Cách đây tròn mười năm, Đề án thành lập Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam (kèm theo Tờ trình số 04/TTr-SGDĐT, ngày 03 tháng 5 năm 2012 của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam) đã được hiện thực hóa bởi Quyết định số 1757/QĐ-UBND, ngày 31/5/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập thêm một trường THPT Chuyên để tập trung đầu tư, thu hút, đào tạo học sinh tài năng, chủ yếu là ở các địa phương cánh Bắc của tỉnh. Năm học đầu tiên, Nhà trường được bố trí trong khuôn viên của trường THPT Trần Quý Cáp (ở dãy phòng học phía Tây) để tổ chức dạy học.
Theo Đề án “Sáp nhập Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam vào Trường THPT Trần Quý Cáp và đổi tên thành Trường THPT chuyên Trần Quý Cáp” thì đến năm học 2014-2015 sẽ thực hiện việc sáp nhập, Trường Trần Quý Cáp sẽ trở thành trường chuyên, tương tự như Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Tuy nhiên, Đề án có sự điều chỉnh theo hướng thành lập riêng một trường chuyên mới. Sau nhiều lần lựa chọn địa điểm, UBND tỉnh, UBND thành phố Hội An và Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chọn địa điểm ở phường Thanh Hà – lấy Trung tâm Văn hóa Mỹ nghệ Hội An – Okinawa trước đây làm nơi xây trường. Đây là địa điểm rất thuận lợi cho học sinh ở các địa phương thuộc khu vực phía Bắc của tỉnh đến học tập.
Sau khi khởi công xây dựng trường ở địa điểm mới vào năm 2013, đến ngày 06 tháng 6 năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định số 1765/QĐ-UBND đổi tên Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam thành Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông. Kể từ đó, ngôi trường vinh dự mang tên một vị Vua có công khai mở và đặt ra danh xưng “Quảng Nam”, được xem là một trong những vị Vua “tiền hiền” xứ Quảng.
Mặc dù việc thành lập Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông khác với dự kiến ban đầu là nâng tầm của một ngôi trường có bề dày lịch sử 60 năm tại phố cổ Hội An, nhưng có thể thấy sự thay đổi này lại mang tính lịch sử đối với sự nghiệp Giáo dục của tỉnh. Đặc biệt, đây lại là cơ duyên để ngôi trường ôm ấp nhiều khát khao ấy có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cứng cáp dần lên cùng năm tháng, khẳng khái vươn lên giữa nắng gió. Được sự quan tâm, ưu tiên đầu tư của tỉnh, một ngôi trường khang trang, rộng lớn trên diện tích 26.208 m2 đã dần hoàn thiện, tương xứng với tầm vóc và vị thế của một trường trọng điểm, thực hiện nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn và đào tạo người tài cho quê hương đất Quảng.

với thầy Nguyễn Tấn Thắng – Nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT
Nhớ lại những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất thì thiếu thốn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên còn mỏng và bỡ ngỡ đối với loại hình trường chuyên; tài liệu, giáo trình chuyên sâu thì gần như chưa có gì. Những việc làm đầu tiên của trường là trồng cây xanh tạo cảnh quan và cử thầy cô giáo đi bồi dưỡng giáo viên cốt cán trường chuyên, cán bộ quản lý thì tranh thủ học tập kinh nghiệm quản lý từ các trường chuyên có bề dày lịch sử và thành tích…
Như những người làm vườn tỉ mẩn lựa chọn những hạt giống tốt, ươm trồng, chăm bón để có hoa thơm trái ngọt, mỗi thầy cô giáo đều miệt mài, say sưa, nhiệt huyết với công việc của mình. Vừa làm, vừa từng bước cải tiến, áp dụng những cách làm mới, dần dần đã tạo ra được một môi trường học tập năng động, sáng tạo, tích cực cho cả học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến những thầy cô giáo đầu tiên được điều động về xây dựng trường. Dù chưa hề kinh qua công tác trường chuyên nhưng đây là những con người chấp nhận dấn thân, tạo dựng nền móng. Đó là thầy Đinh Tâm, Bí thư Chi bộ – Hiệu trưởng Nhà trường; thầy Nguyễn Văn Phụng – Phó hiệu trưởng (nguyên là Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GDĐT); thầy Trương Ngọc Tín – Chủ tịch Công Đoàn; các thầy cô Tổ trưởng chuyên môn Nguyễn Văn Ba, Trang Tuấn, Võ Thị Kim Yến, Nguyễn Quý, Lê Thị Thúy Ngọc, Nguyễn Văn Thời, Trần Văn Châu,… Với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, kiên trì lao động và bền bỉ cống hiến, thấu hiểu trách nhiệm và nhận thức sứ mệnh kiến tạo những giá trị ưu việt, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh đã nhanh chóng xây dựng nền móng cho ngôi trường bề thế hôm nay.
Từ 08 lớp chuyên với 280 học sinh vào năm học 2012-2013, quy mô số lớp, số học sinh ngày càng tăng. Đến năm học 2014-2015 trở đi, nhà trường có 24 lớp, với số lượng học sinh hằng năm khoảng 800 em. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đã có gần 3.000 học sinh Tốt nghiệp từ mái trường này. Phần lớn trong số đó đã tiếp tục học lên và rất nhiều người đã trở thành những Bác sĩ, Kĩ sư, Nhà khoa học, Doanh nhân, Nhà giáo xuất sắc…
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên từ 30 người năm học đầu tiên, được Sở GD&ĐT tuyển chọn về hằng năm, đến nay đã ổn định với số lượng 85 (riêng 72 cán bộ quản lý, giáo viên có 02 Tiến sĩ, 41 Thạc sĩ, 06 đang học Cao học, 23 Đại học). Xác định để thực hiện tốt mục tiêu của trường chuyên thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định, Nhà trường đã tham mưu với lãnh đạo Sở GDĐT tuyển dụng giáo viên theo hướng ưu tiên những cựu học sinh ưu tú, có giải quốc gia, tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm về công tác.

Với tính chất đặc thù của một đơn vị nằm trong hệ thống các trường THPT Chuyên – hệ thống chủ lực phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi bậc THPT, tạo nguồn cho chiến lược bồi dưỡng nhân tài, công tác đào tạo chất lượng mũi nhọn được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì thế, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của từng học sinh; tổ chức biên soạn chương trình chuyên sâu giảng dạy các môn chuyên, lựa chọn một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để tham khảo, vận dụng. Việc tổ chức dạy học song ngữ (tiếng Anh) cho các môn khoa học tự nhiên… cũng được tiến hành từ những năm đầu thành lập. Hằng năm, các thầy cô giáo của trường đều viết chuyên đề khoa học, có những chuyên đề có hàm lượng khoa học cao và đạt giải. Thầy cô giáo còn tham gia viết sách, viết tài liệu tham khảo, chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi. Một số công trình nghiên cứu đã được đăng tải ở các Tạp chí khoa học có uy tín.
Hằng năm, ngoài việc dự thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, Cấp tỉnh, Nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham dự các kỳ thi ở khu vực trong nước như: kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 tại TP. Hồ Chí Minh, kỳ thi học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ; kỳ thi Giải Toán bằng tiếng Anh tại Hà Nội; hoặc các kỳ thi mang tính chất khu vực, quốc tế như cuộc thi HSG giải Toán Hình học Iran, kỳ thi Toán học Hoa Kỳ… Những giải thưởng lớn đạt được, những cọ xát, trải nghiệm quý báu đó đã giúp cho chất lượng mũi nhọn của nhà trường ngày một tăng.
Ngay từ những năm đầu thành lập đã có bông hoa đầu mùa – các em khóa 1 đã mang về những giải Quốc gia đầu tiên quý giá, đó là những em: Phan Minh Hải (chuyên Hóa – giải Ba), Phan Gia Khánh (chuyên Sử – giải Ba), Nguyễn Thị Hoàng Vân (chuyên Văn – giải Ba),… Những năm tiếp theo, các gương mặt ưu tú nối tiếp xuất hiện và tỏa sáng, làm rạng danh đất học như: Trần Bửu Hạ (chuyên sinh khóa 2 – Giải Ba), Trương Thị Ngọc Trinh (chuyên Địa khóa 2 – Giải Ba), Nguyễn Công Thảo (chuyên Toán khóa 2 – Giải Ba), Võ Thời Nay (chuyên Lý khóa 3 – Giải Nhì), Trần Văn Tuấn (chuyên Sinh khóa 4 – giải Nhì), Văn Thảo Vy (chuyên Văn khóa 4 – giải Nhì), Hồ Nguyễn Văn Tân (chuyên Sinh khóa 5 – giải Nhì), Hà Đức Minh Thảo (chuyên Tin khóa 6 – giải Ba), Trần Lê Trịnh Vỹ (chuyên sinh khóa 7 – giải Nhì), Lê Thị Hồng Hà, Phạm Nguyễn Trọng Tuấn (chuyên Hóa khóa 7 – giải Nhì), Đặng Văn Quang (chuyên Văn khóa 7 – giải Nhì, cũng là thí sinh hiếm hoi của cả nước đạt điểm 10 môn Ngữ văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020, được nhiều tờ báo chí đưa tin, và học sinh cả nước ngưỡng mộ). Thật vinh dự là đã có 4 học sinh được Bộ GD&ĐT chọn thi vòng 2 để thi Olympic Châu Á Thái Bình Dương, đó là Trần Văn Tuấn, Hồ Nguyễn Văn Tân, Trần Lê Trịnh Vỹ (dự thi vòng 2 hai năm liền). Đấy là những thành tích rất hiếm có của học sinh Quảng Nam kể từ sau 20 năm tái lập tỉnh. Lại có những nhân tài đất Quảng – cũng thuộc số rất ít của cả nước, khi 3 năm liền đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia. Đó là em Nguyễn Thị Kim Ngân – học sinh chuyên Văn khóa 7. Em cũng là học sinh đầu tiên của Nhà trường trở thành Đảng viên tuổi 18. Với thành tích cao nhất là giải Nhì Quốc gia, được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học chất lượng cao, em đã chọn theo con đường Sư phạm. Bây giờ Kim Ngân cũng là một sinh viên ưu tú Khoa Ngữ văn của Trường Đại học sư phạm Hà Nội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong học sinh cũng được đẩy mạnh triển khai. Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ hoạt động tích cực dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo đã tạo được nhiều sản phẩm rất tốt. Các em học sinh đã chế tạo được “Sản phẩm tạo điện năng từ sóng biển”, “Cánh tay Robot điều khiển bằng sóng não”, nghiên cứu đưa ra “Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt dựa trên kết hợp hệ thống bể tự hoại cải tiến, công nghệ Wetlands với Biochar để phục vụ tưới tiêu”… Nhiều năm, Nhà trường có các dự án nghiên cứu Khoa học-Kỹ thuật dự thi cấp Tỉnh, cấp Quốc gia và đạt giải.
Học sinh cũng đã hăng hái tham gia ở nhiều sân chơi kiến thức như: Đường lên đỉnh Olympia, Học trò xứ Quảng,… Nhiều năm liền đều có gương mặt đại diện tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) tổ chức, có những em đã xuất sắc giành vòng Nguyệt quế vinh quang như: Đỗ Hữu Lượng, Phùng Hoàng Ca, Ngô Phương Nam, Mai Hương Trà, Trần Ngô Tuấn Khoa… Chương Trình Học trò xứ Quảng do Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam (QRT) tổ chức cũng nhiều năm liền có học sinh xuất sắc vào chung kết năm và đoạt giải quán quân (Đỗ Hữu Lượng, Phùng Hoàng Ca, Văn Thành An). Các Câu lạc bộ: Ngoại ngữ, Truyền thông, Ước mơ xanh, Âm nhạc… ngày càng thu hút nhiều học sinh. Các em tham gia và phát huy tốt năng lực, sở trường của mình.
Đối với các hoạt động hợp tác giáo dục, tính đến nay, ngoài việc liên kết với các trường THPT Chuyên, Nhà trường còn hợp tác với các trường Đại học trong nước như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học FPT… Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông cũng đã kí kết hợp tác với trường Đại học Tôn Đức Thắng về hỗ trợ bồi dưỡng năng lực cho giáo viên, về đào tạo Đại học các ngành chất lượng cao. Nhà trường cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học Isec Hội An về nâng cao chất lượng môn Tiếng Anh. Theo đó, học sinh của trường sẽ được học miễn phí khóa tiếng Anh thi lấy chứng chỉ quốc tế Ielts.
Về hợp tác quốc tế, Nhà trường đã tiếp nhận Trợ giảng Tiếng Anh của chương trình Fulbright, giúp nâng cao năng lực giao tiếp Tiếng Anh cho học sinh. Năm học 2018-2019, Nhà trường tổ chức các chương trình trao đổi, học tập với Viện phát triển Giáo dục Singapore, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục với tổ chức Văn hóa – Giáo dục Nhật Bản… Đến năm 2020, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông đã được Đại học Sydney – một thành viên của nhóm 8 trường hàng đầu nước Úc (Group of Eight) công nhận chất lượng đào tạo, học sinh Nhà trường được tham dự chương trình học bổng du học tại trường đại học Sydney mà không phải thông qua chương trình dự bị. Sau 10 năm, Nhà trường có khoảng 15% du học ở các nước.

trong Lễ Bế giảng năm học 2019-2020
Nhìn lại hành trình 10 năm xây đắp, tạo dựng, sẽ không khó để nhận thấy cứ mỗi năm học đi qua, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông lại gặt hái thêm những thành tích quý giá. Đến nay, Trường đã có gần 100 giải học sinh giỏi Quốc gia về văn hóa, Khoa học Kỹ thuật, Tin học trẻ; có 04 học sinh vào vòng 2 (chọn đội tuyển thi Quốc tế); trên 500 Huy chương Olympic truyền thống 30/4, Olympic khu vực DH&ĐBBB và hơn 1000 giải học sinh giỏi các môn văn hóa, sáng tạo Khoa học kỹ thuật, thí nghiệm-thực hành, Tin học trẻ… Nhiều năm liền, học sinh nhà trường liên tục tỏa sáng, để lại dấu ấn đậm nét ở hầu hết các sân chơi trí tuệ như: Đường lên đỉnh Olympia, Học trò xứ Quảng, Tài năng tiếng Anh… Chỉ riêng năm học 2021-2022 vừa kết thúc, học sinh trường LTT đã mang về trên 500 giải HSG mang tính chất quốc tế, giải QG, khu vực trong nước và cấp tỉnh.
Tỷ lệ học sinh đỗ Đại học những năm gần đây là 100%. Nhiều Cán bộ, Giáo viên được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT. Tập thể Nhà trường đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Bộ GDĐT, của Công Đoàn Giáo dục Việt Nam và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Sở GDĐT Quảng Nam…
Với những kết quả đạt được nêu trên, khoảng cách giữa một ngôi trường trẻ THPT chuyên Lê Thánh Tông với các trường THPT chuyên trong nước dường như không đáng kể. Giờ đây, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông đã khẳng định vị thế, phát triển hòa nhịp cùng các trường trong hệ thống trường Chuyên của cả nước.
Suốt hành trình 10 năm, để phát huy vai trò lãnh đạo, vượt qua thử thách vững bước đi lên, Nhà trường luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng. Ngay từ đầu thành lập, Chi bộ Đảng mới có 07 đảng viên, đến nay, Chi bộ đã có 37 đảng viên. Cấp ủy và toàn thể đảng viên trong Chi bộ đã nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò tiên phong gương mẫu, khắc phục khó khăn xây dựng Nhà trường ngày một phát triển và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong bảng vàng thành tích lấp lánh của trường không thể không kể đến vai trò xung kích của các thế hệ Đoàn viên thanh niên. Mười năm qua, bằng những thành tích rực rỡ về mặt học tập và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Đoàn thanh niên của trường liên tục được công nhận là Đoàn trường xuất sắc, được Thành Đoàn Hội An, tỉnh Đoàn Quảng Nam tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu.
Với hơn 80 Công đoàn viên sinh hoạt tại 09 tổ Công đoàn, Công đoàn luôn đồng hành cùng Nhà trường trong nhiều công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền được công nhận là Công đoàn vững mạnh, được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen.

Khai giảng năm học 2020 -2021
Nhìn lại chặng đường phát triển của Nhà trường trong suốt mười năm mới thấy sự lao động bền bỉ, sự cố gắng không ngừng nghỉ của các thế hệ thầy và trò. Về với ngôi trường hôm nay, chắc hẳn trong mỗi người đều cảm thấy vui khi nhìn thấy cơ ngơi đã khang trang, đầy đủ – từ các dãy phòng học đến khu nội trú, khu Giáo dục thể chất, nhà đa năng, bể bơi, Khu thí nghiệm – thực hành, Thư viện, không gian đọc sách, khu công viên, cảnh quan sư phạm… nơi nào cũng ngăn nắp, bề thế, sạch đẹp. Càng vui hơn khi biết Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông là một trong số ít đơn vị được công nhận là Trường đạt chuẩn Quốc gia Mức 2, đạt Kiểm định chất lượng Mức 3. “Mười năm cây lớn, chồi xanh”, ngôi trường đã đĩnh đạt vươn lên sánh vai cùng với các trường chuyên trong cả nước.
Kỷ niệm 10 năm cũng là dịp để chúng ta dừng lại nhìn rõ mình hơn, để suy ngẫm, thấu hiểu những trải nghiệm và đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu, coi đó như hành trang quan trọng cho những bước đi vững chắc chặng đường tiếp theo. Đó là bài học về chữ Tâm và Tài; bài học về sự đoàn kết gắn bó để vượt qua mọi khó khăn; bài học về công tác cán bộ, công tác xây dựng đội ngũ; bài học về công tác lãnh đạo; công tác xã hội hoá giáo dục,…
Trong giai đoạn mới, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông xây dựng định hướng phát triển mới, đó là “Kiên định quá trình đổi mới, đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, tập trung thực hiện kế hoạch chiến lược, phát triển theo chiều sâu, phát huy vai trò tiên phong cho các trường THPT, khẳng định vị thế hàng đầu trong tỉnh, tiếp cận với chuẩn mực của hệ thống trường Chuyên”.
Hệ thống trường Chuyên đang đứng trước những yêu cầu mới, quan điểm dạy học, giải pháp thực hiện… cũng phải có những điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi môn học, nhất là môn chuyên, không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, mà quan trọng hơn là thông qua đó, học sinh được tập dượt nghiên cứu, được rèn luyện năng lực tư duy, bản lĩnh, năng lực hợp tác, chịu tải áp lực công việc, được phát triển năng lực tiềm ẩn… Từ đó, các em có được tố chất cần thiết để tiếp tục học tập ở bậc học cao hơn ở trong nước hay ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mỗi môn chuyên trong Nhà trường vừa là đối tượng học tập, vừa là phương tiện hình thành nên phẩm chất của người học. Trong môi trường của trường Chuyên – môi trường của sự đa dạng nhưng thống nhất – các em học sinh có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau thông qua giao tiếp và các hoạt động tập thể. Vì vậy, Nhà trường còn là môi trường lý tưởng cho các em được rèn luyện kỹ năng sống… Các kỳ thi là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy quá trình học tập và là cuộc kiểm định, điều chỉnh kết quả giảng dạy của thầy, học tập của trò. Việc đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi, vượt qua các kỳ thi đại học sẽ là hệ quả tất yếu của quá trình học tập.
Nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Tất cả các môn học đều xác định rõ mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, tư duy, phương pháp, bản lĩnh, nhân cách… cho học sinh và cùng hướng tới mục tiêu chung. Mỗi giáo viên là một chuyên gia về tổ chức, tư vấn, dẫn dắt học sinh trong hoạt động học tập. Khơi dậy và thổi cho các em ngọn lửa đam mê khám phá. Dạy cho học sinh phương pháp học tập và bồi dưỡng cho các em năng lực tự học, tự lập kế hoạch, tự đánh giá. Học sinh tập trung rèn luyện “phương pháp học” và “học phương pháp”. Giáo viên không làm thay học sinh những gì mà học sinh có thể làm được. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức dạy – học, các biệt hóa đối tượng, không áp đặt máy móc. Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm sau đánh giá tạo ra môi trường bình đẳng, khách quan cho học sinh có cơ hội tự khẳng định. Chúng ta phải xác quyết rằng: Trường chuyên là phải có chất lượng cao và trường chất lượng cao là trường không ngừng nâng cao chất lượng.
Để thực hiện được điều trên, Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới từ phương thức quản lý; đào tạo đội ngũ; phương pháp dạy, học của thầy và trò; đa dạng hóa các hình thức, hoạt động giáo dục nhằm phát huy cao nhất năng lực tiềm ẩn trong mỗi thành viên của Nhà trường. Ở đó, mỗi con người đều làm chủ công việc của mình, hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục một các tự giác, tích cực với tình cảm và trách nhiệm cao nhất. Lãnh đạo Nhà trường vừa là người khởi xướng, phân công, vừa đôn đốc, cổ vũ, động viên cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nhà trường sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập; khai thác các phương tiện, thiết bị dạy học một các hiệu quả; nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ, Tin học. Học sinh lớp chuyên, trước mắt là các lớp chuyên các môn tự nhiên và chuyên Anh, nhất thiết phải đọc được tài liệu môn chuyên bằng tiếng Anh.
Các hoạt động giáo dục ngoài giờ, dạy học Stem sẽ được coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa. Nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh được giao lưu, tham quan học tập, tham qua các nhà máy, cơ sở sản xuất, tham gia các hoạt động của địa phương… Thông qua các hoạt động, học sinh được bộc lộ năng khiếu, được rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết trình, tổ chức… Tiếp tục tăng cường giáo dục cho học sinh về pháp luật, trách nhiệm công dân, lòng nhân ái, nhân văn và tinh thần quốc tế. Hoạt động giao lưu, liên kết sẽ được mở rộng; hướng tới việc liên kết với các cơ sở giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước.
Mười năm là hành trình lao động và sáng tạo cũng là hành trình xây đắp, tạo dựng những chân giá trị để tạo nên một “thương hiệu” Lê Thánh Tông hôm nay với những giá trị cốt lõi: Chất lượng – Sáng tạo – Nhân văn. Tự hào về những giá trị được tạo dựng và tiếp nối, nhiệt huyết với những sứ mệnh đã và đang được thực hiện, tin tưởng với sự lãnh đạo và tạo điều kiện thuân lợi của các cấp quản lý, Nhà trường sẽ nỗ lực không ngừng để biến trầm tích thành kì tích, sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là một ngôi trường đào tạo chất lượng cao, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và chắp cánh cho những tài năng của quê hương, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin yêu của các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam./.
ThS. Lê Thành Vinh
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng