguồn ngân sách đầu tư cho từng địa phương trên cơ sở nghị quyết phát triển KTXH của mỗi xã, chú trọng những công trình bức thiết, thúc đẩy phát triển và lồng ghép, đối ứng cùng với nguồn vốn cấp trên để đầu tư cơ sở hạ tầng. “Đặt ra việc xây dựng nông thôn mới gắn với khu dân cư văn hóa, mục đích chính là đảm bảo đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật ở vùng nông thôn ít nhất cũng đạt ngưỡng chuẩn như đô thị. Và ở đó với chuẩn về cơ sở hạ tầng, về hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi, làm như thế nào đó để tạo điều kiện cho nông dân ở vùng nông thôn có điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của vùng nông thôn, cố gắng kéo xích lại khoảng cách gần hơn giữa đô thị và nông thôn về đời sống, về tiện ích sinh hoạt cũng như về các chính sách khác liên quan đến an sinh xã hội”, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nói.

 Bơi thuyền thúng đưa du khách tham quan rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

Phát triển Hội An theo định hướng “sinh thái – văn hóa và du lịch”, cuộc sống lao động và sản xuất của người dân những vùng quê của thành phố cũng được chú trọng chuyển dịch theo cơ cấu kinh tế với mũi nhọn là ngành du lịch – dịch vụ. Các chương trình khuyến nông – khuyến ngư – khuyến công; các lớp đào tạo, dạy nghề cho lao động  nông thôn ở Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Tân Hiệp; các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; trồng rau hữu cơ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, sản cuất sạch, chuyển đổi và xây dựng các mô hình con vật nuôi thích hợp, tập huấn hướng dẫn làm du lịch cộng đồng… đều hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh Lê Thanh cho biết: “Trên lợi thế của địa phương, chùng tôi đã tổ chức hình thức sản xuất dựa trên nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch để nâng thêm giá trị tăng thêm đối với lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Thứ hai, đối với Cẩm Thanh là một vùng quê sông nước sinh thái, một đặc điểm tự nhiên hiếm có đối với Hội An đã tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn của xã. Chúng tôi chọn thêm một hướng đi nữa, ngoài kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư tại Cẩm Thanh thì phát triển thêm loại hình du lịch là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trong nhân dân và các mô hình vi-la, biệt thự nhà vườn, các loại dịch vụ lưu trú trong dân như homestay. Đó là 2 trong nhiều mô hình điển hình của địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đem lại bộ mặt mới cho địa phương trong đời sống KTXH và góp phần tăng thu nhập cho người dân”.

Với người dân những vùng quê Hội An tết Kỷ Hợi tới đây càng tươi vui hơn khi mức sống đã được nâng lên đáng kể, không chỉ ổn định mà còn khấm khá lên. Cuộc sống của người dân bây giờ không còn quẩn quanh với cảnh “cấy cày mưa nắng ngoài đồng”, với những chuyến biển “tối đi sáng về” hay ngâm mình mò cua bắt cá dưới sông… mà vẫn gian khó nhọc nhằn. Ngược lại, người dân vùng quê Hội An đã biết làm homestay, đưa khách Tây đi cày ruộng, cưỡi trâu để lấy tiền, hát bả trạo chèo thuyền, bơi thúng chai trên sông phục vụ du khách. Những tên đất, tên làng: Trà Quế, Vạn Lăng, rừng dừa Bảy mẫu, Cù Lao Chàm, Kim Bồng – Cẩm Kim… bây giờ đã trở thành những địa danh quen thuộc, là điểm đến yêu thích của du khách gần xa.

Với định hướng mở rộng không gian du lịch, phát triển các loại hình du lịch làng nghề làng nghề, du lịch văn hóa gắn với môi trường, cảnh quan thiên nhiên, làng quê, sông nước, biển đảo nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch với các khu vực xung quanh trong bối cảnh mới mà lãnh đạo thành phố đã xác định, tin rằng những vùng quê Hội An sẽ còn đổi thay nhiều hơn nữa, mãi xanh tươi sắc xuân.

Đỗ Huấn